Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế: Góc nhìn từ Hồng Kông

0:00 / 0:00
0:00
Tham khảo mô hình Hồng Kông (Trung Quốc), bao gồm môi trường dựa trên quy tắc, dịch vụ tài chính đa dạng và cam kết đổi mới, Việt Nam có thể xây dựng trung tâm tài chính quốc tế theo lộ trình riêng phù hợp với lợi thế độc đáo của mình.
TP.HCM được đánh giá là nơi phù hợp để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: Đức Thanh

TP.HCM được đánh giá là nơi phù hợp để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: Đức Thanh

Sự vươn lên của Việt Nam từ những khó khăn qua các cuộc chiến tranh và nền kinh tế kế hoạch hóa trong quá khứ thật đáng kinh ngạc, với những cải thiện về mức sống và vị thế trên trường quốc tế.

Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đã tham gia quá trình chuyển đổi này, đóng vai trò là cầu nối với những phương pháp tốt nhất thế giới trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Nổi bật trong đó là sự hỗ trợ về kỹ thuật và kiến thức của Hồng Kông cho sự phát triển thị trường tài chính Việt Nam. Gần đây, nhiều hội nghị quan trọng được tổ chức để đánh giá tiến độ và lập kế hoạch cho một trong những bước đi có ý nghĩa nhất trong việc phát triển thị trường vốn Việt Nam, đó là việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng.

Ý tưởng về một trung tâm tài chính quốc tế đã có từ lâu, nhưng việc này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn với Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Bộ Chính trị về việc phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Nhiều quyết định khác đã được ban hành ở các cấp độ khác nhau để triển khai Thông báo của Bộ Chính trị và mỗi bước đi đều nhận được sự quan tâm trực tiếp hoặc gián tiếp từ lĩnh vực tài chính của Đặc khu Hành chính Hồng Kông.

Từ góc nhìn của Đặc khu Hành chính Hồng Kông, hiện có nhiều thách thức đối với một trung tâm tài chính quốc tế ở bất kỳ đâu, nhưng Việt Nam vẫn là địa điểm phù hợp.

Học hỏi kinh nghiệm từ Hồng Kông để xây dựng tương lai tài chính

Khi Việt Nam hướng tới tầm nhìn đưa TP.HCM trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, có rất nhiều điều để học hỏi từ kinh nghiệm của Đặc khu Hành chính Hồng Kông.

Được công nhận là một trong những thị trường tài chính quốc tế hàng đầu thế giới, Hồng Kông đã xây dựng một cấu trúc thị trường vốn vững mạnh, cho phép các doanh nghiệp địa phương và nước ngoài huy động vốn hiệu quả và cạnh tranh toàn cầu. Việt Nam có thể rút ra những bài học quý giá từ kinh nghiệm của Hồng Kông, đặc biệt trong 3 lĩnh vực nền tảng đã giúp Hồng Kông vươn lên, gồm khung pháp lý và pháp quyền mạnh mẽ; thị trường vốn thanh khoản cao; hỗ trợ thể chế cho phát triển nguồn nhân lực và môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Khung pháp lý và quy định mạnh mẽ

Một trong những nền tảng thành công của Hồng Kông nằm ở môi trường pháp lý và quy định được thiết lập tốt. Dựa trên hệ thống thông luật, nền tư pháp minh bạch và độc lập của Hồng Kông tạo niềm tin cho các thành viên thị trường. Các cơ quan quản lý như Ủy ban Chứng khoán và Hàng hóa tương lai (SFC), Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA), cùng với Ủy ban Độc lập chống tham nhũng (ICAC) hoạt động với tính tự chủ và chuyên nghiệp, đảm bảo sân chơi bình đẳng, bảo vệ nhà đầu tư và hạn chế tham nhũng.

Tìm kiếm một vị thế riêng trong thế giới các trung tâm tài chính cạnh tranh không dễ dàng trong môi trường thay đổi nhanh chóng, nhưng Việt Nam có những lĩnh vực thế mạnh mà Hồng Kông có thể hỗ trợ hiệu quả.

Để tạo lập môi trường này, Việt Nam nên tiếp tục cải cách nhằm củng cố hạ tầng pháp lý cho thị trường tài chính, nhấn mạnh tính nhất quán trong quản lý, giải quyết tranh chấp minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư. Việc thành lập một cơ quan quản lý tài chính tự chủ chuyên trách cho thị trường vốn tại TP.HCM và Đà Nẵng có thể mang lại sự ổn định và niềm tin mà các nhà đầu tư tìm kiếm. Đồng thời, các chuyên gia lĩnh vực dịch vụ tài chính Việt Nam nên tận dụng việc nới lỏng quy trình cấp thị thực gần đây tại Hồng Kông cho thực tập sinh và chuyên gia có kinh nghiệm sang làm việc tại Hồng Kông.

