Xây dựng thương hiệu: Không để “mất bò mới lo làm chuồng”

Trong thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị “đánh cắp” thương hiệu ở thị trường nước ngoài khi không được đăng ký, bảo hộ.

Điển hình nhất là các vụ bị tranh chấp thương hiệu của Petro Vietnam và Cà phê Trung Nguyên tại Hoa Kỳ, của thuốc lá Vinataba tại châu Á, kẹo dừa Bến Tre tại Trung Quốc; bánh phồng tôm Sa Giang tại Pháp và châu Âu... Không chỉở nước ngoài thương hiệu Việt Nam mới bị xâm phạm mà ngay cả thị trường trong nước các DN cũng đang phải đối mặt với tình trạng bị xâm phạm về nhãn hiệu hàng hoá cũng như thương hiệu. Theo bà Trần Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ Banca, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hoá ở trong nước ngày càng tinh vi. Nhiều DN lớn với thương hiệu nổi tiếng đang gặp khó khăn khi thương hiệu sản phẩm luôn trong tình trạng bị đe dọa. Riêng trong năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2007, có tới 21.000 vụ vi phạm liên quan đến thương hiệu với tổng số tiền xử phạt tới 11 tỷ đồng. Hiện VN có đến 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động, dự kiến đến năm 2010, số doanh nghiệp sẽ tăng lên 500.000 doanh nghiệp. Nhưng mới có 10% doanh nghiệp có ý thức tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm.

 

Theo Cục Sở hữu trí tuệ: sở dĩ có tình trạng này là do việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay còn mang tính tự phát, mang tính manh mún, rời rạc. Nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại trong việc đầu tư xây dựng, đăng ký bảo hộ thương hiệu. Có như vậy là bởi đa số các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nho, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay nên ngại tốn kém chi phí khi phải bỏ ra số tiền không phải là nhỏ và còn gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, đặc biệt là ở thị trường nước ngoài. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu về nhận thức luật pháp, phong cách kinh doanh manh mún nên chỉ khi nào thương hiệu bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại từ phía thứ ba thì doanh nghiệp mới tính đến việc làm thủ tục đăng ký bảo hộ. Ở các doanh nghiệp nhà nước, do ràng buộc về cơ chế, chính sách, sự bảo hộ và ưu đãi của Nhà nước dẫn đến vấn đề thương hiệu chưa được quan tâm thỏa đáng nên hiện có đến 80% số doanh nghiệp đầu tư dưới 5% chi phí cho thương hiệu.

 

Theo ông Trần Việt Hùng-Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ: Để bảo vệ thương hiệu, trong thời gian tới cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, cho các doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc đăng ký thương hiệu. Phổ biến các vấn đề chung về sở hữu công nghiệp cho doanh nghiệp như cách thức thủ tục để đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, vấn đề quản trị sở hữu công nghiệp và đối với từng loại hình doanh nghiệp cụ thể có những chỉ dẫn riêng cho từng đối tượng. Hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo, huấn luyện, cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp về xây dựng, bảo vệ và quảng bá thương hiệu. Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký, quản lý và bảo vệ thương hiệu ở thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, trước hết là đối với những thương hiệu đã có vị trí trên thị trường.Theo ông Vương Trí Dũng, Chi cục phó, Chi cục QLTT Hà Nội: để khắc phục tình trạng các DN “đánh cắp” thương hiệu,Nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý có đủ các chế tàixử lý và có hình thức xử phạt cao, kể cả việc tước giấy phép kinh doanh. Quy định trách nhiệm cho các cơ quan cấp giấy phép, cơ quan phối hợp cưỡng chế có trách nhiệm, sau khi có quyết định xử phạt hành chính. Xây dựng một hệ thống tòa án có khả năng giải quyết các khiếu nại, tố cáo vi phạm thương hiệu. Thành lập những lực lượng “cảnh sát thương hiệu”, “công an thương hiệu” chuyên xử lý về hành vi vi phạm quyền sở hữu về thương hiệu hàng hóa.

 

Ông Dương Thành Long, Giám đốc điều hành Công ty luật Phương Bắc: các doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức về thương hiệu trong việc quảng bá, bảo vệ; đẩy mạnh việc đăng ký bảo hộ thương hiệu không chỉ ở thị trường trong nước mà cả ở nước ngoài. Tích cực tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài nước nhằm quảng bá sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng. Xây dựng chiến lược thương hiệu nằm trong chiến lược kinh doanh tổng thể xuất phát từ nghiên cứu thị trường. Phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý các vi phạm về thương hiệu ở thị trường trong nước và nước ngoài.

 

Được biết: để bảo vệ thương hiệu của mình, Công ty may ViệtTiến đã thành lập một bộ phận kiểm soát thị trường để thu thập chứng cứ, ghi nhận địa chỉ, thống kê danh sách địa điểm vi phạm và gửi văn bản cung cấp thông tin và cán bộ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.