Mở lối cho xe xanh
Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông - vận tải, mục tiêu tổng quát là phát triển giao thông - vận tải xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đã được đề ra, áp dụng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giao thông đô thị.
Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải đã đề xuất nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển xe điện nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải môi trường. Cụ thể, bộ này kiến nghị 3 loại xe điện được hưởng hỗ trợ, ưu đãi phát triển gồm xe điện chạy pin, xe điện sử dụng pin nhiên liệu và ô tô năng lượng mặt trời; có cơ chế ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, bảo dưỡng ô tô điện; miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số đối với người sử dụng xe ôtô điện; thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua xe; ưu tiên phát triển xe ô tô điện tham gia kinh doanh vận tải và ưu đãi vốn vay đối với các doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sử dụng ô tô điện và trợ giá cao hơn đối với xe buýt điện.
Tại hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi, một đích đến” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 29/8/2024, TS. Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Phát thải carbon thấp, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Net zero là cân bằng giữa phát thải và hấp thụ để đạt bằng 0. Khi Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc thực hiện mục tiêu này. Bên cạnh đó, Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ cộng đồng quốc tế và các hợp tác quốc tế, vận động tối đa các nguồn lực, trong đó có khoa học công nghệ; các bộ, ngành chung tay kết nối, huy động và phân bổ nguồn lực phù hợp để thực hiện…
“Chúng ta có tiềm năng phát triển thị trường xe xanh”, ông Hà Quang Anh nhấn mạnh.
Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến” có sự đồng hành của Công ty TNHH Ô tô BYD Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Trường Hải, Công ty cổ phần liên doanh Hyundai Thành Công Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Ford Việt Nam.
Ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban Truyền thông, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay, doanh số bán ô tô toàn thị trường Việt Nam trong năm 2023 là hơn 301.000 xe. Thị trường ô tô Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai, khi thu nhập đã đạt mức mô tô hóa cùng với quy mô dân số lớn. Nếu có các chính sách thúc đẩy toàn diện, xe năng lượng mới có thể chiếm 30% tổng dung lượng ô tô toàn thị trường trong giai đoạn 2026 - 2030.
Đồng quan điểm, ông Võ Minh Lực, Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam cho rằng, dân số hiện tại của Việt Nam đạt 100 triệu người, tỷ lệ dân số vàng chiếm phần lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao, đường cao tốc liên tục được đầu tư, mở rộng… Đây đều là những tiềm năng rất lớn cho ngành xe điện nói riêng và xe năng lượng mới nói chung.
“Cơ hội cho xe điện tại thị trường trăm triệu dân như Việt Nam rất lớn. Hiện tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam là 55/1.000, tức cứ 1.000 người có 55 người sử dụng ô tô. Tỷ lệ này so với các nước trong khu vực ASEAN còn thấp. Cầu tăng trưởng của thị trường ô tô điện Việt Nam còn lớn. Hàng năm có 3 triệu xe máy được tiêu thụ và phần lớn những người đang đi xe máy đều có nhu cầu chuyển sang ô tô. Thị trường ô tô năm 2024 có thể tăng trưởng không cao, nhưng dự kiến sẽ sớm bùng nổ”, ông Võ Minh Lực nhấn mạnh.
Cần chính sách đồng bộ thúc đẩy
Hiện tại, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo đánh giá của ông Đào Công Quyết là quy mô thị trường và sản xuất nhỏ, dẫn đến khó khăn trong việc phát triển chuỗi cung ứng. Cụ thể, dung lượng thị trường chỉ bằng một phần hai so với Thái Lan và bằng một phần ba so với Indonesia; sản lượng sản xuất thấp, ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.
