Theo số liệu từ Dataforce, các thương hiệu bao gồm MG và BYD của SAIC Motor chiếm 9,9% số xe điện được đăng ký, giảm so với mức 10,2% vào tháng 7/ 2023. Nhu cầu chung về xe điện tiếp tục suy yếu sau khi Đức, thị trường ô tô lớn nhất châu Âu, xóa bỏ các ưu đãi hồi cuối năm 2023.
Mức thuế 48% có hiệu lực từ 5/7 đối với xe điện Trung Quốc đã khiến cả nhà sản xuất và các đối tác phân phối rơi vào thế khó.
Các khoản thuế tạm thời đã làm gia tăng căng thẳng thương mại và dẫn đến các cuộc điều tra trả đũa. Ngày 30/8, Trung Quốc cho biết đã tìm thấy bằng chứng về việc bán phá giá rượu mạnh từ EU, mặc dù hiện tại phía Trung Quốc vẫn chưa áp dụng thuế quan. Thuế của EU đối với xe điện sẽ có hiệu lực vĩnh viễn bắt đầu từ tháng 11, tuy nhiên còn tùy thuộc vào kết quả đàm phán thương mại giữa Brussels và Bắc Kinh.
Trong cuộc điều tra trước đó của Ủy ban Châu Âu, phản hồi của SAIC Motor – một trong bốn tập đoàn xe hơi lớn thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc – bị cho là "vô cùng thiếu sót". Kết quả, SAIC phải gánh chịu mức thuế tối đa.
Theo thông tin từ đơn vị nghiên cứu thị trường ô tô Jato Dynamics, tập đoàn sở hữu thương hiệu MG đã ghi nhận mức giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái đối với lượng xe được đăng ký tại Châu Âu trong tháng 7, con số đó là 60% khi so sánh với tháng 6. SAIC đã bàn giao hơn 13.000 xe điện MG tới các đại lý tại Châu Âu trong tháng 6, trước khi thuế quan bắt đầu có hiệu lực.
Nhìn chung, có chưa đến 14.000 xe điện Trung Quốc được đăng ký trên toàn Châu Âu vào tháng 7, một cú lao dốc so với con số trên 23.000 xe vào tháng 6 và giảm 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Dataforce.
Matthias Schmidt, chuyên gia phân tích tại Đức, cho biết các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã cố gắng chạy đua với thời điểm áp dụng thuế quan, điều này khiến cho lượng xe bàn giao trong tháng 7 giảm xuống.
Sự hiện diện của BYD tại châu Âu đã tăng gấp đôi vào tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc đã công bố mức giảm 5,5% so với tháng 6, theo Jato. Hiện BYD đang xây dựng nhà máy ở Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, khi đi vào hoạt động, các nhà máy này sẽ giúp tập đoàn tránh được mức thuế quan mới.
Xpeng, đối tác Trung Quốc của Volkswagen chia sẻ rằng họ đang tìm kiếm một địa điểm sản xuất tại châu Âu.
Việc có hay không những ưu đãi tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong doanh số bán xe điện. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu, tại Đức, doanh số bán xe điện đã giảm 37% vào tháng 7 và hiện đã giảm 20% tính đến thời điểm hiện tại trong năm.
Tại Bỉ và Đan Mạch, nơi các ưu đãi về xe điện vẫn được áp dụng, nhu cầu về xe chạy bằng pin tiếp tục tăng.
Lượng xe đăng ký cũng tăng ở Anh vào tháng 7. Chính phủ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng trong việc nối gót EU để áp dụng thuế quan đối với xe điện Trung Quốc.