Nổi cộm
Tuần qua, việc chính quyền tỉnh Đồng Nai “tuýt còi” Dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp tại địa chỉ số 15 - Đồng Khởi (phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa) xây dựng không phép đã trở thành đề tài “nổi như cồn” trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Công trình xây dựng không phép này nằm ngay giữa khu vực trung tâm, do Công ty cổ phần Xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 Đồng Nai đầu tư với số vốn lên tới 680 tỷ đồng. Quy mô dự án này là hơn 22.000 m2, với 3 khối công trình, gồm: khu A là trung tâm hội nghị tổ chức sự kiện (đã đưa vào sử dụng); khu B là trung tâm thương mại dịch vụ (đang thi công)... Bất chấp việc từng bị xử phạt hành chính và có văn bản chỉ đạo việc cưỡng chế, song công trình không phép vẫn tồn tại.
Chuyện ồn ào trên phần nào khỏa lấp mối quan tâm về những diễn biến liên quan tới “điểm nóng” Cụm công nghiệp Phước Tân (TP. Biên Hòa). Dù chưa rõ bước đi cụ thể, song tín hiệu về một kịch bản xử lý cụm công nghiệp rộng tới 72 ha xây dựng trái phép này sẽ được định đoạt.
Theo đó, giữa tuần trước (ngày 24/10), lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã có cuộc họp để nghe báo cáo kết quả thanh tra Cụm công nghiệp Phước Tân. Trước đó, vào đầu tháng 10/2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ xin gia hạn thanh tra thêm 25 ngày để làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan đến việc hàng chục doanh nghiệp xây dựng trái phép tại khu quy hoạch Cụm công nghiệp Phước Tân.
Động thái mới cho thấy sự phức tạp và thách thức lớn đặt ra với cơ quan hữu trách tỉnh Đồng Nai trước áp lực phải xác định sai phạm, cân đong nhiều vấn đề nhạy cảm để đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm vấn đề nổi cộm. Xử lý sai phạm đất đai, xây dựng tại Cụm công nghiệp Phước Tân là “bài toán” hóc búa, bởi cụm công nghiệp trái phép trên đất quy hoạch là đất khu cây xanh, công viên rừng trồng đã có hơn 50 doanh nghiệp thứ cấp đầu tư 150.000 m2 nhà xưởng, với vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.
Bởi vậy, việc cân nhắc lựa chọn giải pháp cưỡng chế tháo dỡ công trình trái phép, khôi phục hiện trạng ban đầu, hay để công trình tồn tại, xử phạt doanh nghiệp vi phạm, xử lý cơ quan, lãnh đạo có trách nhiệm để xảy ra sai phạm là quyết định rất nan giải. Khó có giải pháp nào vừa đảm bảo hạn chế thiệt hại vật chất, an sinh cho hàng ngàn lao động, vừa phù hợp với quy định pháp luật, đảm bảo thượng tôn pháp luật và có sức răn đe.
Về một công trình không phép khác, theo tìm hiểu riêng của phóng viên Báo Đầu tư, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Đồng Nai) đã có văn bản yêu cầu một số đơn vị cung cấp tài liệu để phục vụ điều tra, xác minh liên quan tới Dự án Khu dân cư 2,8 ha theo quy hoạch tại phường Tân Hóa (Golden Center City 4). Cơ quan Cảnh sát điều tra ghi nhận, tại dự án này đã hình thành hạ tầng kỹ thuật đầy đủ của khu dân cư, như hệ thống đường thảm nhựa, vỉa hè lát gạch trồng cây xanh, hệ thống điện nước ngầm… Dự án do Công ty cổ phần Đồng Nai làm chủ đầu tư.
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư mới cập nhật, Dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp tại số 15 - Đồng Khởi (TP. Biên Hòa) sẽ bị chính quyền dùng biện pháp mạnh là “cưỡng chế” tháo gỡ công trình. Thanh tra tỉnh Đồng Nai cũng sớm ban hành Kết luận thanh tra Cụm công nghiệp Phước Tân để tạo tiền đề xử lý dứt điểm các sai phạm xây dựng tại cụng công nghiệp “chui” này.
Riêng với việc xây dựng không phép tại Dự án Khu dân cư theo quy hoạch tại phường Tân Hóa, Cơ quan Cảnh sách điều tra (Công an tỉnh Đồng Nai) đang thu thập tài liệu để điều tra, xác minh, trong khi UBND TP. Biên Hòa vẫn “im hơi lặng tiếng”.
Trước đó, Báo Đầu tư đăng tải bài viết phản ánh việc xây dựng hạ tầng khu dân cư, phân lô bán nền ở dự án nói trên. Điều đáng nói là, khu đất này chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đô thị, đồng nghĩa với việc chưa có giấy phép xây dựng. Hiện khu đất được UBND tỉnh Đồng Nai cho Công ty cổ phần Đồng Nai thuê với mục đích sử dụng để sản xuất, kinh doanh.
Cần kiên quyết
Các công trình xây dựng không phép nói trên là vài trường hợp nổi cộm trong hàng trăm vụ vi phạm xây dựng được các cơ quan hữu trách thống kê trên địa bàn TP. Biên Hòa. Tiến trình xử lý vi phạm đối với các công trình này đang được tỉnh Đồng Nai thực hiện từng bước. Tuy nhiên, có cở sở khẳng định rằng, đã có sự buông lỏng quan lý và thiếu kiên quyết trong xử lý ngay từ đầu, dẫn đến nhiều hệ lụy rối rắm, nặng nề hiện nay.
Dẫn chứng là, tại Dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp tại địa chỉ số 15 - Đồng Khởi (TP. Biên Hòa), vi phạm đã diễn ra thời gian dài, đã từng có quyết định xử phạt và quyết định cưỡng chế được phát đi từ phía cơ quan hữu trách, nhưng hành vi vi phạm vẫn trơ gan tồn tại.
Tương tự, Dự án Khu dân cư 2,8 ha theo quy hoạch tại phường Tân Hóa (Golden Center City 4) cũng bị UBND TP. Biên Hòa xử phạt hơn 1 năm trước, nhưng sau nhiền lần gia hạn cho chủ đầu tư khắc phục sai phạm công trình vi phạm, thì dự án này vẫn ngang nghiên tồn tại như một dấu hỏi về hiệu lực công tác quản lý xây dựng tại địa phương.
Minh chứng sinh động, thực tiễn nhất về sự thiếu kiên quyết xử lý sai phạm xây dựng là trường hợp Cụm công nghiệp “chui” Phước Tân. Với diện tích xây dựng trái phép trên mặt bằng 72 ha, khoảng 50 nhà xưởng được hình thành trong nhiều năm, mà chính quyền không có biện pháp hữu hiệu xử lý ngay từ đầu, dẫn tới tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” hiện tại.
Sự thiếu kiên quyết xử lý của UBND TP. Biên Hòa đã khiến mối hoài nghi tăng lên. Phải chăng, quyết định xử phạt xây dựng trái phép trước đó của cơ quan này chỉ là động thái qua quýt cho xong chuyện?
Về quan điểm xử lý sai phạm xây dựng, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định với phóng viên Báo Đầu tư rằng, tỉnh đã giao Sở Xây dựng rà soát, với tinh thần sai phạm tới đâu xử lý tới đó, từ đất đai tới cấp phép xây dựng. UBND tỉnh đang đốc thúc Thanh tra tỉnh sớm ban hành kết luận thanh tra Cụm công nghiệp Phước Tân.