Xem danh mục các mặt hàng xuất khẩu nông sản tỷ USD của Việt Nam

(ĐTCK) Báo cáo đánh giá tiềm năng xuất khẩu Việt Nam 2014 vừa được Bộ Công Thương công bố tại Hội thảo quốc gia đánh giá tiềm năng xuất khẩu tổ chức tại Hà Nội ngày 30/7.
Xem danh mục các mặt hàng xuất khẩu nông sản tỷ USD của Việt Nam
Trong báo cáo, tổng cộng trên 70 mặt hàng xuất khẩu hiện tại và có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam được phân loại thành 3 nhóm: tiềm năng cao, tiềm năng trung bình và tiềm năng thấp, trong đó riêng từng nhóm được phân loại dựa trên mức kim ngạch xuất khẩu hàng năm gồm các mặt hàng xuất khẩu quan trọng có kim ngạch trên 1 tỷ USD, các mặt hàng xuất khẩu trung bình và mặt hàng xuất khẩu ít.

Theo cách phân loại này, nhóm hàng xuất khẩu có tiềm năng cao với những mặt hàng xuất khẩu quan trọng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 1 tỷ USD của Việt Nam tập trung phần lớn trong 4 nhóm ngành hàng chính là nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, dịch vụ.

Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng cao bao gồm cà phê, cao su, sắn và sản phẩm từ sắn thuộc nhóm ngành hàng nông nghiệp; hàng may mặc, giày vải thể thao, máy tính xách tay, máy in, điện thoại đi dộng, dây cáp điện, bảng mạch điện tử thuộc nhóm hàng công nghiệp; cá phi lê đông lạnh, tôm đông lạnh thuộc nhóm ngành hàng thủy sản; xuất khẩu lao động và du lịch trong nhóm ngành dịch vụ.

Các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng cao song mới xuất khẩu ở mức trung bình có 9 mặt hàng thuộc các nhóm ngành công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, thủy sản, có 3 mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cao song mới đạt kim ngạch xuất khẩu thấp (dưới 100 triệu USD/năm) như mật ong thuộc nhóm ngành nông nghiệp, cá phi lê thuộc nhóm thủy sản, tài chính kế toán thuộc nhóm dịch vụ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Tư vấn Trưởng dự án Đánh giá tiềm năng xuất khẩu Việt Nam, cách phân loại này sẽ góp phần hệ thống hóa được cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu cũng như đánh giá được tiềm năng và các yếu tố hạn chế trong việc xuất khẩu các mặt hàng, từ đó giúp các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có những biện pháp thúc và chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy xuất khẩu và khai thác tối ưu tiềm năng xuất khẩu của các nhóm ngành hàng.     

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đã chỉ ra các vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu của Việt Nam. Đó là phần lớn các mặt hàng xuất khẩu vẫn có giá trị gia tăng thấp do các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là nguyên liệu thô, chưa qua chế biến và chưa đa dạng, thiếu thông tin thị trường, cơ sở hạ tầng chế biến và vận tải kém, cong nghệ lạc hậu, quy hoạch nuôi trồng, sản xuất mất cân đối, liên kết chuỗi còn yếu..

Chất lượng sản phẩm xuất khẩu thấp cũng là yếu tố quan trọng ảnh hướng đến uy tín và hiệu quả hoạt động xuất khẩu, đặc biệt thể hiện rất rõ trong nhóm ngành hàng nông nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ và dịch vụ.

Đối với nhóm ngành điện tử và da giày, lợi thế về chi phí nhân công không bền vững cũng là những tồn tại cơ bản khiến xuất khẩu ngành này vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Theo đánh giá của các chuyên gia thực hiện báo cáo, trong bối cảnh mức lương bình quân đang ngày càng gia tăng và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các vùng miền thì những trở ngại về tuyển dụng lao đông đang và sẽ tiếp tục là những vấn đề lớn mà các ngành hàng này phải đối mặt.  

Trên cơ sở đó, các chuyên gia thực hiện báo cáo đã đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm khắc phục các hạn chế để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Trong đó, các giải pháp chính được đề xuất là xây dựng hệ thống thông tin thị trường cập nhật cho từng ngành hàng, xúc tiến triển khai các chính sách ưu đãi của Chính phủ về công nghiệp hỗ trợ để tạo nguyên liệu đầu vào, xây dựng thương hiệu riêng, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chế biến các mặt hàng xuất khẩu và hệ thống vận tải, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đào tạo nâng cao năng lực đàm phán, quan hệ thương mại quốc tế cho các doanh nghiệp.

Tin bài liên quan