Thị trường vốn thanh khoản cao

Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HKEX) là một trong những sàn lớn nhất thế giới về vốn hóa thị trường và nổi tiếng với các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO), đặc biệt từ Trung Quốc đại lục và Đông Nam Á. Điểm khác biệt của Hồng Kông là hệ thống thanh toán đa tiền tệ, dòng vốn mở và khả năng đáp ứng cả các công cụ tài chính truyền thống lẫn mới nổi - từ cổ phiếu, quỹ tín thác bất động sản (REITs) đến trái phiếu xanh và tài sản kỹ thuật số.

HKEX cũng tiên phong trong các chương trình kết nối (như chương trình thông quan cổ phiếu và trái phiếu) để tạo điều kiện tiếp cận xuyên biên giới giữa Trung Quốc đại lục và nhà đầu tư toàn cầu. Những cơ chế này làm tăng tính thanh khoản, chiều sâu thị trường và hội nhập tài chính khu vực. Loại hình chương trình này, đặc biệt trong bối cảnh trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, có thể mở ra kênh hợp tác giữa thị trường vốn Việt Nam và Hồng Kông.

Hồng Kông có thể mang lại nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa với Việt Nam bằng cách mở rộng nguồn thanh khoản thông qua các cơ chế như niêm yết kép, thúc đẩy các nhà đầu tư tổ chức dài hạn (như quỹ hưu trí và bảo hiểm), nâng cấp hạ tầng giao dịch, thanh toán và lưu ký. Việc quan hệ đối tác chiến lược với các sàn giao dịch trong khu vực, như Singapore, Thượng Hải và Tokyo, cũng có thể tạo điều kiện chuyển giao kiến thức và niêm yết chéo, nâng cao hình ảnh của TP.HCM.

Hỗ trợ đổi mới sáng tạo

Hồng Kông đã định vị là một trong những nền tảng fintech hàng đầu châu Á và có thể đóng góp vào mong muốn học hỏi của Việt Nam cho lĩnh vực fintech đang phát triển mạnh. HKMA đã triển khai chiến lược fintech 2025, khuyến khích ngân hàng áp dụng chiến lược số toàn diện trong khi xây dựng hạ tầng như Hệ thống thanh toán nhanh (FPS) và Sandbox giám sát fintech. Bên cạnh đó, các sáng kiến như cụm nghiên cứu InnoHK thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, blockchain và tài chính xanh. Mỗi lĩnh vực này đều có thể hữu ích cho TP.HCM khi phát triển trung tâm tài chính quốc tế của riêng mình.

Để tận dụng những cơ hội đó, TP.HCM nên tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế số, tận dụng dân số trẻ và am hiểu công nghệ, tạo ra một sandbox quản lý để thử nghiệm các công nghệ mới, thúc đẩy hệ thống thanh toán số và cung cấp các chương trình bảo lãnh hoặc đồng đầu tư cho các start-up và doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể thúc đẩy đổi mới.

Hướng tới tương lai: Con đường trở thành trung tâm tài chính quốc tế

Quỹ đạo tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, dân số trẻ và sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào thương mại khu vực và toàn cầu tạo nền tảng vững chắc cho dự án trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM. Tuy nhiên, để đạt được vị thế trung tâm tài chính quốc tế, đòi hỏi nhiều hơn về hạ tầng, như sự nhất quán về chính sách trong dài hạn, tính chắc chắn về pháp lý và cơ chế giải quyết tranh chấp đáng tin cậy. Tìm kiếm một vị thế riêng trong thế giới các trung tâm tài chính cạnh tranh không dễ dàng trong môi trường thay đổi nhanh chóng, nhưng Việt Nam có những lĩnh vực thế mạnh mà Hồng Kông có thể hỗ trợ hiệu quả, như tài chính thương mại nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, thị trường tương lai trong nước và quỹ hạ tầng... Tận dụng mô hình Hồng Kông, bao gồm môi trường dựa trên quy tắc, dịch vụ tài chính đa dạng và cam kết đổi mới, Việt Nam có thể xây dựng một lộ trình riêng phù hợp với lợi thế độc đáo của mình, trong khi tiếp tục leo lên các bảng xếp hạng thị trường chứng khoán toàn cầu.

Với tầm quan trọng của tương tác “người với người” trong tất cả những cơ hội đó, một trong những cải thiện thiết thực nhất trong mối liên kết tài chính Việt Nam - Hồng Kông sẽ xuất phát từ việc nới lỏng thị thực gần đây cho công dân Việt Nam muốn học tập và làm việc tại Hồng Kông. Cùng với những cơ hội đã nêu, triển vọng thật sự đáng khích lệ. Khi phần lớn thế giới tìm cách tăng cường khả năng phục hồi trước những bất ổn, thì thành công của TP.HCM như một trung tâm tài chính khu vực sẽ không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển quốc gia, mà còn góp phần vào sự thịnh vượng của khu vực. Kinh nghiệm và quan hệ đối tác từ Hồng Kông có thể đóng vai trò then chốt trong việc biến tầm nhìn đó thành hiện thực.

Tin bài liên quan