Ẩn số việc cổ đông lớn từ bỏ quyền mua
Tổng công ty Xây dựng số 1 vừa phát hành thành công hơn 205 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1,8 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được quyền mua 1,8 cổ phiếu mới), với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của doanh nghiệp tăng từ gần 1.143 tỷ đồng lên gần 3.197 tỷ đồng.
Trong tổng số hơn 205 triệu cổ phiếu phát hành thêm, CC1 chào bán thành công 187,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. 26,7 triệu cổ phiếu còn lại được phân phối cho 6 cổ đông cá nhân khác.
Trước đó, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp đã đăng ký mua thêm cổ phiếu trong đợt phát hành này. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị đăng ký mua thêm 22,644 triệu cổ phiếu; ông Lê Hữu Việt Đức, Tổng giám đốc mua 14,788 triệu cổ phiếu; ông Hoàng Trung Thanh, Phó tổng giám đốc mua 22.900 cổ phiếu.
Hai Phó tổng giám đốc còn lại là các ông Phạm Kỷ Trung, Nguyễn Đức Dũng không mua thêm cổ phiếu, nhưng người nhà các ông này đều đăng ký mua vào.
Đáng chú ý, ông Trần Tấn Phát, cổ đông lớn đã bỏ quyền mua, dù trước đó có đăng ký mua thêm. Vì vậy, sau đợt phát hành, tỷ lệ sở hữu của ông Phát tại Tổng công ty Xây dựng số 1 giảm từ 12,45% xuống còn 4,46% và chính thức mất tư cách cổ đông lớn.
Trước đó, hồi đầu tháng 2/2021, ông Phát đã bỏ ra hơn 200 tỷ đồng để sở hữu 13,7 triệu cổ phiếu CC1 và trở thành cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này.
Việc ông Phát từ bỏ 25 triệu quyền mua cổ phiếu với mức giá chỉ tương đương 1/3 thị giá tại ngày 2/3/2022 - hạn chót nộp tiền của đợt phát hành - gây khó hiểu cho nhiều người.
Cổ đông lớn từ bỏ quyền mua cổ phiếu liệu bắt nguồn từ việc thiếu khả năng tài chính, hay do “sức khoẻ” doanh nghiệp có vấn đề?
Trên trang web của CC1 cũng không công bố thông tin về việc ông Bùi Tấn Phát chuyển nhượng quyền mua, mà chỉ thông báo về việc ông này không còn là cổ đông lớn.
Nhiều câu hỏi được đặt ra: Cổ đông lớn của doanh nghiệp từ bỏ quyền mua cổ phiếu bắt nguồn từ việc thiếu khả năng tài chính, hay do “sức khoẻ” doanh nghiệp có vấn đề? Liệu có chăng việc chuyển quyền mua cho người thân để tránh nghĩa vụ công bố thông tin giao dịch của cổ đông lớn sau này?
Kinh doanh sa sút, nợ vay lớn
Tổng công ty Xây dựng số 1 được biết đến là một tập đoàn xây dựng đa ngành, chủ đầu tư của nhiều dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và dân dụng theo hình thức BT, BOT, BOO, PPP.
Dẫu vậy, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lại không mấy hiệu quả. Năm 2021, Công ty đạt doanh thu 5.670 tỷ đồng, giảm 17,1% so với năm 2020. Trong đó, giá vốn hàng bán chiếm tới 5.361 tỷ đồng, lãi gộp chỉ còn 308 tỷ đồng. Nhờ khoản doanh thu tài chính 819 tỷ đồng (cao gấp hơn 4 lần năm ngoái, trong đó 605 tỷ đồng là lãi kinh doanh chứng khoán), doanh nghiệp ghi nhận lãi sau thuế 594 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2019, CC1 chỉ lãi sau thuế 23 tỷ đồng, còn năm 2020 lỗ 10,5 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2021, nợ phải trả của Công ty lên tới 10.144 tỷ đồng, cao gấp 4,3 lần vốn chủ sở hữu (2.335 tỷ đồng). Riêng trong năm 2021, doanh nghiệp này đã đi vay 6.658 tỷ đồng, trong đó dùng 4.846 tỷ đồng để thanh toán khoản nợ vay.
Theo phương án sử dụng vốn của đợt chào bán hơn 205 triệu cổ phiếu vừa qua, trong tổng số 2.052 tỷ đồng thu được, gần 900 tỷ đồng được dùng để trả nợ vay ngân hàng trong năm 2022 (Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội 362 tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam hơn 530 tỷ đồng). 789,7 tỷ đồng dùng để triển khai dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (kết hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Mitsubishi và Công ty Xây dựng Hyundai); 370 tỷ đồng dùng để thi công dự án khác.
Từng là “sân chơi” của nhiều nhà đầu tư tổ chức, song các nhà đầu tư này đã lần lượt tháo chạy khỏi CC1.
Cụ thể, tại ngày 10/7/2020, trong cơ cấu cổ đông của Công ty, Bộ Xây dựng là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 44,58 triệu cổ phần, tương đương với tỷ lệ sở hữu 40,53%. Tiếp đến là các cổ đông chiến lược, gồm Công ty Tuấn Lộc (19%), Công ty Nam Thịnh (15%) và Công ty Top American Việt Nam (11,3%). Công ty TNHH Quản lý Quỹ Bảo Việt là cổ đông lớn, với tỷ lệ sở hữu 9,47%.
Đến tháng 11/2020, Bộ Xây dựng đã tổ chức bán đấu giá toàn bộ số cổ phần CC1 đang nắm giữ với giá khởi điểm 23.030 đồng/cổ phần, thu về hàng nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2021, ba cổ đông lớn còn lại là Công ty Tuấn Lộc, Công ty Nam Thịnh và Công ty Top American Việt Nam cũng lần lượt rút lui. Giai đoạn này, doanh nghiệp xuất hiện 2 cổ đông lớn là ông Trần Tấn Phát (nắm 12,45%) và ông Nguyễn Văn Huấn (nắm 11%).
Trong một diễn biến liên quan, thời gian gần đây, bộ máy nhân sự cấp cao tại CC1 có sự biến động. Mới đây nhất, ngày 27/1/2022, Tổng công ty bổ nhiệm ông Kim WooJin (quốc tịch Hàn Quốc) nắm giữ vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách thị trường.
Trước đó, ngày 24/1/2022, CC1 bổ nhiệm ông Vũ Gia Bình làm Phó tổng giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh.
Vào ngày 1/1/2022, hai vị trí lãnh đạo cấp cao khác cũng được bổ nhiệm mới là bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Kế toán trưởng và ông Nguyễn Việt Hùng, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính.
Thị giá cổ phiếu CC1 trồi sụt khá thất thường. Tại ngày 25/11/2020, cổ phiếu này được giao dịch ở mức 14.000 đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn có 12 nhà đầu tư hấp thụ hết 44,583 triệu cổ phiếu do Bộ Xây dựng thoái vốn với giá đấu cao nhất lên tới 23.040 đồng/cổ phiếu. Sau đó, mã này đã tăng phi mã và đạt đỉnh 42.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 11/1/2022.
Anh Vương Nam, nhân viên môi giới của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết, trong danh mục cổ phiếu để tư vấn cho nhà đầu tư không bao giờ có CC1 bởi hoạt động kinh doanh của Công ty không hiệu quả.
“Ngoài ra, thanh khoản của cổ phiếu rất thấp, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất không quá 5.000 cổ phiếu. Mua những cổ phiếu thanh khoản thấp như vậy thường sẽ khó bán”, anh Nam nói.