Vào thời điểm đó, không khí trao đổi hai bên chuẩn bị tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa nước ta và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bước vào giai đoạn hết sức khẩn trương. Mặc dù đã có Văn phòng đại diện ở Washington D.C. và Hà Nội, nhưng phía Mỹ sử dụng kênh Đại sứ hai nước tại Liên hợp quốc cho những việc hệ trọng (thường thì Đại sứ ở Liên hợp quốc là thành viên Nội các chính quyền Mỹ).
Từ đầu dây bên kia, tôi nghe giọng bà Albright rất trịnh trọng, nhưng bà không giấu niềm vui của mình: “Tôi rất hân hạnh và trân trọng thông báo với Ngài Đại sứ, vào ngày 11/7 này, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Bill Clinton sẽ tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ với Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam!”.
Tim tôi đập rộn ràng suốt cuộc hội thoại trong niềm hạnh phúc lớn lao. Qua nội dung và cách nói của Đại sứ Albright, tôi hiểu đây là thông điệp phía Hoa Kỳ yêu cầu tôi chuyển về Hà Nội với mong muốn cấp lãnh đạo cao nhất của Chính phủ ta cũng kịp thời chính thức ra tuyên bố tương thích. Tôi cám ơn bà Đại sứ và đã ngay lập tức thực hiện nhiệm vụ lịch sử này, báo cáo và đề xuất về Thủ đô.
Là nữ Đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ bên cạnh Liên hợp quốc từ tháng 2/1993 đến hết năm 1997, bà Madeleine Albright nổi tiếng là một nhà ngoại giao nữ khá rắn. Tôi đã từng cảm thấy Tổng thư ký Liên hợp quốc Boutros B. Ghali và Đại sứ một số nước rất ngại “va chạm” với bà. Vài người bạn hỏi tôi hình như có “bí quyết” gì đó khi thấy quan hệ thân thiện giữa chúng tôi, họ thường thấy Madeleine nở nụ cười những khi tôi gặp, bắt tay chào bà.
Đại sứ Ngô Quang Xuân và phu nhân gặp Đại sứ Pete Peterson tại Washington D.C, tháng 2/1996.
Tôi còn nhớ, bên hành lang cuộc gặp tham vấn Việt Nam được mời dự lần đầu tiên giữa Đại sứ Hoa Kỳ và các Đại sứ ASEAN tại Trụ sở Phái đoàn Hoa Kỳ đối diện Trụ sở Liên hợp quốc, bà Madeleine có kể với tôi rằng, sau khi tham gia một dự án từ thiện ở Việt Nam, cô con gái của bà trở nên rất yêu thích đất nước và con người ở đó.
Vào tuần thứ ba tháng 9/1996, khi cùng Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm đến dự cuộc chiêu đãi truyền thống của Ngoại trưởng Hoa Kỳ dịp Khóa 51 Đại hội đồng Liên hợp quốc, vào cửa bắt tay chào đoàn chủ nhà, tôi nói nhỏ với bà Madeleine là tôi “bói” bà sẽ là Bộ trưởng Ngoại giao. Bà ấy cười phá lên, làm Bộ trưởng Warren Christopher ngạc nhiên quay lại hỏi điều gì xảy ra vậy?
Thực ra, vào thời điểm đó, ít nhất có 3 ứng viên đều nặng ký cho cái ghế này, và quả là bà đã được Tổng thống Bill Clinton lựa chọn bổ nhiệm trong ngày 5/12/1996, cũng là nữ ngoại trưởng đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Sau này khi gặp bà - thành viên đoàn Tổng thống Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2000 ở TP.HCM, mọi người rất vui khi tôi nhắc lại kỷ niệm này.
Đại sứ Ngô Quang Xuân gặp chào Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan tại Trụ sở Liên hợp quốc, tháng 11/1999.
