Theo SCMP, những chiếc xe mang thương hiệu Nhật ở Hàn Quốc đang bị bôi bẩn bằng kim chi trong bối cảnh tẩy chay hàng Nhật ngày càng gia tăng ở nước này.
Ngày 4-7, phía Nhật hạn chế xuất sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao quan trọng trong sản xuất các linh kiện bán dẫn và màn hình.
Động thái của Nhật diễn ra trong bối cảnh hai nước lại tranh cãi về vấn đề bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trước Thế chiến 2. Phía Hàn Quốc yêu cầu Nhật bồi thường thêm trong khi Nhật cho rằng vấn đề này đã được giải quyết xong.
Hôm 26-7, Nhật Bản đe dọa sẽ loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các nước được ưu đãi thương mại.
Hàng loạt các mặt hàng Nhật Bản đang bị tẩy chay tại Hàn Quốc, từ quần áo, nhà hàng, mỹ phẩm cho đến bia.
Đến thời điểm hiện tại, xe hơi Nhật cũng đã trở thành "nạn nhân" trong làn sóng bài trừ này. Vài tuần qua, các chủ sở hữu xe hơi thương hiệu Nhật, bao gồm Toyota, Honda, Nissan đã báo cáo rằng xe của họ bị phá hoại.
Một người đàn ông giấu tên sở hữu xe hơi Nhật ở thành phố Daegu, phía đông nam Hàn Quốc, cho biết xe của mình bị "khủng bố bằng kim chi". Cụ thể, người này phát hiện xe của mình bị bao phủ bởi một lượng lớn kim chi.
Trong khi đó, một vài chủ sở hữu xe hơi Nhật khác cũng đã báo cáo xe của họ bị trầy xước và phá hoại bằng nhiều hình thức khác. Để đối phó với tình hình nghiêm trọng này, một số chủ xe phải dán thư xin lỗi lên xe của họ và hứa sẽ không mua xe Nhật trong tương lai.
Ngày 23-7, một video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Hàn Quốc ghi lại cảnh một người đàn ông đang đập chiếc xe Lexus của mình, dù đã sở hữu phương tiện này 8 năm.
Đoạn video được quay tại một bãi giữ xe ở Incheon, có treo cờ Hàn Quốc và ghi rõ không chấp nhận xe Nhật.
Ông Song Mo, 48 tuổi, chủ sở hữu chiếc xe nói trong đoạn video: "Tôi cảm thấy xấu hổ khi lái xe Lexus. Mọi người hãy cùng nhau tiếp tục tẩy chay hàng Nhật".
Đoạn video thu hút nhiều luồng ý kiến khác nhau của cư dân mạng. Một số người dành nhiều khen cho hành động yêu nước của ông Song, số khác cho rằng việc làm của ông Song là phi lý và chỉ mang tính phá hoại.
Một bình luận trên mạng xã hội Twitter cho rằng việc phá hủy một sản phẩm mà bạn đã mua từ trước không có ý nghĩa gì, điều quan trọng là tham gia tẩy chay hàng Nhật từ bây giờ.
Một số trạm xăng và cửa hàng sửa chữa xe hơi cũng từ chối phục vụ xe Nhật. Hiệp hội Xăng dầu Hàn Quốc mới đây cũng tuyên bố sẽ không bán nhiên liệu cho người lái xe Nhật, theo Guardian.