Xe khách nhồi hơn 100 người, đường sắt, hàng không “cháy” vé

Xe khách nhồi hơn 100 người, đường sắt, hàng không “cháy” vé

Vào những lúc cao điểm, do cầu cao hơn cung, nên nhiều chuyến xe đã tái diễn cảnh nhồi nhét và bắt chẹt khách.

Từ chiều 29/4 và sáng 30/4, nhiều cửa ngõ của thủ đô Hà Nội đã rơi vào tình trạng tắc nghẽn. Tại các bến xe, tình trạng quá tải cũng diễn ra. Vào những lúc cao điểm, do cầu cao hơn cung, nên nhiều chuyến xe đã tái diễn cảnh nhồi nhét và bắt chẹt khách. 

Ùn tắc ở các cửa ngõ Hà Nội

Sáng 30/4, người dân nườm nượp tiếp tục "rời đô" để về quê nghỉ lễ 30/4-1/5 khiến nhiều tuyến đường của Thủ đô Hà Nội rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.

9h sáng nay tại tuyến đường Bắc Thăng Long, làn đường Hà Nội - Vĩnh Phúc, cửa ngõ phía Nam hướng ra cao tốc Pháp Vân, đường vành đai 3 trên cao dường như "tê liệt"... 10h, trên đường Trần Nhất Duật rẽ lên cầu Chương Dương để đi ra phía Nguyễn Văn Cừ-QL5, dù không phải là đường nhỏ, song các phương tiện cũng không thể lưu thông nhanh như ngày thường.

Một đoạn đường lên cầu chừng vài trăm mét, nhưng ai nấy cũng phải nhích từng chút một. Thậm chí nhiều lúc, dòng người, xe hỗn loạn chen chân, không phân biệt chiều đường.

Cũng thời gian này, hướng giao thông đường Nguyễn Hữu Thọ từ Linh Đàm ra Giải Phóng cũng chịu tình trạng khó khăn tương tự. Nhiều lái xe cho biết, họ phải bò từng mét một gần 2 tiếng đồng hồ mà chưa di chuyển khỏi vị trí ùn tắc.

Nhằm hạn chế giao thông cho đường vành đai 3, lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn cho nhiều phương tiện ô tô thoát ra khỏi cửa ngõ phía nam bằng đường phía dưới nhưng cũng không mấy hiệu quả.

Đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn đi vào bán đảo Linh Đàm tắc cứng do các phương tiện đổ dồn vào bịt lối ra.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo đội CSGT số 14 cho biết, đơn vị huy động 100% quân số ứng trực phân luồng các điểm nóng Giải Phóng - quốc lộ 1, vành đai 3, đường dẫn lên cầu Thanh Trì suốt từ trưa ngày 29/4 đến nay.

Tuy nhiên, lượng phương tiện quá lớn khiến giao thông tê liệt. Ngoài ra, nhiều vụ va chạm giao thông, tài xế mâu thuẫn khiến các phương tiện lưu thông chậm, ùn ứ quanh khu vực này.

Xe khách nhồi hơn 100 người, đường sắt, hàng không “cháy” vé

Bên cạnh tình trạng ùn tắc, thì cảnh xếp hàng để mua được tấm vé về quê với nhiều người cũng không dễ dàng gì. Tại bến xe Mỹ Đình, từ chiều tối 29/4 đến trưa ngày 30/4, vẫn còn cảnh hành khách xếp hàng dài để mua vé. Nhiều người đứng hơn 1tiếng mới tới lượt, thế nhưng cũng có người đến bến xe nhìn hàng dài đang đứng chờ mua vé, đành ngậm ngùi quay ra.

Anh Tiến Hưng (Thái Bình) chia sẻ: “cả hai vợ chồng cùng làm công chức, chỉ chờ có dịp nghỉ lễ dài ngày để đưa các con về quên thăm ông bà. Chiều 29/4, thấy bảo tắc đường, tắc bến, nên sáng 30/4 tôi mới đưa vợ con ra bến Mỹ Đình mua vé. Song 8 rưỡi ra đến nơi đã thấy quá đông, lo con nhỏ lên xe chẳng may họ nhồi khách thì khổ, vợ chồng đành dắt nhau quay về. May ra đến cổng thì rủ được một gia đình khác cùng quê chung tiền thuê taxi về, chứ không thì cũng đành ở lại Hà Nội.Giá vé taxi thì sẽ đắt hơn xe khách một chút, song sẽ không phải chịu cảnh chen lấn, nhồi nhét”.

Trong khi đó, chị Song Đào quê ở Nam Định thì bức xúc, mất công ra tận bến bắt xe, thế nhưng, xe lúc đầu thì vắng, sau đi một đoạn họ bắt thêm người, thế là chiếc xe được nhồi tới hơn 100 người, giá vé là 80.000 đồng/người. Trời thì nóng, dù xe có điều hòa, nhưng vì quá đông nên ai nấy là mướt mải mồ hôi, như tra tấn, chị Đảo thổ lộ.