Và ngày 11/7/1995 ở Washinton D.C. và ngày 12/7/1995 ở Hà Nội (múi giờ Washinton D.C. muộn hơn Hà Nội 12 tiếng) đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ khi Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Đây là kết quả của nỗ lực không mệt mỏi của rất nhiều người từ hai đất nước có đặc thù quan hệ song phương độc nhất vô nhị trên thế giới, mà theo tôi khó có một ai, dù đó là một sử gia, một chính khách, hay một nhà nghiên cứu chuyên sâu về mối quan hệ Việt - Mỹ có thể đếm, kể hết tên tuổi, nói ra được mọi hoạt động của họ. Và như lời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao John Kerry vào thời điểm ông trở lại Việt Nam dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước (7/8/2015), là hai bên có nhiều việc phải làm, đã mất “20 năm để bình thường hóa quan hệ và mất thêm 20 năm để từ hàn gắn đến xây dựng”.
Viết những dòng này trong bối cảnh còn ít ngày nữa, Việt Nam sẽ hân hạnh chào đón chuyến thăm của Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ Barack Obama, trong đầu tôi hiện ra những dòng sự kiện gắn kết với những nhân vật lịch sử, những đồng nghiệp và những người bạn…
Tôi chia sẻ quan điểm của nhiều người cho rằng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đáng ra có thể được phát triển tốt đẹp liên tục từ nửa thập kỷ trước chứ không phải đợi đến tận ngày 11-12/7/1995 mới được bình thường hóa.
Tháng 9/1997, trong một chương trình tại New York do ông John Mc Auliff, Giám đốc sáng lập Dự án Hòa giải Đông Dương (US-Indochina Reconciliation Project-USIRP thành lập từ 1985, sau đổi thành Quỹ Hòa giải và Phát triển FRD - Fund for Reconciliation and Development), khi tôi được mời lên sân khấu tham gia cuộc giao lưu giữa những người bạn là cựu chiến binh Việt Nam và các cựu thành viên đội “Con Nai” dưới thời thiếu tá Allison Thomas do Cơ quan tình báo chiến lược Hoa Kỳ OSS cử sang giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1945, tôi đã rất xúc động được nghe nhiều chia sẻ về sự ủng hộ, tình cảm hữu nghị thân thiết của những người Hoa Kỳ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với Việt Nam. Thế mà tình cảm quan hệ hữu nghị đó chỉ vừa mới được tạo nên thì họ đã bị rút về, rồi tiếp theo là Hoa Kỳ ủng hộ Pháp tại Điện Biên Phủ, rồi Hiệp định Geneva chia cắt Việt Nam, dẫn đến 30 năm chiến tranh…
Lịch sử vẫn luôn là lịch sử, nhưng lịch sử không lặp lại, mà lịch sử luôn tiếp tục các bước tiếp theo. “Chúng ta phải ghi nhớ quá khứ, nhưng cũng luôn nỗ lực cho một tương lai hòa bình, thịnh vương”, Ngoại trưởng John Kerry nói thật chính xác!
Ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 149 của Liên hợp quốc do Chính quyền Tổng thống Jimmy Carter ngừng sử dụng quyền veto tại Hội đồng Bảo an. Nhưng những người làm ngoại giao thế hệ chúng tôi cũng phải đợi đến tháng 4/1991 mới nhận được một bản “Lộ trình” (Road Map) từng bước bình thường hóa quan hệ của Tổng thống George H.W. Bush đề xuất với Chính phủ Việt Nam. Đây là kết quả tổng hợp gặt hái được từ hàng loạt hoạt động ngoại giao con thoi, hàng chuỗi cuộc đàm phán tại Liên hợp quốc ở New York, Paris, Bangkok… của những nhân vật xuất chúng đã đi vào lịch sử như hai Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch và James Baker; các Thứ trưởng ngoại giao Phan Hiền, Trần Quang Cơ, Lê Mai, Trợ lý Ngoại trưởng Richard H. Solomon; Đại sứ Leonard F. Woodcock, Tướng John Vessey và nhiều người nữa…
Nói về quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, tôi không thể không nói về đóng góp hết sức quan trọng của ông John Kerry và nhóm bạn bè ông, nhất là ông John Mc Cain, cũng là cựu binh chiến tranh Việt Nam và thượng nghị sĩ gạo cội của Thượng viện Hoa Kỳ. Trở về từ chiến tranh Việt Nam năm 1970 và từ năm 1984 trở thành thượng nghị sĩ, John Kerry đã kiên trì chủ trương chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa, vận động cải thiện quan hệ với Việt Nam. Trước thời điểm Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận, hai thượng nghị sĩ Kerry và Mc Cain đã hàng chục lần sang Việt Nam để điều tra, thu thập chuẩn bị tư liệu về Việt Nam, thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA).
