Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng
Phát biểu tham luận tại Hội nghị nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu một vấn đề của đầu tư mà theo ông Hùng là còn dư địa để phát triển, đó là đầu tư cho công nghiệp văn hóa.
Tiếp cận từ góc độ công tác tài chính ngân sách, ông Hùng nói rằng, trong năm 2022 ngành Du lịch đã mang về 101 triệu lượt khách du lịch, trong đó 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đóng góp 495 nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, vượt 23% so với năm 2021. "Con số này tuy nhỏ nhưng cũng đã đóng góp vào bức tranh chung của tổng thu ngân sách cả nước", Bộ trưởng nói.
Viện dẫn quan điểm của Chính phủ là làm sao đảm bảo nguồn thu có tính chất ổn định, bền vững, đồng thời mở rộng dư địa thu ngân sách, lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển có tính bền vững lâu dài. Cần tính toán để khơi thông nguồn lực này, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Sở dĩ phải khơi thông nguồn lực này, theo Bộ trưởng là vì đầu tư cho lĩnh vực văn hóa hiện nay còn khiêm tốn. Cụ thể, nhìn từ góc độ đầu tư công, nhiệm kỳ này Thủ tướng đã tăng gấp 3 lần đầu tư công cho văn hóa, khoảng 6.100 tỷ đồng so với con số 2.100 tỷ đồng ở nhiệm kỳ trước.
Song, thống kê của Bộ này cho thấy chi cho văn hóa mới chiếm 1,8% tổng chi ngân sách Nhà nước.
"Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, được như vậy là đã đáng mừng, song Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn và đề nghị thể chế chính sách liên quan đến Văn hóa sớm hoàn thiện để khơi thông nguồn lực cho văn hóa, nhất là nguồn lực xã hội, bổ sung cho nguồn lực từ đầu tư công vốn được coi là vốn mồi. Cần xem xét sửa đổi quy định đầu tư cho văn hóa, thể thao như đầu tư cho giáo dục, y tế...", ông Hùng đề xuất.
Lý giải thêm, Tư lệnh ngành Văn hóa nói rằng, tại Hội nghị Trung ương 6 của Đảng, Trung ương đã ban hành nghị quyết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với thông điệp là muốn đất nước phát triển, giàu có, có nguồn thu ổn định thì phải dựa trên công nghiệp hóa.
Hội nghị tổng kết công tác tài chính ngân sách nhà nước năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 19/12. |
"Trong đó, công nghiệp văn hóa là lĩnh vực hiện còn dư địa để khai thác do chưa được nhìn nhận đúng tiềm năng hoặc đã nhìn thấy nhưng chưa được đầu tư thích đáng", ông Hùng nói và đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm, tạo thêm nguồn lực cho ngành Văn hóa.
Ngày 20/10/2022, tại Kết luận số 42-KL/TW kết luận Hội nghị lần thứ 6 BCHTW khoá XIII về kinh tế xã hội năm 2022-2023, Trung ương đã đồng ý chủ trương cho xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, với 6 đề án cụ thể trong đó chú ý đến tài nguyên văn hóa đồ sộ.
Ông Hùng cho rằng, trong tương lai, Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ mang lại nguồn thu ổn định khi các nguồn thu khác dần cạn kiệt đi: dầu thô sẽ ít đi, than đá sẽ cạn kiệt...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chương trình, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ để sớm ban hành được Chương trình này.
Kết thúc bài phát biểu, người đứng đầu ngành Văn hóa thông tin thêm, vừa rồi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng phối hợp với nhiều cơ quan xây dựng và quảng bá cuộc vận động văn hóa doanh nghiệp và doanh nhân.
Bộ trưởng nhận định, chúng ta thu ngân sách phải coi trọng doanh nghiệp và doanh nhân. Muốn doanh nghiệp đứng vững, phải bắt đầu từ văn hóa, thiết nghĩ để phát triển các sứ mệnh của doanh nghiệp và doanh nhân thì phải dựa trên trụ cột văn hóa.
"Bước đầu triển khai, cuộc vận động đã đạt hiệu quả tích cực. Chúng tôi chú trọng hai trụ cột là tuân thủ pháp luật và trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân với xã hội. Tôi nghĩ rằng, nếu Bộ Tài chính đồng hành thì chúng tôi sẽ có thêm nguồn lực để cuộc vận động này đi vào chiều sâu. Khi doanh nghiệp đều đứng vững trên nền tảng văn hóa, công tác thu ngân sách sẽ dễ dàng, nhẹ nhàng hơn, không phải thanh, kiểm tra nhiều", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.