Sóc Trăng có nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vừa có những lợi thế riêng để phát triển. Ảnh: S.T
Định hướng trở thành tỉnh phát triển khá của vùng
“Quy hoạch luôn đi trước một bước để đề ra chiến lược, tầm nhìn cho sự phát triển. Có quy hoạch tốt thì mới có các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách khoa học, bài bản”. Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tại Hội thảo tham vấn về Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức cuối tuần qua, nhằm xác định khung kiến trúc, chiến lược phát triển toàn diện của tỉnh Sóc Trăng trong 10 năm, tầm nhìn 30 năm tới.
Nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng, vừa có những lợi thế riêng để phát triển. Với vị trí thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi, được ưu tiên phát triển hạ tầng như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề, cảng nước sâu Trần Đề..., Sóc Trăng có nhiều thuận lợi để phát triển nông nghiệp, cả về nông sản vùng ngọt, lợ và mặn. Với 72 km bờ biển gắn với cửa sông Hậu, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp và dịch vụ, đồng thời phát triển năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời.
Tuy nhiên, phát biểu tại Hội thảo trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, bên cạnh các tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư vào Sóc Trăng cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức, như vị trí địa lý xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; quỹ đất khu công nghiệp tương đối lớn, nhưng hạ tầng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa đồng bộ, đạt yêu cầu và kỳ vọng của nhà đầu tư; quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ, chủ yếu vẫn tập trung vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến chủ yếu là sơ chế, giá trị gia tăng chưa cao.
Theo đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ) - đơn vị tư vấn cho Dự thảo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu của Quy hoạch đến năm 2030 là từng bước thu hẹp và tiến kịp quá trình phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, đưa Sóc Trăng trở thành một tỉnh phát triển khá, có mức sống sung túc và nơi đáng sống của vùng và cả nước.
Thực tế, kinh tế của Sóc Trăng có tăng trưởng, nhưng còn chậm (trên 5,16%/năm). Minh chứng là, năm 2020 so với năm 2010, quy mô GRDP của tỉnh giảm 5 bậc, GRDP/người giảm 8 bậc, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn so với mức bình quân của vùng và cả nước.
Công nghiệp có tăng trưởng khá (8,87%), nhưng tỷ trọng vẫn nhỏ trong GRDP (11,3%) và công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp cho tăng trưởng còn thấp, chưa có ngành công nghiệp nào đủ lớn dẫn dắt Sóc Trăng thành đầu tàu tăng trưởng, trung tâm công nghiệp lớn của vùng.
Chất lượng tăng trưởng của tỉnh vẫn còn thấp, chưa tương xứng với quy mô, thiếu lao động trình độ cao... Chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng dân số còn thấp, mặc dù Sóc Trăng đang là thời kỳ của dân số vàng, nhưng là tỉnh có tăng dân số âm. “Kinh tế phát triển chưa thật sự bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm”, đại diện đơn vị tư vấn cho biết.
Tạo đột phá từ phát triển hạ tầng giao thông
Theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển kinh tế tỉnh thời gian tới dựa trên các trụ cột chính gồm: nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp năng lượng (nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) và công nghiệp chế biến nông lâm sản và chế tạo - hàng tiêu dùng; du lịch và dịch vụ hậu cần (logistics) và giao thông kết nối đồng bộ gắn với cảng cửa ngõ nước sâu. Ba trụ cột này đóng góp khoảng 80% GRDP và 85% việc làm vào năm 2030.
Từ đó, tỉnh xác định 1 trong 3 đột phá trong giai đoạn tới là tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, thuỷ lợi trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư năng lượng, cảng biển, khu logistics, khu, cụm công nghiệp, các đô thị, hạ tầng du lịch, hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số.
Trong giai đoạn tới, Sóc Trăng sẽ quy hoạch 20 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 617,3 km, trong đó 17 tuyến hiện hữu và 3 tuyến mở mới. Với hệ thống đường huyện, tỉnh Sóc Trăng sẽ hoàn thành nâng cấp 291,5 km, làm mới 21,7 km trước năm 2030 và nâng cấp 734,5 km, làm mới 76,9 km thời kỳ 2031-2050. Tỉnh cũng sẽ chú trọng phát triển mạng lưới giao thông đô thị hiện đại, nhựa hóa 100%, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, liên hệ thuận lợi trong và ngoài đô thị.
Góp ý cho Dự thảo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050, PGS-TS. Trần Thục, chuyên gia quy hoạch chỉ rõ, yếu tố biến đổi khí hậu là thách thức, nhưng cũng mang theo cơ hội. “Quỹ đất của Sóc Trăng trong tương lai không phong phú nữa, nên cần vươn ra ngoài khơi. Phát triển điện mặt trời chiếm rất nhiều quỹ đất nên cần cần quy hoạch thủy sản kèm theo”, ông Thục lưu ý.
Theo TS. Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải), kết cấu giao thông của Sóc Trăng hiện nay chủ yếu là đường cấp thấp, mặt cắt ngang nhỏ hẹp, mức độ kết nối giữa các tuyến đường huyện, đường đô thị với đường tỉnh, quốc gia còn kém. Tỉnh cần hướng tới việc sử dụng vốn đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông; bổ sung dự báo nhu cầu vận tải để làm cơ sở định hướng Quy hoạch Phát triển mạng lưới giao thông vận tải thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Sóc Trăng.
Về phát triển cảng biển Trần Đề, TS. Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết, đây là một trong 5 cảng biển tiềm năng trong tương lai, do đó hệ thống đường bộ phải gắn với cảng biển. Đồng thời, các trung tâm logistics gắn với cảng biển cần thực hiện theo hướng phân kỳ đầu tư để tránh lãng phí đất.