Cho đến bây giờ, chúng tôi thường nói với nhau rằng, hai vị thượng nghị sĩ khả kính này là hai trụ cột vững chắc - một từ Đảng Dân chủ, một từ Đảng Cộng hòa - của quá trình đi đến bình thường hóa và phát triển quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Kết quả cuộc điều tra kiên trì về MIA của hai ông đã dần gây dựng được lòng tin từ hai phía và đặt những viên gạch đầu tiên cho tiến trình quyết định bình thường hóa quan hệ. Tôi đã có cơ hội nhiệt liệt cám ơn những đóng góp của thượng nghị sĩ từ Bang Massachusetts này ngay giữa những năm thập kỷ 90, lúc tôi là Đại sứ/Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc. Khi đó biết tôi sắp đến thăm Bang Massachusetts quê hương ông, ông cũng đã viết thư chào đón tôi một cách nồng hậu.
Có thể nói, từ lúc Tổng thống Bill Clinton vào Nhà trắng, tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có điều kiện thuận lợi ấm dần lên và tạo được đà tăng tốc: ngày 3/2/1993 - cấm vận các nguồn vay của Việt Nam từ các tổ chức IMF, WB được dỡ bỏ; 3/3/1994 - lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam được dỡ bỏ. Và đến lượt các sự kiện diễn ra dồn dập trong năm lịch sử 1995: 21/1 - hai bên chính thức ký Hiệp định giải quyết các vấn đề về bồi thường và thiết lập Văn phòng liên lạc tại Thủ đô mỗi nước; 15/5 - Việt Nam trao danh sách MIA đầy đủ nhất cho phía Mỹ; tháng 6 - Hội Cựu binh Mỹ tuyên bố ủng hộ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam; và hai ngày 11 và 12/7 lần lượt chính thức ra đời Tuyên bố Washington D.C và Tuyên bố Hà Nội về bình thường hóa quan hệ hai nước như chúng ta đều đã biết.
Trong những năm tháng sôi động đó và cả thời gian dài sau này nữa, tôi cũng vinh dự được gặp gỡ rất nhiều người bạn Hoa Kỳ khác nữa. Tôi chỉ xin kể về một vài người dưới đây. Tôi luôn cố gắng làm được một điều gì đó, dù nhỏ để động viên, hỗ trợ họ, có thể chỉ là cái bắt tay nắm chặt để cám ơn khi có dịp, cũng có thể đó chỉ là vài lời gợi ý, lời khuyên, hay những dòng thông tin về Thủ đô đề nghị Bộ Ngoại giao hay các cơ quan chính phủ tạo điều kiện đón và ủng hộ các hoạt động của họ ở Việt Nam. Tôi cũng coi đó không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ của một Đại sứ, mà đó cũng là tình cảm tri ân của tôi, một người Việt Nam đối với những người bạn Hoa Kỳ đã yêu quý, giúp đỡ đất nước, quê hương tôi theo cách riêng của từng người, mà theo tôi hiểu, họ không chỉ lúc nào cũng gặp được thuận lợi, trái lại, nhiều lúc, nhiều nơi họ đã phải dành dụm tiền của, sức lực, sức khỏe, tinh thần trí tuệ… để vượt qua muôn ngàn khó khăn, vất vả, kể cả những hiểm nguy để đến với Việt Nam.
