So với 2016, số xe bán ra toàn cầu trong 2017 nhiều hơn 2,05 triệu xe, tăng 2,4%, theo dữ liệu của Jato Dynamics. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong khi những thị trường đang phát triển như Nga và Brazil cũng lớn mạnh sau một năm suy giảm, như nhận xét của Felipe Munoz, nhà phân tích của Jato.
Dòng SUV giành thị phần kỷ lục trong 2017, chiếm 34% trên toàn thị trường. Kết quả thu được từ 52 thị trường trên toàn cầu được phân tích cho thấy, 27,85 triệu xe SUV bán ra năm qua, nhiều hơn 3,14 triệu xe so với 2016, tức tăng 12,7%.
SUV cỡ nhỏ chiếm gần 40% tổng doanh số SUV, tăng 9,2%, là tỷ lệ tăng trưởng chậm nhất của phân khúc. Phát triển mạnh nhất là SUV cỡ trung, với 16,6%. SUV cỡ lớn cũng tăng tới 15,7%, với khu vực Bắc Mỹ chiếm gần 67% số xe bán ra, còn tại Trung Quốc tăng gấp đôi.
Dòng SUV đóng góp đáng kể trong năng lực mạnh mẽ của ngành công nghiệp, chiếm thị phần lớn nhất tại Trung Quốc, Bắc Mỹ và châu Âu (ba khu vực lớn nhất), và khiêm tốn hơn tại ba khu vực nhỏ hơn là châu Á Thái Bình Dương, Nhật Bản và Hàn Quốc, và châu Mỹ Latinh.
Dòng subcompact là phân khúc bán chạy nhất tại châu Á Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh, trong khi dòng xe đô thị là chủ đạo ở Nhật.
Châu Âu, châu Á Thái Bình Dương và đặc biệt châu Mỹ Latinh là những nhân tố chính trong sự tăng trưởng của 2017. Tăng trưởng hai con số thuộc về 13 thị trường (Nga, Thái Lan, Argentina...).
Thị trường châu Á Thái Bình Dương với doanh số tăng ở Ấn Độ, Thái Lan, New Zealand và Singapore, trong khi khu vực châu Mỹ Latinh nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế ở Brazil.
Brazil góp công lớn trong sự tăng trưởng của ngành công nghiệp khi tăng 9,4% doanh số. Ấn Độ cũng duy trì đà đi lên mạnh mẽ với con số 8,8%, đồng nghĩa quốc gia này có thể sớm soán ngôi Đức (chỉ tăng 2,8%) để trở thành thị trường ôtô lớn thứ tư thế giới.
Sự thống trị của phân khúc thể thao đa dụng đồng nghĩa doanh số của những phân khúc truyền thống tiếp tục giảm, gồm xe cỡ nhỏ, sedan hạng trung, hatchback cũng như MPV.
Doanh số xe cỡ nhỏ là 14,92 triệu chiếc, giảm 4,5% so với cùng kỳ 2016 do nhu cầu giảm ở 5 thị trường lớn, và tại Trung Quốc cũng chịu lép vế trước sự bùng nổ của dòng SUV.
Xe nội thị tăng trưởng, phần lớn nhờ kết quả khả quan từ thị trường Nhật Bản với mức tăng 14,4%, cũng là nơi dòng kei-car thống trị. Xe bán tải cũng ngày được ưa chuộng nhờ nhu cầu cao ở Bắc Mỹ và sự phổ biến tại châu Âu, châu Mỹ Latinh và châu Á Thái Bình Dương.
Ford F-serie là xe bán chạy nhất thế giới trong 2017.
Ford F-serie lần nữa trở thành xe bán chạy nhất thế giới, đẩy Toyota Corolla xuống vị trí thứ hai. Nhu cầu đặc biệt cao tại chính thị trường Mỹ khi chiếm tới 80% tổng doanh số.
Nissan X-Trail/Rogue là xe SUV bán chạy nhất thế giới và là xe bán chạy thứ tư trên toàn thị trường, với 814.000 xe trong 2017, tăng 6,5%. Honda và Volkswagen đều trải qua những năm tăng trưởng mạnh mẽ, với 3 sản phẩm trong top 10 xe bán chạy.
Năng lực của Volkswagen Tiguan đáng ghi nhận với nhu cầu vượt trội ở Trung Quốc. Những sản phẩm có hiệu ứng tốt khác gồm Baojun 510, Toyota C-HR, Geely Emgrand, Jeep Compass, Peugeot 3008 và Chevrolet Cavalier.
Xét theo dạng nhiên liệu, dữ liệu cho thấy xe chạy xăng và xe hạng nhẹ (LCV) tiếp tục thống trị thị trường trong 2017, với 72,5% thị phần. Dòng xe dùng nhiên liệu thay thế tăng trưởng mạnh, với 27,7%.
Xe chạy dầu giảm 3,7%, riêng ở châu Âu vẫn có tới 67% số xe bán ra trong 2017 là xe máy dầu. Những thị trường khác ngoài châu Âu, với Thái Lan, New Zealand và Hàn Quốc cũng là những thị trường chuộng xe động cơ diesel.
Nhật Bản là một trong những thị trường lớn nhất và quan trọng nhất đối với xe dùng nhiên liệu thay thế. Tuy nhiên, Na Uy vẫn chiếm thị phần lớn nhất với 41,9% số xe bán ra, trong khi Nhật chiếm 27,8% và Israel đứng thứ ba với 9,5%.
Ôtô điện và xe hạng nhẹ có tổng doanh số 668.000 chiếc, tăng 78,4%. Xe hybrid có 2,51 triệu xe bán ra - một kỷ lục - phần lớn nhờ nhu cầu tăng cao ở Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu. Xe plug-in thu về doanh số hơn 417.000 chiếc, tăng 62,5% với những thị trường chính là Trung Quốc, Mỹ và Nhật.