Hàng triệu ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel có nguy cơ không bán được ở Trung Quốc. Quốc gia này chuẩn bị tiến hành áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông mới, khiến nhu cầu về xe điện trở nên mạnh mẽ hơn. Với cuộc khủng hoảng ô tô tồn kho ở Trung Quốc trong 3 tháng tới có thể sẽ gây rất nhiều khó khăn đối với một số hãng xe lớn.
Phòng Thương mại Đại lý Ô tô Trung Quốc (CADCC) đã đăng một bài viết nói rằng, các đại lý ô tô có thể bị bỏ lại phía sau với hàng trăm nghìn chiếc ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới của Trung Quốc. Tiêu chuẩn này sẽ được thực hiện từ tháng 7 năm nay.
CADCC đại diện cho phần lớn các đại lý ô tô đã chỉ ra 3 phương án:
Thứ nhất, hoãn thực hiện tiêu chuẩn khí thải VI B của Trung Quốc đến ngày 1/1/2024.
Thứ hai, các hãng nên ngừng sản xuất loại ô tô mới mà không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải VI B của Trung Quốc.
Thứ ba, phân phối những ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải VI B Trung Quốc cho các đại lý càng sớm càng tốt, đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi và các ưu đãi cho các khách hàng mua xe.
Ảnh hưởng nặng nề đến các nhà sản xuất ô tô nước ngoài
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), tổng cộng 27 triệu xe ô tô đã được bán ra ở Trung Quốc vào năm 2022, trong đó gần 7 triệu là xe điện. Bên cạnh đó, Trung Quốc chiếm khoảng 2/3 doanh số bán xe điện toàn cầu vào năm 2022. Điều này cho thấy tình trạng dư thừa hàng trăm nghìn ô tô xăng và dầu diesel tại các đại lý ở Trung Quốc sẽ xảy ra khi người tiêu dùng nhanh chóng chuyển sang xe điện.
Mặc dù cuộc khủng hoảng ô tô tồn kho đang diễn ra, các nhà sản xuất ô tô nội địa Trung Quốc có thể được hưởng lợi, còn các hãng ô tô lâu đời ở nước ngoài sẽ chứng kiến doanh số bán hàng của họ tại một trong những thị trường ô tô lớn nhất thế giới giảm mạnh.
Lý do là vì các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như BYD có tỷ lệ sản xuất xe điện cao. Trong khi đó, các công ty nước ngoài như Toyota và Volkswagen đang sản xuất và bán hầu hết ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel ở Trung Quốc. Vì thế, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, Đức và Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng hàng tồn kho. Các công ty xe điện Trung Quốc cũng như Tesla tiếp tục có doanh số bán hàng gia tăng.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, doanh số bán hàng của các thương hiệu Nhật Bản tại Trung Quốc đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thương hiệu Đức và Hàn Quốc đã giảm khoảng 20%, trong khi các thương hiệu Mỹ giảm 12,5%.
Ngược lại, các thương hiệu Trung Quốc vẫn giữ được ổn định về doanh số bán hàng. Doanh số bán xe xăng giảm được bù đắp bằng doanh số bán xe điện trong nước tăng cao.
Và xu hướng xe điện này đang tăng tốc. Sản lượng xe điện ở Trung Quốc đạt tổng cộng 7 triệu chiếc vào năm 2022, tăng 97% so với năm 2021. Doanh số bán xe điện thì tăng 93%. Khi tiêu chuẩn về phát thải mới được áp dụng thì xu hướng này sẽ càng gia tăng.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới như Volkswagen và Toyota thậm chí còn không có kế hoạch tung ra các mẫu xe điện sản xuất hàng loạt cho đến năm 2027.
Cuộc khủng hoảng ô tô tồn kho của Trung Quốc liệu có dẫn đến sự sụp đổ rộng lớn hơn không?
Gã khổng lồ xe ô tô của Đức và Nhật Bản cũng là 2 trong số những công ty có các khoản nợ nhiều nhất trên thế giới. Cả hai đều có khoản nợ gần 200 tỷ USD. Với tình trạng dư thừa xe xăng tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, thật khó để biết các hãng xe này sẽ tồn tại như thế nào.
Tại Nhật Bản, các nhà sản xuất ô tô và các ngành liên quan đang có khoảng 5 triệu nhân viên, tương đương khoảng 8% lực lượng lao động nước này. Quốc gia này hiện chỉ sản xuất một số lượng nhỏ xe điện và họ đang phải ngồi nhìn thị trường hãng xe của mình tại Trung Quốc đang dần biến mất trước mắt.
Một khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thích nghi được với tiêu chuẩn mới, chính phủ nước này sẽ không trì hoãn thời gian áp dụng chúng.