Ông Phạm Thanh Hà

Ông Phạm Thanh Hà

Xây kho thông tin trái phiếu doanh nghiệp, bao giờ?

(ĐTCK) “Đề án xây dựng Trung tâm thông tin trái phiếu DN đã được Bộ Tài chính đồng thuận về nguyên tắc. Sau khi được phê duyệt, Trung tâm sẽ được đưa vào hoạt động…”, ông Phạm Thanh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) chia sẻ với ĐTCK.

 

Đề án xây dựng Trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang được triển khai ra sao, bao giờ Trung tâm sẽ đi vào hoạt động, thưa ông?

Được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, VBMA đã xây dựng và đang hoàn thiện Đề án xây dựng Trung tâm thông tin TPDN. Đề án đã nhận được sự đồng thuận về nguyên tắc của Bộ Tài chính. Sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt, VBMA sẽ đưa Trung tâm vào hoạt động và triển khai theo 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn cần 12 tháng để thực hiện.

Cụ thể, giai đoạn đầu sẽ chuyển đổi dữ liệu, thông tin TPDN từ các nguồn của cơ quan quản lý, các NĐT… sang định dạng Excel được chuẩn hóa và dễ sử dụng trước khi công khai trên website của VBMA. Trong giai đoạn này, Trung tâm tiếp tục giữ vai trò là cầu nối thông tin giữa tổ chức phát hành và Bộ Tài chính đối với các đợt phát hành mới. Giai đoạn 2 sẽ chuyển đổi thông tin, dữ liệu trái phiếu từ dạng Excel sang dạng MS SQL và cung cấp công cụ tìm kiếm, nhằm thỏa mãn yêu cầu nâng cao của người sử dụng.

 

Thưa ông, cơ chế chia sẻ thông tin giữa các thành viên thị trường, cũng như cập nhật thông tin cho Trung tâm được thực hiện theo phương thức nào?

VBMA mong muốn được đóng vai trò làm trung tâm thông tin TPDN ở Việt Nam, nhưng sự thành công của Trung tâm phụ thuộc lớn vào sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên tham gia thị trường trong chia sẻ, cập nhật thông tin. Cơ chế xây dựng và phát triển thông tin cho Trung tâm được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1, VBMA sẽ thu thập dữ liệu, thông tin hiện hành về TPDN từ Sở GDCK, các thành viên thị trường. Các thông tin, dữ liệu này sẽ được kiểm tra và xác nhận lại.

Bước 2, VBMA sẽ bắt đầu thu thập thông tin, dữ liệu về TPDN được lưu trữ trong hệ thống quản lý dữ liệu của 3 cơ quan gồm: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Các thông tin, dữ liệu này sẽ được kiểm tra lại về tính hoàn thiện, độ tin cậy trước khi công khai trên website của VBMA ở mức độ được các cơ quan quản lý cho phép.

Bước 3, VBMA đề xuất được chỉ định làm tổ chức hỗ trợ cho Bộ Tài chính trong yêu cầu, giám sát các tổ chức phát hành TPDN chấp hành các yêu cầu phải thông báo phát hành cho Bộ Tài chính. Vai trò này sẽ làm cho thông tin và dữ liệu TPDN hoàn thiện hơn.

Bước 4, VBMA sẽ tìm kiếm sự hợp tác với các tổ chức có liên quan khác với mục tiêu đồng nhất thông tin, dữ liệu về một trung tâm thông tin. Các tổ chức này bao gồm Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp nước ngoài và các nhà môi giới hoạt động trên thị trường trái phiếu.

 

Ngoài xây dựng Trung tâm và Sổ tay tư vấn bảo lãnh phát hành TPDN, đâu là những giải pháp mà VBMA sắp triển khai, để đưa thị trường TPDN sớm thoát khỏi cảnh èo uột hiện tại?

VBMA dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, làm nền tảng cho phát triển thị trường TPDN. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ cần sớm thiết lập một cơ quan điều phối chung các bộ ngành, nhằm điều phối triển khai đồng bộ các hoạt động phát triển thị trường. Ưu tiên đẩy nhanh dự án các NĐT trái phiếu cấp I (PD), sớm đưa ra cơ chế động lực đối với các nhà tạo lập thị trường thứ cấp, tạo tính định hướng cho sự phát triển chung của thị trường. Tiếp tục chuẩn hóa các công cụ giao dịch, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thêm hàng hóa mới. Ngoài cần sớm thiết lập cơ quan định mức tín nhiệm, cần chính thức giao VBMA là trung tâm thông tin về TPDN, để giúp thị trường TPDN phát triển hiệu quả và minh bạch.

 

Việc lần đầu tiên tại Việt Nam hình thành Trung tâm thông tin TPDN sẽ góp phần thúc đẩy thị trường TPDN phát triển ra sao, thưa ông?

Kinh nghiệm từ các thị trường tài chính phát triển trên thế giới cho thấy, việc thiết lập trung tâm thông tin trái phiếu đã cải thiện rõ rệt tính minh bạch của thị trường. Đây cũng là mục đích mà thị trường TPDN Việt Nam đang hướng tới. Thông tin rõ ràng, tin cậy sẽ góp phần tạo ra môi trường đầu tư minh bạch, tạo dựng lòng tin đối với NĐT, giúp thị trường TPDN thu hút được nhiều NĐT, từ đó tác động ngược trở lại hỗ trợ thúc đẩy thị trường sơ cấp phát triển. Sự ra đời của Trung tâm còn giúp các nhà hoạch địch chính sách có thêm nguồn thông tin đáng tin cậy, để đưa ra chính sách điều hành hiệu quả. Qua đó giúp NĐT có cơ sở để đánh giá xu hướng của thị trường, đưa ra quyết định mua hay bán có lợi nhất, giảm thiểu rủi ro trong đầu tư. Thị trường TPDN phát triển, sẽ tạo thuận lợi cho các DN huy động vốn tốt hơn.