Về việc phát triển giao thông xanh, ông Võ Minh Lực đánh giá, quy hoạch phát triển trạm sạc tại các đô thị chưa hợp lý khiến các nhà đầu tư khó triển khai; kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi của người dân; chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe dùng động cơ truyền thống sang xe năng lượng mới chưa được triển khai mạnh mẽ và lộ trình chưa rõ ràng, đặc biệt tại các thành phố lớn; chính sách đầu tư hệ sinh thái xe điện cũng chưa rõ ràng, khó thu hút nhà đầu tư…
“Phát triển giao thông xanh tại Việt Nam cần sự đồng hành của nhiều đơn vị để có thể tiến xa hơn. Cần có các giải pháp, hành động cụ thể hơn nữa để giải quyết những khó khăn đang tồn đọng, từ đó thúc đẩy quá trình phát triển giao thông xanh. Cần phải mang đến một môi trường giao thông xanh đa dạng, phong phú ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này giúp người dân từng bước thay đổi thói quen, tạo ra xu hướng di chuyển xanh ngày càng bền vững. Đồng thời, bổ sung các phương tiện thân thiện với môi trường vào cuộc sống, từng bước loại bỏ các phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch truyền thống để chuyển sang sử dụng các nhiên liệu thay thế như CNG, Hybrid, Hydrogen, thuần điện hoàn toàn”, ông Lực kiến nghị.
Ông Đặng Hoàng Mai, đại diện Bộ Công thương chia sẻ, trong dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam năm đến 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Bộ đã xây dựng các chính sách hỗ trợ với các dòng xe điện khí hóa, thân thiện với môi trường.
“Đây là thời điểm vàng để đi tắt đón đầu công nghệ với các loại xe thân thiện với môi trường”, ông Mai nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ vừa triển khai lấy ý kiến đối với Báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh tại Việt Nam. Khung chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện được đề cập trong báo cáo sẽ góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, sản xuất, tiến tới nắm bắt công nghệ mới, chuyển đổi sử dụng ô tô điện trong nước.
Chính sách phải rõ ràng mục tiêu, tầm nhìn rộng và toàn diện
Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội
Ban soạn thảo phải có tư duy tổng thể về xây dựng chính sách, đáp ứng 3 yêu cầu: thứ nhất, chính sách phải rất rõ ràng về mục tiêu và nội dung khuyến khích; thứ hai, chính sách phải dài hạn, ổn định, mang tính cam kết là không có những chính sách kém thuận lợi hơn trong tương lai; thứ ba, cần sự toàn diện và đồng thời của các chính sách.
Cần quy hoạch hệ thống trạm sạc và chính sách ưu đãi từng dòng xe điện
Ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban Truyền thông VAMA
Cần có chính sách ưu đãi cho từng dòng xe điện hóa; lộ trình và giải pháp, chính sách (thuế, phí, ưu đãi đầu tư) phát triển trạm sạc.
Cần có quy hoạch về hệ thống trạm sạc trên quy mô toàn quốc (trước mắt ở các thành phố lớn và trên hệ thống đường cao tốc). Đồng thời, quy hoạch về đất để xây dựng trạm sạc, quy hoạch/chuẩn bị nguồn cung cấp điện cho trạm sạc. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách thu hút các dự án đầu tư xây dựng trạm sạc, ưu đãi cho nhà sản xuất thiết bị trạm sạc.
Cần xây dựng chi tiết các chính sách hỗ trợ
Ông Võ Minh Lực. Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam
Việc chuyển đổi sang sử dụng, đầu tư xe điện gặp nhiều thách thức, nhưng về lâu dài sẽ giúp giảm thiểu sự phát thải các khí gây ô nhiễm môi trường, góp phần tạo nên cuộc sống xanh hơn. Theo đó, cần xây dựng chi tiết hơn các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi sang việc sử dụng, đầu tư xe điện.
BYD tham gia thị trường Việt Nam, cùng với các đối tác mang đến những công nghệ mới nhất, sản phẩm mới nhất và dịch vụ tốt nhất, từ đó giúp người dùng có thêm nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm những sản phẩm xe năng lượng mới. Với sự nỗ lực chung từ nhiều phía, ngành ô tô Việt Nam trong tương lai sẽ phát triển vượt bậc, người dân dễ dàng tiếp cận những sản phẩm giao thông xanh với công nghệ hiện đại và chi phí hợp lý.