Dòng xe sang nhập khẩu với tư cách là tài sản của Việt kiều hồi hương đang gia tăng mạnh.

Dòng xe sang nhập khẩu với tư cách là tài sản của Việt kiều hồi hương đang gia tăng mạnh.

Xe sang mượn “áo” Việt kiều hồi hương lo truy thu thuế

Trong nỗ lực ngăn chặn dòng xe sang nhập khẩu “khoác áo” xe Việt kiều hồi hương để lách thuế, Bộ Tài chính đang xem xét việc đánh thuế khi Việt kiều chuyển nhượng các loại xe này.

Bộ Tài chính vừa chính thức kiến nghị Chính phủ, với các Việt kiều được phép trở về định cư ở Việt Nam đã nhập khẩu xe miễn thuế là ô tô, mô tô đang sử dụng dưới dạng tài sản di chuyển theo quy định sẽ được cơ quan hải quan địa phương kiểm tra, xác định việc truy thu thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng) nếu Việt kiều chưa làm thủ tục đăng ký xe, lưu hành xe, nhưng đã chuyển nhượng cho người khác.

 

Thời điểm thực hiện truy thu thuế được tính từ khi Thông tư 118/2009/TT-BTC (ngày 9/6/2009) có hiệu lực. Đối tượng sẽ phải nộp thuế là Việt kiều hồi hương.

           

Trước đó, trong góp ý với Bộ Tài chính về việc truy thu thuế của xe Việt kiều hồi hương chưa thực hiện đăng ký xe mà đã chuyển nhượng, Bộ Công an còn đề nghị xử lý nghiêm hơn.

 

Đó là, ngoài việc phải nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, sẽ còn bị xử lý vi phạm hành chính.

 

Với những Việt kiều không đảm bảo về việc thường trú tại Việt Nam và hồ sơ cấp phép nhập khẩu, thì yêu cầu tái xuất xe, hoặc cho nhập khẩu, nhưng phải nộp các loại thuế theo quy định hiện hành và bị xử lý vi phạm hành chính.

 

Thậm chí, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ còn đưa ra giải pháp mạnh là tịch thu và xử lý theo quy định hiện hành với những trường hợp lợi dụng chính sách để nhập khẩu xe trái phép.

 

Theo Bộ Tài chính, các quy định pháp luật hiện hành chỉ quy định về việc miễn thuế nhập khẩu ở khâu nhập khẩu khi người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép hồi hương, hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam, mà chưa có quy định cụ thể về việc thực hiện nghĩa vụ thuế khi các đối tượng này thực hiện chuyển nhượng tài sản được áp dụng chế độ tài sản di chuyển.

 

Trước đó, năm 2005, Bộ Tài chính đã có Công văn 13570/BTC-TCHQ hướng dẫn xử lý thuế với ô tô là tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương với hàng loạt căn cứ của quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm đó. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, các căn cứ pháp luật được viện dẫn tại Công văn 13570/BTC-TCHQ không còn hiệu lực.

 

Điều này cũng đồng nghĩa với câu chuyện miễn truy thu thuế nhập khẩu, chỉ phải nộp lệ phí trước bạ của các tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương (có giá trị lớn như ô tô) khi tiến hành chuyển nhượng hàng hóa theo quy định tại Công văn 13750/BTC-TCHQ không còn hiệu lực.

 

Trong khi đó, dòng xe sang nhập khẩu với tư cách là tài sản của Việt kiều hồi hương trong hai năm 2011-2012 đã có sự gia tăng mạnh, tới trên 1.200 xe. Với đặc điểm giá trị lớn, xe gần như mới tinh và không ít xe được chuyển nhượng ngay sau khi nhập khẩu vào Việt Nam , ngân sách nhà nước đã thất thu một khoản không nhỏ, bởi các xe Việt kiều hiện được miễn thuế nhập khẩu và không phải chịu thuế giá trị gia tăng.

 

Bởi vậy, bên cạnh việc sửa đổi các quy định hiện hành về tính thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng với xe của Việt kiều hồi hương, Bộ Tài chính đang rà soát các chính sách liên quan, để truy thu thuế khi các tài sản này được chuyển nhượng.

 

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, theo Điều 21, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, đối tượng nộp thuế có hàng hóa được miễn thuế, xét miễn thuế theo quy định, nhưng sau đó sử dụng khác với mục đích để được miễn thuế, xét miễn thuế, thì phải nộp đủ thuế.

 

Tại khoản 3, Điều 6, Nghị định 87/2010/NĐ-CP cũng quy định, với mặt hàng có thay đổi mục đích đã được miễn thuế, xét miễn thuế, căn cứ tính thuế là số lượng, giá tính thuế và thuế suất tại thời điểm có sự thay đổi mục đích sử dụng của mặt hàng được miễn thuế, xét miễn thuế.

 

Căn cứ các quy định trên, xe ô tô, mô tô của Việt kiều nhập khẩu là tài sản di chuyển khi bán ngay (chưa làm thủ tục đăng ký, lưu hành xe) được xác định là thay đổi mục đích được miễn thuế (thuế nhập khẩu), mục đích sử dụng (thuế giá trị gia tăng) phải bị truy thu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.

 

Đồng quan điểm, Bộ Ngoại giao cũng cơ bản nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính, nhưng đề nghị việc truy thu thuế với các trường hợp nêu trên phải dựa trên văn bản quy phạm pháp luật cho phép và có thời gian cụ thể.