8 điều "cấm"
Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VMBA) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC - đơn vị hỗ trợ tài chính) đã lựa chọn Hiệp hội Thị trường trái phiếu Thái Lan là nhà tư vấn xây dựng hai bộ tài liệu quan trọng kể trên. Theo dự thảo Bộ quy tắc, chuẩn mực về đạo đức hành vi ứng xử trên thị trường trái phiếu, có 8 nguyên tắc đạo đức mà các thành viên khi tham gia giao dịch phải đảm bảo, như: hiểu rõ khách hàng, bảo mật thông tin khách hàng, tránh xung đột về lợi ích, tuân thủ quy định về giao dịch nội bộ, không có hành vi thao túng thị trường…
Cụ thể hơn, các thành viên VMBA phải đảm bảo rằng: khách hàng của mình không liên quan đến bất cứ hoạt động bất hợp pháp nào như rửa tiền hay khủng bố tài chính; không tiết lộ thông tin khách hàng; môi giới/giao dịch viên không thực hiện bất cứ hoạt động đầu tư cá nhân nào có thể dẫn đến xung đột lợi ích với các bên khác, nếu lợi ích phát sinh họ phải rút lui khỏi hoạt động đầu tư ngay lập tức; giao dịch viên không sử dụng thông tin nội bộ phục vụ cho lợi ích cá nhân hay lợi ích của những người khác; không tham gia và có liên quan đến bất cứ hoạt động thao túng nào trên thị trường, như thao túng giao dịch, giao dịch theo cách tạo cho thị trường những hiểu lầm liên quan đến cung cầu và giá của trái phiếu, giao dịch theo phương thức làm ảnh hưởng đến giá trái phiếu, truyền bá tin đồn; không đánh bạc, không sử dụng thuốc gây nghiện và các chất có thể gây hại.
Có thể nói, các "điều cấm" kể trên đã bao phủ tương đối kín các mảng hoạt động của giao dịch trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, vẫn còn không ít điều khiến các thành viên băn khoăn, như Nguyên tắc số 1 về việc tìm hiểu khách hàng. Theo đại diện Vietcombank, để biết khách hàng của mình có sử dụng tiền "sạch" hay không thì một ngân hàng thương mại (là thành viên giao dịch trên thị trường trái phiếu) không thể làm được, mà phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý (Ngân hàng Nhà nước, cơ quan điều tra). Do đó, cần cân nhắc quy định điều này cho phù hợp.
Trong Nguyên tắc số 6, theo các thành viên, cần quy định rõ thế nào là thao túng thị trường. Thực tế, trong năm 2008, khi kinh tế thế giới khủng hoảng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường Việt Nam, họ liên tục hạ giá trái phiếu để thu hồi vốn thì hành vi này có bị coi là thao túng thị trường hay không? Các thành viên cho rằng, một hành vi được coi là thao túng nếu sau khi bán hoặc mua trái phiếu, các thành viên quay lại thị trường ngay và trục lợi sau hành vi mua bán đó.
Trông đợi vào sự tự giác
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VMBA cho biết, việc xây dựng nội dung Bộ quy tắc chuẩn mực đạo đức không quá khó, nhưng việc đưa vào thực tiễn, truyền thông cho các thành viên hiểu và thực hiện là cả một quá trình. Những quy tắc đạo đức và thông lệ thị trường, VMBA chỉ giới thiệu và vận động các thành viên thực hiện theo. Bởi xét trên khía cạnh pháp luật, không có quy định nào ép các thành viên phải thực hiện và VMBA cũng không có quyền ép họ phải thực hiện việc đó. Tuy nhiên, dưới góc độ Hiệp hội, khi đã gia nhập thì các thành viên phải tuân thủ điều lệ và các văn bản do Hiệp hội ban hành.
Trên thực tế, việc ban hành các văn bản trên là cách tuyên truyền pháp luật, vì nội dung chủ yếu là lựa chọn những điều khoản pháp luật liên quan sát sườn đến hoạt động kinh doanh trái phiếu. Hiện tại, có nhiều thành viên đang giao dịch trái phiếu mà cũng chưa thực sự hiểu được đầy đủ quy định pháp lý liên quan. Đó là một rủi ro pháp lý rất lớn mà thành viên thị trường nào cũng quan tâm.
Được biết, dự kiến đến ngày 31/10 VMBA sẽ hoàn thành việc soạn thảo và lấy ý kiến các bên liên quan về Bộ quy tắc, chuẩn mực về đạo đức hành vi ứng xử và Bản thông lệ thị trường cho thị trường trái phiếu Việt Nam, trình lên các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trên cơ sở đó, VMBA thiết lập các chương trình đào tạo cho hội viên và cấp chứng chỉ. Việc đào tạo sẽ diễn ra liên tục, nhưng trước mắt là 1 quý hoặc 6 tháng/đợt.