Ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển Ngân hàng MB

Ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển Ngân hàng MB

Xây dựng lòng tin để thị trường tài chính, chứng khoán phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường tài chính được mệnh danh là huyết mạch nền kinh tế. Phát triển lành mạnh và bền vững là yêu cầu cấp thiết để người dân, doanh nghiệp có lòng tin vào hệ thống tài chính, nền kinh tế quốc gia.

Nhiều thành công

5 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, trong đó có thị trường tài chính. Thị trường tài chính đã có những bước phát triển vượt bậc về cả chất và lượng, phát huy được vai trò đặc biệt quan trọng trong việc huy động và phân bổ các nguồn vốn cho nền kinh tế, cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng cho mọi tầng lớp nhân dân.

Dưới góc độ cấu trúc, thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Trong đó, thị trường tiền tệ bao gồm thị trường liên ngân hàng, thị trường mở và thị trường tiền gửi. Đây được coi như công cụ để Ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, lãi suất và hoạt động của các ngân hàng thương mại. Thị trường vốn bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán. Thị trường này là nơi giải quyết các quan hệ cung, cầu về vốn dài hạn của Chính phủ, các doanh nghiệp và người dân.

Thị trường vốn là nơi giải quyết các quan hệ cung, cầu về vốn dài hạn của Chính phủ, các doanh nghiệp và người dân

Thị trường vốn là nơi giải quyết các quan hệ cung, cầu về vốn dài hạn của Chính phủ, các doanh nghiệp và người dân

Làm sạch là cấp thiết

Với lợi thế phát triển sớm, cùng sự quyết liệt thực hiện những giải pháp làm sạch mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước, thị trường tiền tệ đã đạt được nhiều thành công như củng cố hệ thống ngân hàng thương mại, ổn định thị trường vàng, thị trường ngoại hối, kiện toàn hành lang pháp lý.

Các sáng kiến đó đã có những đóng góp rất quan trọng củng cố nền tảng vĩ mô, giữ ổn định lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các thị trường khác như thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu, hay các sản phẩm phái sinh cũng cần phải có sự phát triển nhanh, vững chắc để có sự tương đồng. Và trong quá trình phát triển, việc làm sạch là cần thiết và tất yếu.

Điểm nhấn thị trường

Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng quy mô rất cao ở thị trường trái phiếu và cổ phiếu với tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) 5 năm qua của 2 thị trường này lần lượt đạt 46% và 22%, cao nhất so với các nước trong khu vực (Hình 1).

Nguồn: WB, Bloomberg và tính toán của tác giả

Nguồn: WB, Bloomberg và tính toán của tác giả

Năm 2021, VN-Index là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất châu Á với mức tăng trưởng 35,7%, vốn hóa thị trường (gồm cả UPCoM) đạt 7,8 triệu tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thành công trong việc phát huy chức năng huy động vốn của thị trường khi đưa tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán ước đạt trên 100.000 tỷ đồng trong năm 2021 với 4,27 triệu tài khoản, tăng 56% so với cuối năm 2020.

Năm đề xuất

Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng với mục tiêu xây dựng một thị trường tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững, Chính phủ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang thực hiện những giải pháp mạnh mẽ, căn bản để làm “trong sạch và minh bạch thị trường, xây dựng lòng tin với cộng đồng nhà đầu tư”. Theo hướng tư duy đó, qua bài viết này, tác giả xin nêu ra một vài ý kiến mang tính chủ quan trong tầm suy nghĩ hạn hẹp của mình với hy vọng góp phần cùng Chính phủ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng niềm tin với cộng đồng nhà đầu tư và người dân bằng một số giải pháp nâng cao chất lượng và đa dạng hàng hóa của thị trường.

Tăng quy mô thị trường

Ảnh tác giả

Cơ quan chức năng cần có các biện pháp phối hợp và tăng cường công tác giám sát quá trình tăng vốn, đặc biệt là hoạt động phát hành riêng lẻ của khối doanh nghiệp tư nhân cả trước và sau khi niêm yết.

Ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển Ngân hàng MB

Trước hết, cần tiếp tục gia tăng quy mô cho thị trường chứng khoán niêm yết bằng cách đẩy nhanh IPO các công ty nhà nước, thu hút các doanh nghiệp niêm yết. Tổng mức vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam (gồm cả UPCoM) hiện nay bằng khoảng 92% GDP, còn khá thấp so với các thị trường trong khu vực như ở Thái Lan là 121% GDP, Singapore là 192% GDP, Hồng Kông (Trung Quốc) là 1.477% GDP.

Trong khi đó, so sánh ở bình diện khác, tổng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ở Việt Nam hiện nay chiếm 124% GDP, cao gấp 1,3 lần so với vốn hóa thị trường chứng khoán. Điều này có nghĩa là, kênh dẫn vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc khá lớn vào hệ thống ngân hàng, mặc dù vốn hóa thị trường chứng khoán đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2017.

Việc gia tăng quy mô cho thị trường chứng khoán một mặt sẽ khắc phục được một số vấn đề cơ bản như tránh rủi ro cho nền kinh tế quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Mặt khác, còn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, các nhà đầu tư có quy mô lớn và giúp hạn chế những giao dịch bất thường, những nhà đầu cơ có tổ chức trên sàn giao dịch. Khi quy mô cùng giá trị giao dịch đủ lớn, thì các đội nhóm sẽ khó có thể chi phối và ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường.

Tăng nguồn cung chất lượng

Cần thực hiện các giải pháp làm gia tăng hàng hóa chất lượng cao trên thị trường. Theo thống kê, tổng giá trị sổ sách tài sản của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước hiện nay khoảng 174 tỷ USD, chiếm 10% tổng tài sản sinh lời trên toàn quốc. Việc tiếp tục IPO, niêm yết các doanh nghiệp nhà nước bên cạnh thu hút một lượng vốn lớn hỗ trợ phát triển kinh tế còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch và sức cạnh tranh của khối doanh nghiệp nhà nước.

Giám sát chặt chẽ quá trình tăng vốn

Riêng đối với khối doanh nghiệp tư nhân, tác giả cho rằng, nếu đánh giá trên bình diện chung tính toán từ các chỉ số tài chính, đặc biệt khi so sánh tỷ lệ vốn góp và lợi nhuận có thể phản ánh chưa chân thực hiệu quả hoạt động thực sự của khối doanh nghiệp này, do quá trình tăng vốn còn nhiều kẽ hở để doanh nghiệp có thể tận dụng. Chẳng hạn, quá trình tăng vốn của doanh nghiệp trước khi niêm yết thì báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương, kết quả phát hành chủ yếu theo cơ chế tự báo cáo, tự chịu trách nhiệm và quá trình cấp phép niêm yết của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ yếu dựa trên thẩm tra hồ sơ, giấy tờ.

Quá trình tăng vốn của doanh nghiệp chưa có sự phối hợp, giám sát liên thông chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nên có thể dẫn đến việc tăng vốn chưa phản ánh đúng thực chất. Nghiên cứu báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp, chúng ta có thể thấy quá trình tăng vốn diễn ra rất nhanh với khối lượng lớn trước khi doanh nghiệp xin niêm yết. Do vậy, tác giả cho rằng, các cơ quan chức năng cần có các biện pháp phối hợp và tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát quá trình tăng vốn, đặc biệt là hoạt động phát hành riêng lẻ của khối doanh nghiệp tư nhân cả trước và sau khi niêm yết.

Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ

Cần đa dạng các mô hình quỹ đầu tư mới như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ phòng hộ, quỹ tín thác để cung cấp sản phẩm đa dạng cho người dân. Xây dựng các giải pháp khuyến khích ngành bảo hiểm tham gia sâu hơn vào thị trường tài chính, vì đây là nguồn cung ứng vốn trung và dài hạn quan trọng. Đồng thời, phát triển các sản phẩm phái sinh tiền tệ bảo đảm khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, tăng cường thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam.

Tăng cường phối hợp giám sát

Cuối cùng, hệ thống giám sát tài chính hiện tại đang bị phân tán và chưa có đầu mối giám sát toàn diện hoạt động của thị trường tài chính, theo dõi sự luân chuyển của dòng tiền, của các hoạt động đầu tư chéo, sở hữu chéo... Do đó, để phát huy vài trò giám sát thị trường, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các các cơ quan chức năng quan trọng như Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Tin bài liên quan