Liệu có phải nhu cầu quá cao, nhà xe quá ít nên dẫn đến tình trạng thiếu xe, dồn ứ? Mang vấn đề này trao đổi với lãnh đạo bến xe Mỹ Đình thì được biết, ngoài hàng nghìn chuyến xe xuất bến mỗi ngày, thì trong dịp 30/4, đơn vị cũng đã tăng cường khoảng 200-300 lượt xe mỗi ngày trên 10 tuyến trọng điểm như: Hà Nội đi Thanh Hóa, Vinh, Quảng Ninh, Cao Bằng, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Uy, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết thêm, lượng khách qua bến chiều 29 và 30/4 đợt này có thể đạt 45.000 người nên tình trạng ùn ứ là khó tránh. Để giải tỏa điều này, 100% lực lượng bến xe đã được huy động chia làm 3 ca để phục vụ hành khách đi lại.

Bên cạnh đó, theo ông Uy, ngay tại cửa ra bến xe, các nhân viên của bến sẽ kiểm tra số lượng hành khách trên xe trước khi xuất bến. Nếu xe chở quá số khách quy định sẽ không được xuất bến.

Để ứng phó với tình trạng nhà xe tăng giá bất thường dịp lễ, các bến xe đã tổ chức cho nhà xe ký cam kết không tăng giá vé trái quy định, vị Giám đốc bến xe Mỹ Đình tiết lộ, trước dịp nghỉ lễ, có 3 nhà xe đề nghị tăng giá vé nhưng bến xe không đồng ý. Còn nếu hành khách thông tin nhà xe thu tiền xe quá mức giá niêm yết, sau khi xác minh là đúng, bến xe sẽ đình chỉ phương tiện đó từ 5-15 ngày.

Vì ngại cảnh nhồi nhét của xe khách, nên nhiều gia đình đã chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển trong dịp nghỉ lễ. Đại diện Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đối với các chuyến tàu địa phương (có cự ly ngắn) công ty đã lập thêm 30 đoàn tàu trên các tuyến để phục vụ hành khách đi tàu trong dịp 30-4.

Trong đó, riêng tuyến Hà Nội - Vinh thêm 8 đoàn, Hà Nội - Đồng Hới thêm 4 đoàn, Hà Nội - Đà Nẵng thêm 2 đoàn.

Theo đánh giá, đến thời điểm này, nhu cầu đi lại của hành khách khá cao. “Tối 29/4, đường sắt Hà Nội chạy 16 đoàn tàu, trung bình 20 phút/chuyến. Bên cạnh đó, chiều về là ngày 2 và 3/5 cũng khá căng thẳng. Theo đánh giá, dù lượng vé tàu bán ra trong dịp nghỉ lễ 30-4 năm nay không cao bằng cùng kỳ năm 2015 (nghỉ 7 ngày), nhưng vào ngày 29/4 năm nay lại đạt kỷ lục về số đoàn tàu chạy.

Trong khi đó, vận tải hàng không cũng được các hãng bay nội địa tăng mạnh tần suất. Từ 29-4 đến 4-5, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) triển khai thêm 136 chuyến bay một chiều, tổng tải cung ứng trong những ngày này đạt khoảng 250.000 ghế, tăng gần 10% so thường lệ và 35% so với cùng kỳ. Tập trung chủ yếu trên các đường bay giữa Hà Nội - Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Huế; TP. HCM - Phú Quốc.

Ngoài ra, hãng hàng không Vietjet Air trong thời điểm này cũng tăng tải 140 chuyến bay so với lịch bay thường lệ, nâng tổng số chuyến bay khai thác mỗi ngày lên 246 chuyến bay, tăng 66% so với cùng kỳ 2015.

Các đường bay tăng nhiều chuyến là các đường bay đi/đến các địa danh du lịch như TP. HCM đi Đà Nẵng, Phú Quốc; Hà Nội đi Đà Nẵng… Tăng tải khá mạnh nhưng vào ngày cao điểm chiều đi như 29,30/4 và chiều về 2/5, nhiều chuyến bay của Vietnam Airlines, Vietjet Air đã thông báo hết vé.

Các số điện thoại đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Phản ánh về vi phạm trong hoạt động vận tải: 096 266 5953, 096 404 5445, 097 749 7891, 091 690 8085, 091 343 2383, 091 790 8085; phản ánh về tai nạn giao thông, trật tự an toàn giao thông: 086 891 1911, 099 321 1111, 098 908 8719, 093 617 3906, 099 591 8666; số đường dây nóng của Cục Cảnh sát giao thông: 069 234 2608 (máy bàn, không thể nhắn tin). Công ty Bến xe Hà Nội cũng công bố số đường dây nóng của Bến xe Mỹ Đình: 091 355 0524; Bến xe Giáp Bát: 091 330 5885; Bến xe Gia Lâm: 091 323 4684.

Tin bài liên quan