Xây dựng một nền nông nghiệp xanh, an toàn bền vững

Xây dựng một nền nông nghiệp xanh, an toàn bền vững

(ĐTCK) Agribank luôn chú trọng đầu tư các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường.

Gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, nhận thức sâu sắc tương lai của Agribank gắn liền với tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam, cùng mong muốn góp phần giải quyết những thách thức đặt ra đối với mục tiêu phát triển xanh, sạch, an toàn, bền vững của nền nông nghiệp nước nhà, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Agribank luôn chú trọng đầu tư các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Agribank đã ngay lập tức vào cuộc, chỉ đạo toàn hệ thống nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng gắn với quản lý môi trường - xã hội, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về hoạt động cấp tín dụng xanh, nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng... 

Nông sản Việt thương hiệu Oganic

Sau 10 năm du học và làm việc ở trời Âu, cô gái trẻ Tyna Giang với giấc mơ “tìm kiếm sự hòa hợp vĩnh hằng giữa con người và thiên nhiên” đã quyết định trở về Việt Nam làm nông nghiệp hữu cơ ở tuổi 33. Cô chọn Tây Nguyên là điểm khởi đầu, bởi đó là vùng đất còn giữ được môi trường nguyên sơ.

Giang quan niệm: “Ở nơi nào hệ sinh thái bị phá vỡ sự cân bằng, thì đó không phải là nơi đáng sống”. Làm nông nghiệp hữu cơ cũng vậy, nó không đơn thuần là việc tạo ra một sản phẩm. Nó là một triết lý sống lành mạnh để con người và thiên nhiên sống gần gũi với nhau hơn.

Sau 3 năm, cả vùng đất khô cằn được hồi sinh với sự đa dạng sinh học. Biophap đã xây dựng chuỗi giá trị với cây tiêu từ trồng trọt, chế biến và phân phối đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. Để có thể đi xa hơn khi đặt mục tiêu phát triển hàng đầu cho chất lượng của sản phẩm và đạo đức trong kinh doanh với các chứng nhận quốc tế AB (Châu Âu), JAS (Nhật Bản), USDA (Hoa Kỳ) và Công bằng cho cuộc sống (Fair For Life), bắt buộc phải có nguồn nhân lực địa phương có thể sử dụng tốt tiếng Anh để làm việc cùng với các kỹ thuật viên người Châu Âu và các đối tác quốc tế.

Dự án đầu tiên của Biophap kết hợp với bà con dân tộc thiểu số tại huyện Kon Rẫy là một trong những ví dụ cho thấy thách thức lớn về thay đổi thói quen canh tác lâu đời của bà con người dân tộc thiểu số như đốt rừng làm nương rẫy và chưa nhận thức rõ về tính bền vững trong sản xuất cũng như chưa tiếp xúc với các quy chuẩn nghiêm ngặt và khắt khe của các thị trường quốc tế.

Theo Giang, mục tiêu của Bio Pháp là trở thành công ty dẫn đầu trong việc xây dựng chuỗi giá trị với cây hồ tiêu trồng xen lẫn các cây ăn trái, dược liệu và gia vị khác. Điển hình như cây Rosemary (hương thảo) vừa làm cây gia vị, dược liệu, vừa có tác dụng xua đuổi côn trùng; cây mâm xôi vàng (có giá bán khoảng 1 – 2 triệu đồng/kg trên thị trường); cây Kiwi; cây Việt Quất… có giá trị kinh tế rất cao để nghiên cứu phát triển.

Đến nay, trang trại đã có hơn 20 loài hoa, hàng chục loại dược liệu, cây ăn quả và gia vị. Sau 3 năm đầu tư cây lâu năm, trang trại BioPháp bắt đầu cho những trái ngọt đầu tiên. Hơn 1 tấn bột nghệ hữu cơ; hàng trăm kilogram dược liệu đã được các chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ trong và ngoài nước đặt hàng với giá bán cao hơn các sản phẩm canh tác vô cơ.

Giang chia sẻ 14ha này cho 4 năm xây dựng cơ bản thì phải mất khoảng 17 tỷ đồng đầu tư. “Chúng tôi không thể có số tiền nhiều như vậy, nhưng may mắn là BioPháp đã được Agribank Kon Tum  đồng ý hỗ trợ 70% tổng vốn đầu tư. Đây là ngân hàng uy tín, luôn sẵn sàng làm “bà đỡ” cho các startup khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp”. Và để rút được tiền của nhà băng, Tyna Giang cho rằng doanh nghiệp cần phải thuyết phục ngân hàng thấy được chiến lược rõ ràng, quản lý minh bạch và tuân thủ pháp luật.

Xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch

Với mong muốn mở đường tín dụng phát triển nông nghiệp sạch, an toàn, từ ngày 01/11/2016, Agribank không hạn chế nguồn vốn, đưa ra gói tín dụng ưu đãi tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ phát triển nông nghiệp sạch. Agribank thực hiện ưu đãi cho vay đối với khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn.

Dẫn đầu dòng tín dụng xanh thông qua nhiều hoạt động tích cực, Agribank kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển các chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch đã và đang dần được hình thành trên toàn quốc, chung tay cùng Chính phủ, Bộ, Ngành và người dân cả nước tạo nên nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn “cho người Việt Nam, cho thế giới”, tạo nền tảng vững chắc đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Là doanh nghiệp đi tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi với quy mô lớn tại Đồng Nai, Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào trang trại gà và phát triển mạng lưới gần 40 điểm bán hàng bình ổn. Cuối năm sản phẩm trứng gà sạch Thanh Đức đang tăng cường cho các hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc…

Dẫn chúng tôi tham quan trại gà, ông chủ trại gà Lâm Thanh Đức vui vẻ chia sẻ: “Từ năm 2016, doanh nghiệp chúng tôi đã đầu tư triển khai dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, với trị giá gần 200 tỷ đồng. Tất cả các thiết bị đang sử dụng trong trại gà hậu bị, trại gà đẻ, dây chuyền thu gom vệ sinh trứng và sản xuất phân vi sinh hữu cơ đều là công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới”.

Theo ông Đức, trại gà có tổng diện tích 5 ha và quy mô gần 200.000 gà đẻ, hiện đang cho năng suất 130.000 quả trứng sạch mỗi ngày. Để bình ổn giá thị trường, công ty sẽ phân phối lượng hàng trứng sạch chất lượng cao, an toàn, sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu quốc tế. Đặc biệt, người tiêu dùng khi sử dụng trứng gà sạch của Thanh Đức sẽ được sản phẩm bảo hiểm về trách nhiệm nếu có bất cứ rủi ro nào xảy ra.

Toàn bộ hệ thống chăn nuôi sản xuất được đầu tư rất bài bản, thiết kế chuồng lạnh, quy trình kỹ thuật chăn nuôi hoàn toàn khép kín, đảm bảo các điều kiện nuôi phù hợp. Ngoài ra, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cũng như quy trình phòng tránh dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt nên tỷ lệ đẻ trứng của gà rất cao, khai thác lâu dài.

Quy trình nuôi gà lấy trứng đều được tự động hóa, từ khâu cho gà ăn, uống, kiểm soát nhiệt độ, thu gom trứng tới xử lý chất thải, trứng từ chuồng nuôi được chuyển tới thẳng khu vực sơ chế, đóng vỉ. Ông Đức  tâm sự, có được một cơ ngơi khang trang như thế này, ông đã được sự giúp đỡ rất nhiều từ phía Agribank Đồng Nai.  Với số vốn vay của ngân hàng trên dưới 60 tỷ ( luân phiên) là một khoản tiền rất lớn để giúp ông Đức biến giấc mơ tỷ phú của mình thành hiện thực 

Vẫn cần các giải pháp đồng bộ cho chương trình Tam nông

Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank, việc phát huy hiệu quả của những chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời bám sát Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, ngành ngân hàng nói chung cũng như Agribank nói riêng tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên và tập trung nguồn vốn để cho vay, có tính đến các chương trình tín dụng đặc thù cho một số lĩnh vực và sản phẩm chủ lực của ngành.

Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các khoản cho vay nông nghiệp nông thôn, bảo đảm đúng mục đích, an toàn và hiệu quả. Đồng thời, rà soát để đơn giản hóa các thủ tục cho vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng để phát triển kinh tế.

Kiến nghị thêm một số biện pháp nhân rộng các hoạt động cho vay theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đại diện Agribank nhấn mạnh, để đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho các mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Nhà nước cần có các giải pháp đồng bộ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân. Chính quyền địa phương hỗ trợ ngân hàng, doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động sản xuất và cấp tín dụng...

Agribank cam kết sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020. Đẩy mạnh đầu tư đối với 7 chính sách tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nghiên cứu mở rộng các mô hình cho vay khép kín, liên kết giữa ngân hàng - nhà nông - nhà doanh nghiệp; xây dựng chiến lược khách hàng, ban hành các cơ chế, chính sách, gói cho vay theo từng đối tượng gắn với bảo hiểm nông nghiệp.