Tôi đang muốn nói tới những người như nhà văn Lady Borton, bà đã từng đến Việt Nam từ năm 1969 để tập hợp nghiên cứu và viết nhiều tác phẩm về Việt Nam, bà gọi các chuyến đi của mình “đến Việt Nam như trở lại nhà của mình!”. Một người bạn khác tôi thường xuyên được gặp có nick-name trìu mến là “Madame Việt Nam”- là bác sĩ Judith Ladinsky. Có người bạn ước tính từ năm 1978 đến tháng 1/2004 bà đã về Việt Nam đến…112 lần! Trong cuốn “Vietnamerica: The war comes home”, Judy Ladinsky được mô tả là một trong những người đầu tiên sau chiến tranh làm cầu nối giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tôi muốn nói tới một “cầu nối” khác nữa, đó là người sáng lập và là Chủ tịch Quỹ Indochina Arts Partnership, họa sĩ David Thomas. Ông cũng đã có tới 50 chuyến đi về Việt Nam từ năm 1987 để nghiên cứu và thực hiện các chương trình trao đổi văn hóa và giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ. Những tác phẩm của ông về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về đất nước và con người Việt Nam được thế giới chào đón.
Tôi cũng không thể không nói thêm rằng suốt trong thời gian tôi làm việc tại Phái đoàn Thường trực Việt Nam ở New York từ tháng 6/1993 đến hết năm 1999, anh chị em chúng tôi luôn nhận được sự chăm sóc, giúp đỡ của gia đình chị Merle Ratner, chị là người luôn ủng hộ Việt Nam từ năm 1969 cho đến ngày nay. Và như tôi đã nói ở phần mở đầu, tôi sẽ không thể kể đủ hết được tên tuổi cá nhân các bạn bè Hoa Kỳ mà tôi đã từng được gặp, đó là chưa nói đến đội ngũ đông đảo những con người làm việc tại rất nhiều tổ chức hoạt động từ thiện phi lợi nhuận khác, các quỹ, các viện, trường đại học, các cơ sở giáo dục - đào tạo… Chẳng hạn chỉ nói về các hoạt động của TS. Charles Baily từ lúc ông làm Đại diện của Quỹ Ford Fondation trong một thời gian dài từ năm 1996, cho đến giai đoạn ông cùng chúng tôi xây dựng và triển khai sáng kiến của Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam (The Vietnam - US Dialogue Group on Agent/Orange) mà tôi có vinh dự làm đồng Chủ tịch phía Việt Nam, thì cũng phải cần đến ít nhất một tác phẩm dài may ra mới đề cập được phần nào các nội dung cần thiết.
Tôi luôn đánh giá cao và coi trọng những đóng góp của tất cả bạn bè Mỹ, ví họ như những người thợ xây đang đặt từng viên gạch dựng nên ngôi nhà, hay như những con ong cần mẫn hợp sức lại thành đàn, kiên trì xây thành tổ cho sự nghiệp kết nối hợp tác giữa hai đất nước, hai dân tộc vì hòa bình và thịnh vượng.
Bình thường hóa quan hệ hai nước đã tạo điều kiện khai thác và phát triển nhiều tiềm năng, giải quyết dần các tồn tại, mở ra nhiều hướng đi mới. Nói là vậy, nhưng những người làm trong lĩnh vực đối ngoại Việt Nam như chúng tôi hiểu tương đối rõ vẫn còn đó cực kỳ nhiều khó khăn, rào cản do đặc thù của chính trường Mỹ đối với quan hệ Mỹ - Việt. Có lẽ bởi vậy, chúng tôi rất cần, và thật may, đang có sự hỗ trợ giúp sức của những người bạn như Virginia Foote. Nhiều bạn bè và tôi đã từng gọi Virginia Foote một cách trìu mến là “người phụ nữ ở cuối hành lang Thượng viện”. Giny đã đồng hành “trên từng cây số” với chúng tôi cả quãng đường dài, kể cả những phiên đàm phán lê thê và cam go về BTA (Bilateral Trade Agreement), những đợt “hành quân lên thác xuống ghềnh” đa phương và song phương hơn 10 năm đàm phán Việt Nam gia nhập sân chơi toàn cầu WTO, cho đến tiếp diễn những đêm không ngủ của đoàn đàm phán về TPP của Việt Nam.
