Sản phẩm mỳ chũ của hợp tác xã Mỳ chũ Nam Thể (Lục Ngạn, Bắc Giang).
Vẫn còn “nhập nhèm" thương hiệu
Theo thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thời gian qua, nhiều loại hoa quả đã bị các thương lái “nhập nhèm” vì nhập khẩu theo đường tiểu ngạch nhưng lại gắn mác hoa quả Việt. Đơn cử, các thương lái nhập dâu tây Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và gắn mác dâu tây Đà Lạt, Mộc Châu… sau đó bán với giá chỉ bằng 1/2 so với giá thông thường.
Hay như sản phẩm mỳ chũ của hợp tác xã Mỳ chũ Nam Thể (Lục Ngạn, Bắc Giang) do anh Nguyễn Văn Nam làm chủ, mặc dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý độc quyền từ năm 2010 thế nhưng thương hiệu này lại đang bị nhiều cơ sở làm nhái, làm giả để trục lợi.
Việc này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, hợp tác xã sản xuất chân chính mà còn ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu nông sản của Việt Nam ngay tại thị trường trong nước.
Hiện, Việt Nam có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD như cà phê, gạo, điều… Tuy nhiên, so với tiềm năng, số lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn khá khiêm tốn do chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính.
Đáng chú ý, có tới 90% lượng nông sản Việt được xuất khẩu ở dạng thô, sau khi nhập về, các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ. Và khoảng 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, không có logo, nhãn mác.
Điển hình như sản phẩm chè xanh, hiện có tới 80% sản lượng chè sản xuất trong nước được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, song rất ít người tiêu dùng nước ngoài biết đến thương hiệu chè Việt Nam, mà chủ yếu biết đến nhãn chè của nhiều nước như: Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc...
Nếu không cải thiện được, Việt Nam khó có thể bứt phá để trở thành nước dẫn đầu về xuất khẩu nông sản.
Các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt bị mất thương hiệu ngay tại thị trường trong nước là do việc quản lý thương hiệu còn lỏng lẻo, quy trình sản xuất của hợp tác xã còn manh mún, nhỏ lẻ.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn chưa thực sự quan tâm tới logo, nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, nên dễ bị thương lái “nhập nhèm” thương hiệu.
Đề xuất giải pháp
Để bảo vệ và phát triển thương hiệu nông sản Việt, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần có những giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, hoàn thiện khung chính sách liên quan đến sở hữu công nghiệp nói chung và các quy định cụ thể về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận nói riêng nhằm giúp các địa phương tổ chức hiệu quả các hoạt động xây dựng và quản lý thương hiệu nông sản.
Đồng thời, tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành nghề để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và các hộ nông dân sản xuất - kinh doanh nông sản xuất khẩu nhằm xây dựng thương hiệu nông sản xuất khẩu Việt Nam uy tín trên thị trường thế giới.
Thứ hai, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu và phân phối sản phẩm nông sản cần tham gia cùng với Chính phủ và các cơ quan quản lý kinh tế trong đẩy mạnh việc triển khai các chương trình quảng bá - marketing thương hiệu và sản phẩm của riêng mình.
Lâu nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đầu tư đúng mức cho lĩnh vực này, do vậy nông sản xuất khẩu vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tạo nên giá trị cốt lõi của mình thông qua xây dựng thương hiệu sản phẩm dựa trên chính chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.
Bởi, sự chủ động nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp chính là một trong những yếu tố nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ ba, tập trung xây dựng kế hoạch, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành theo định kỳ, qua đó phát hiện những hạn chế, thiếu sót của hệ thống văn bản, từ đó đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý.
Cùng với đó nghiên cứu, tham mưu cho UBND địa phương từng bước kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, bền vững gắn với vùng quy hoạch tập trung, kết hợp xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thực phẩm an toàn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thực phẩm nông sản đặc sản.