Mục tiêu phổ cập dịch vụ tài chính toàn dân
Liên quan trực tiếp tới ngành ngân hàng, ngày 5/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là đơn vị chủ trì tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc thực hiện Đề án và định kỳ hàng năm sơ kết, đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, có 3 vấn đề được Đề án đề cập xuyên suốt từ mục tiêu đến giải pháp là mở rộng kênh cung ứng dịch vụ ngân hàng; gia tăng số lượng và chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, thiết kế đơn giản, dễ dàng tiếp cận đối với dân cư có độ tuổi trưởng thành và doanh nghiệp, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người nghèo; gia tăng mức độ sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước
Đề án cũng xác định rõ mục tiêu tổng quát và 8 mục tiêu cần đạt đến năm 2020: Thứ nhất, 70% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán tại hệ thống ngân hàng; thứ hai, ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 dân số trưởng thành; thứ ba, 30.000 máy ATM (khoảng 40 máy ATM trên 100.000 dân số trưởng thành); thứ tư, tỷ lệ chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại tại địa bàn nông thôn đạt khoảng 15%, khoảng 35-40% số người trưởng thành ở nông thôn có tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng; thứ năm, khoảng 50-60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động vay vốn của các tổ chức tín dụng; thứ sáu, tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại.
Để có thể triển khai thực hiện và đánh giá hiệu quả đề án tổng thể này, một yêu cầu quan trọng là phải xây dựng được hệ cơ sở dữ liệu cho phép đánh giá thực trạng, theo dõi, hoạch định và đánh giá chính sách hiệu quả giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch ngân hàng của nền kinh tế.
Vì vậy, tại Đề án tổng thể ban hành kèm theo Quyết định 1726, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng một trong những đề án cốt lõi là Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê về tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng. Đây là cơ sở, là điều kiện tiền đề giúp đo lường, đánh giá khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân và doanh nghiệp trong nền kinh tế, từ đó giúp hoàn thiện và xây dựng chính sách nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng.
Đây cũng là một bộ phận cốt lõi để thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đây là nhiệm vụ mới khá thách thức do từ trước đến nay, các số liệu về tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng ở mức độ chi tiết đến từng cá nhân, doanh nghiệp hoặc phân bố theo các đặc điểm nhân khẩu học như giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, thu nhập, phân bố địa lý mới chỉ được thu thập, lưu trữ chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, cũng chưa có một cuộc điều tra khảo sát trên quy mô rộng hay toàn quốc nào đủ lớn để giúp thu thập các thông tin về vấn đề này.
Thách thức và giải pháp thực hiện
Trên thực tế, tương tự như ở các nước, hệ thống thống kê số liệu thu thập từ các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước hiện nay được thiết kế với mục tiêu chủ yếu nhằm đáp ứng việc thực hiện có hiệu quả các chức năng quan trọng nhất của ngân hàng trung ương là chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và chức năng ngân hàng của các ngân hàng.
Chỉ để riêng đáp ứng yêu cầu này, hệ thống số liệu báo cáo thống kê đã rất nhiều bảng biểu chỉ tiêu và yêu cầu cao do đặc thù và tính chất của các dữ liệu về tài chính đòi hỏi vừa nhanh, vừa chính xác, lại vừa phải tổng hợp và thống nhất trên toàn ngân hàng, toàn hệ thống tổ chức tín dụng, nên việc bổ sung thêm các chỉ tiêu để triển khai đề án cũng phải rà soát kỹ.
Do đó, một trong những giải pháp được đặt ra để xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê về tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng là yêu cầu các tổ chức tín dụng định kỳ báo cáo thêm một số chỉ tiêu có tính chọn lọc, đảm bảo khả năng thống kê từ hệ thống ngân hàng lõi, chẳng hạn các chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng tài chính như số lượng máy ATM, chi nhánh, điểm giao dịch, máy POS, tình hình hoạt động của tài khoản phân tổ chi tiết theo địa bàn nông thôn, thành thị, giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, thu nhập của khách hàng...
Bên cạnh việc thu thập số liệu từ hệ thống các tổ chức tín dụng là nơi cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng, số liệu về tình hình tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng đương nhiên còn có thể thu thập trực tiếp từ đối tượng thụ hưởng hiện tại hoặc tiềm năng, đó chính là các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp (gọi là số liệu bên cầu).
Do hầu như không nước nào trên thế giới yêu cầu các đối tượng này phải báo cáo chính thức định kỳ cho cơ quan quản lý về tình hình tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng của mình, đồng thời do sự yếu kém phổ biến ở các nước đang phát triển trong việc liên kết, tích hợp các thông tin cơ sở dữ liệu về thuế, ngân hàng, tài chính… nên ở hầu hết các quốc gia này, việc thu thập số liệu bên cầu chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức khảo sát, điều tra trên quy mô quốc gia.