Tôi vẫn còn nhớ như in đã tiếp thu được nhiều điều bổ ích trong những lần gặp gỡ, trao đổi công việc, chuyện trò với Giny, hoặc đó là lúc tôi tham gia đoàn tiềm trạm hỗn hợp Việt Nam - Hoa Kỳ để chuẩn bị và đón phần chuyến thăm TP.HCM của đoàn Tổng thống Bill Clinton vào tháng 11/2000, hoặc là trong giai đoạn 6 năm tôi là Đại sứ tại Geneva, lúc thì họp đàm phán, lúc thì tham gia Hội nghị WTO ở thủ đô các nước, khi thì được về Hà Nội dự họp cấp cao APEC 2006 có sự tham dự của Tổng thống George W. Bush, hoặc sau này được tham gia các đoàn cấp cao thăm Thủ đô Washington D.C... Tôi rất mừng được thấy giờ đây “người phụ nữ ở cuối hành lang Thượng viện” đã trở thành Giám đốc Amcham tại Việt Nam, khi mà quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã bước sang giai đoạn một tầm cao mới.
Nhờ những nỗ lực đóng góp không mệt mỏi của đông đảo bạn bè, của nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo, của các nghị sĩ hai Quốc hội hai bên, những hoạt động tích cực tại hai Thủ đô của hai vị Đại sứ đầu tiên Lê Bàng, Douglas Peterson và những Đại sứ kế nhiệm họ, nỗ lực của nhiều tổ chức, cá nhân, rồi được tiếp sức của cộng đồng doanh nghiệp…, quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng đơm hoa kết trái. Thời mới bình thường hóa, những người trong cuộc như chúng tôi không thể tưởng tượng được sẽ đến một ngày cán cân thương mại hai nước có thể tăng từ 500 triệu USD lên đến hơn 35 tỷ USD, có tới gần 20.000 sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ, hợp tác hai bên đi vào những nhạy cảm an ninh, quốc phòng, nhận thức chung hai bên ngày càng có nhiều tương đồng hơn, mức độ tin cậy về tiềm năng và hiểu biết lẫn nhau đã đẩy lùi tồn tại khác biệt và giới hạn nhanh đến như vậy.
Đặc biệt, mối quan hệ này càng được khởi sắc hơn từ khi Tổng thống Barack Obama vào Nhà trắng, đưa mối quan tâm của Chính quyền Hoa Kỳ tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng lên hàng đầu, trong đó có vấn đề về Biển Đông. Điều này được thể hiện rõ theo hai nội dung: Hoa Kỳ thực hiện chiến lược “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương bằng việc bố trí tới 60% lực lượng hải quân tại khu vực này và thúc đẩy đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thể hiện thế và lực trên bình diện cân bằng vai trò đặc biệt của một cường quốc cả về an ninh và kinh tế ở khu vực.
Ngày 25/7/2013 đã đi vào lịch sử hai nước như một dấu ấn đặc biệt: tại Washington D.C, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang đã quyết định xác lập Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (Comprehensive Partnership) trên mọi lĩnh vực. Chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015 đã làm sâu sắc hơn, rộng mở hơn mối quan hệ Đối tác toàn diện này.
Tôi hoàn toàn tán thành và chia sẻ những đánh giá mới đây của Đại sứ Ted Osius rằng, “quan hệ Việt - Mỹ đang tăng lên hàng tuần” và của Ngoại trưởng John Kerry rằng, “trên thế giới không có hai nước nào làm tốt hơn Việt Nam - Hoa Kỳ trong việc đưa mối quan hệ hai nước gần nhau hơn, hướng tới tương lai”.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, sang thăm chính thức Việt Nam vào tháng 5/2016, Tổng thống Barack Obama sẽ đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ bước sang một trang sử mới toàn diện chiến lược hơn nữa, thịnh vượng hơn nữa!
(Bài viết được đăng trên Đặc san song ngữ Việt - Anh “Quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ: Cơ hội kinh doanh rộng mở" (Vietnam-US relations: Flourishing business opportunities) do Báo Đầu tư sản xuất, phát hành tháng 5/2016.
Ngô Quang Xuân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại khóa XII, nguyên Đại sứ tại Liên hợp quốc ở New York - Hoa Kỳ (1993-1999), Đại sứ tại WTO và các tổ chức quốc tế tại Geneva , Thụy Sỹ (2002-2008).