Thông tư 20/2014/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/4/2014, quy định việc nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô theo chế độ tài sản di chuyển của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam đã bổ sung thêm điều kiện xe phải chạy được 6 tháng tại nước ngoài và quãng đường tối thiểu 10.000 km tính tới khi về tới cảng Việt Nam.
Đối với mô tô nhập khẩu theo chế độ tài sản di chuyển, ngoài việc phải được đăng ký lưu hành ở nước ngoài trước thời điểm công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã hồi hương được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam hay phải thuộc loại được phép đăng ký, lưu hành tại Việt Nam còn phải đáp ứng tiêu chuẩn không quá 3 năm, tính từ năm sản xuất đến thời điểm mô tô về đến cảng Việt Nam.
Ngoài ra, xe mô tô, ô tô nhập khẩu theo diện tài sản của Việt kiều hồi hương cũng phải đáp ứng quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, cho dù không khó khăn để vượt qua yêu cầu này.
Sự ra đời của Thông tư 20/2014/TT-BTC được xem là hàng rào mới nhằm ngăn chặn lợi dụng kẽ hở chính sách thông thoáng với Việt kiều hồi hương để buôn lậu các xe ô tô đời mới, có giá trị cao thời gian qua.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, số lượng ô tô hạng sang được nhập khẩu theo diện tài sản của Việt kiều hồi hương đã có sự tăng đột biến trong năm 2012, với khoảng 1.200 chiếc. So với tổng số xe được Việt kiều hồi hương nhập khẩu trong các năm 2009-2011 (chưa đến 200 chiếc), thì đây là sự chênh lệch đáng quan tâm.
Tuy nhiên, như Báo Đầu tư đã đưa tin nhiều lần, các điều tra nhân thân Việt kiều trước khi cấp phép nhập khẩu ô tô của cơ quan hữu trách đã cho thấy tình trạng nhiều Việt kiều có tuổi đời trẻ, vừa được cấp thẻ xanh tại nước ngoài với thời gian 1-2 năm đã bắt đầu xin nhập khẩu ô tô dưới dạng tài sản của Việt kiều hồi hương. Đáng chú ý là, các loại xe được nhập khẩu diện này đều là những dòng xe hạng sang với nhãn hiệu chủ yếu là Lexus, sau đó đến Audi, Rover Ranger, Cadillac, Mercedes Benz… Dĩ nhiên, cũng không thiếu các dòng xe siêu sang như Maybach, Rolls Royce, Bentley về Việt Nam theo con đường tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương. Mang những siêu xe vào Việt Nam theo cách này được xem là giải pháp tối ưu của giới buôn xe, nhằm đối phó với yêu cầu về giấy ủy quyền chính hãng được cơ quan chức năng dựng lên để hạn chế nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ, đắt tiền.
Chính bởi có sự lợi dụng chính sách này, mà hàng trăm xe ô tô nhập khẩu theo diện Việt kiều hồi hương đã phải nằm lại cảng, thay vì được cấp phép suôn sẻ.
Thống kê của Cục Hải quan TP.HCM cho hay, hiện có 97 ô tô đang nằm tại các cảng thuộc diện quản lý của đơn vị này là hàng hóa được nhập khẩu theo diện tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương trong thời gian 2012 - 2013. Trong 97 ô tô nêu trên của các Việt kiều có địa chỉ cư trú tại 27 tỉnh, thành phố, nhiều nhất là tỉnh Đồng Nai với 16 trường hợp; Đồng Tháp 11 trường hợp; Long An 9 trường hợp; Bà Rịa - Vũng Tàu 9 trường hợp.
Tại Đà Nẵng, theo thống kê của Cục Hải quan TP. Đà Nẵng, hiện có 15 ô tô được nhập khẩu theo diện tài sản của Việt kiều hồi hương đã quá thời hạn lưu giữ 90 ngày. Ngoài 5 chiếc xe Lexus mà Công ty Giao nhận Phương Nam đã từ chối nhận hàng với lý do gửi nhầm, không ít trường hợp qua xác minh đã không đủ điều kiện để được nhập khẩu xe theo diện tài sản của Việt kiều hồi hương.
Điểm đáng chú ý là, tại Thông từ 20/2014/TT-BTC có quy định việc buộc tái xuất với những xe không đủ điều kiện nhập khẩu hay tịch thu xe nếu không chịu tái xuất đúng thời gian quy định và thậm chí là xử lý theo pháp luật khi cơ quan chức năng phát hiện, xác minh được hành vi vi phạm pháp luật.
Cần nói thêm là, trong khoảng nửa năm qua, đã có hàng loạt đơn đề nghị được tái xuất xe nhập khẩu theo diện tài sản di chuyển từ các Việt kiều với lý do “nhập về mới biết không phù hợp với chính sách hiện hành” hay tìm cách tặng cho các doanh nghiệp, tổ chức trong nước như một cách né phải tốn thêm chi phí lưu kho, hoặc phải tái xuất và xấu nhất là tịch thu.