Ở Việt Nam, cho đến nay, chưa có một cuộc điều tra chính thức, đủ rộng về tình hình tiếp cận dịch vụ tài chính, ngân hàng từ các đối tượng thụ hưởng của nền kinh tế.
Mới chỉ có một vài câu hỏi cơ bản được đưa vào trong cuộc Tổng điều tra kinh tế (định kỳ 5 năm/lần) của Tổng cục Thống kê, nhưng tần suất thưa và thông tin thu được không nhiều do số lượng câu hỏi ít và chung chung.
Một vài tổ chức quốc tế cũng đã từng tiến hành điều tra tại Việt Nam như Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về hiểu biết của người dân về kiến thức tài chính hay Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEO) về mức độ tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Đồng thời, theo định kỳ 3 năm/lần, Ngân hàng Thế giới (WB) có tổ chức điều tra một số vấn đề cơ bản về cách thức người dân tiết kiệm, vay vốn, thanh toán và quản lý rủi ro tài chính để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu tài chính toàn diện toàn cầu (Global Findex), mới đây nhất là trên quy mô mẫu 1.000 người trưởng thành ở Việt Nam.
Tuy nhiên, tất cả các cuộc điều tra này đều được tiến hành trên quy mô nhỏ, nằm trong khuôn khổ các cuộc điều tra đồng loạt trên phạm vi toàn cầu, chủ yếu thu thập một vài chỉ tiêu nhằm so sánh giữa các nước trên thế giới. Do vậy, kết quả của cuộc điều tra không thể đại diện cho tình hình thực tế của cả nước.
Vì vậy, kể từ tháng 12/2018, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Viện Khoa học thống kê (ISS) - Tổng cục Thống kê thực hiện cuộc khảo sát “Tiếp cận dịch vụ tài chính đối với cá nhân” với sự hỗ trợ của WB.
Cuộc khảo sát nhằm thu thập các thông tin, số liệu bên cầu về khả năng tiếp cận, hiểu biết và sử dụng các dịch vụ tài chính của người trưởng thành tại Việt Nam ở cấp quốc gia trên 6 vùng địa lý khắp cả nước.
Kết quả thu được từ cuộc khảo sát là cơ sở và căn cứ quan trọng để đánh giá thực trạng tiếp cận tài chính, đưa ra chính sách nhằm nâng cao khả năng và chất lượng tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính của người dân; đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, kênh cung ứng phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, hướng tới các nhóm đối tượng mục tiêu dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển hệ thống các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính bền vững, có trách nhiệm, tăng cường năng lực để phát huy vai trò của các tổ chức tài chính, đặc biệt trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện; hình thành những người tiêu dùng tài chính có kiến thức, hiểu biết về các sản phẩm, dịch vụ tài chính do các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính chính thức cung cấp.
Cuộc khảo sát này được tiến hành theo phương pháp chọn mẫu, với cỡ mẫu là 5.500 cá nhân từ 18 tuổi trở lên được chọn từ 250 địa bàn khảo sát.
Phiếu khảo sát được chia thành 7 phần với 48 câu hỏi, được thiết kế để thu thập thông tin từ đáp viên về nhiều nội dung: Một là, thông tin về nhân khẩu học như họ tên đáp viên, dân tộc, giới tính, năm sinh, trình độ giáo dục, nghề nghiệp, thu nhập;
Hai là, thông tin về điều kiện cơ sở hạ tầng tài chính mà đáp viên có thể tiếp cận như máy tính kết nối Internet, máy ATM, bưu điện, các tổ chức tài chính…;
Ba là, thông tin về tài khoản và thanh toán qua tài khoản của người trả lời như tình hình mở tài khoản, mở thẻ ATM tại ngân hàng, tình hình sử dụng tài khoản, thẻ ngân hàng, hình thức gửi/rút/chuyển tiền/nhận tiền vào/từ tài khoản, tình hình sử dụng các dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking, ví điện tử, các dịch vụ mua sắm trực tuyến của người trả lời trong 12 tháng…;
Bốn là, tình hình tiết kiệm, các hình thức tiết kiệm của người trả lời trong 12 tháng qua;
Năm là, tình hình tín dụng (vay nợ), các hình thức vay vốn, lý do vay vốn, tình hình và kế hoạch trả nợ, tình hình sử dụng thẻ tín dụng của người trả lời;
Sáu là, quan điểm về vấn đề mua bảo hiểm, các dịch vụ bảo hiểm mà người trả lời có tham gia; bảy là, một số hiểu biết về tài chính của đáp viên như nguồn tài chính có thể huy động khi gặp tình trạng khẩn cấp, kế hoạch chi tiêu, mức độ hiểu biết về các sản phẩm, dịch vụ tài chính, các tổ chức tài chính…
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, trong thời gian tới, hệ thống cơ sở dữ liệu về tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng sẽ từng bước được xây dựng và hoàn thiện, qua đó hỗ trợ tích cực cho công tác xây dựng chính sách nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của mọi tầng lớp dân cư và doanh nghiệp trong nền kinh tế.