Khi cán bộ đoàn kết, người dân đồng thuận
Là huyện thuần nông, có xuất phát điểm thấp trong việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, song với tinh thần đoàn kết, tranh thủ mọi nguồn lực, Đảng bộ huyện Ứng Hòa đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện xây dựng nông thôn mới như: từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Đến nay, toàn huyện đã có 28/28 xã được UBND Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 6/28 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 21,4%), không có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Tại xã Liên Bạt, với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, xã đã về đích nông thôn mới nâng cao, trở thành xã đầu tiên của huyện Ứng Hòa đạt được danh hiệu này.
Con đường bích họa tại xã Liên Bạt (huyện Ứng Hòa) giúp làng quê thêm tươi mới. |
Ông Lê Hữu Nghĩa, thôn Đình Tràng, xã Liên Bạt bày tỏ sự vui mừng: “Trước đây, khi thôn chưa có nhà văn hóa, các cuộc hội họp phải tổ chức ở trụ sở hợp tác xã, không thì lại ở đình làng, có nhiều bất tiện. Nhưng từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, người dân trong thôn đã tự nguyện hiến 2.800 m2 đất, đóng góp kinh phí, công sức xây dựng nhà văn hóa với tổng giá trị gần 3 tỷ đồng. Có nhà văn hóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động cộng đồng được tổ chức chuyên nghiệp, thường xuyên hơn…”
Tương tự tại thôn Bặt Chùa, người dân không chỉ tham gia đóng góp cải tạo môi trường sống xanh - sạch - đẹp, mà còn chung tay xây dựng cổng làng với mong muốn tạo dựng một nét văn hóa riêng cho quê hương. Mỗi người một tay, người am hiểu văn hóa truyền thống thì tìm hiểu về kiến trúc cổng của làng quê Bắc Bộ, người có kinh nghiệm xây dựng thì hỗ trợ kỹ thuật, người có điều kiện kinh tế thì ủng hộ kinh phí…
Chẳng mấy chốc, những cổng làng được hình thành, có lối đi riêng cho người đi bộ, người đi xe thô sơ, lại có cả lối cho ô tô. Đáng mừng, hiện tại 8/8 thôn của xã đều đã có cổng làng.
Đồng chí Đặng Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Liên Bạt chia sẻ, không chỉ riêng các cấp lãnh đạo mà người dân cũng rất chú trọng việc xây dựng, phát huy và bảo tồn các công trình tại Huyện. Bằng nguồn vốn xã hội hóa do người dân đóng góp, xã Liên Bạt triển khai xây dựng các tuyến "đường nở hoa" làm đẹp quê hương với tổng chiều dài trên 3.500m cùng với hơn 200 chiếc ghế đá đặt ven hồ, đình, chùa...
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Huyện đã huy động tổng nguồn vốn trên 6.189.959 triệu đồng. Đặc biệt phải kể đến sự chung tay, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đã bỏ ra hàng trăm ngàn ngày công lao động, hiến hàng ngàn mét đất để thực hiện các công trình phúc lợi. Bằng nguồn vốn đó, huyện chú trọng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, hạ tầng kinh tế xã hội…
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng
Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn tại Huyện đã xây dựng mới và nâng cấp cải tạo, đồng thời được bảo trì thường xuyên, nhiều tuyến đường kết nối giữa liên xã, liên huyện được quan tâm đầu tư... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Bên cạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật, Huyện cũng đặc biệt quan tâm tới tiêu chí môi trường bằng việc thực hiện tốt phong trào “Vì môi trường xanh - sạch - đẹp”, “Không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng”. Xây dựng các tuyến đường nở hoa, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, “tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp - nở hoa kiểu mẫu và tranh bích họa.
Kết quả đến nay, đã có 370 đoạn đường do phụ nữ tự quản, 272 đoạn đường nở hoa kiểu mẫu, 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa và 504/504km đường trục chính nội đồng được cứng hóa.
Cùng với đó, chất lượng công tác y tế, văn hóa, giáo dục được nâng cao, công tác hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và người nghèo được bảo đảm. An ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn được giữ vững, công tác quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường, ổn định. Cụ thể, có 79/90 trường học đã đạt chuẩn Quốc gia; 29/29 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; 145/145 thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa.
Về vấn đề phát triển nông nghiệp, Huyện đang phát triển theo hướng sản xuất tập trung có quy mô lớn, hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, sản xuất theo hướng công nghệ cao, góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Gạo chất lượng Khu Cháy của hợp tác xã Đoàn Kết. |
Điển hình như phát triển chuỗi giá trị gạo chất lượng cao gắn với nhãn hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy”, chuỗi giá trị sản phẩm rau, củ, quả Ứng Hòa theo tiêu chuẩn VietGap; các mô hình nuôi lợn ứng dụng điều khiển tự động, nuôi cá “Sông trong ao”, trồng rau trong nhà màng, nhà kính…
Hiện tại, 28/28 xã của Huyện được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tiệm cận với đô thị, từng bước đưa nông nghiệp, nông thôn của huyện Ứng Hòa phát triển toàn diện theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại hóa.
Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn Huyện có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.448 tỷ đồng; thu nhập bình quân/người đạt 80 triệu đồng trở lên…
Ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1224/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Ứng Hoà, TP. Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Theo quyết định, căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19/6/2021; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019; Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình 7257/TTr-BNN-VPĐP ngày 10/10/2023 “Công nhận huyện Ứng Hoà, TP. Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022”.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. Hà Nội có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Ứng Hòa tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định.