Buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác của Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn
Hà Nội muốn được phân quyền mạnh mẽ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác của Quốc hội vừa có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về nhiều nội dung về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Thành phố đã tổng kết Luật Thủ đô năm 2012 và dự kiến trình Quốc hội Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vào năm 2024.
So với Luật Thủ đô năm 2012, Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi (Dự thảo) được bổ sung toàn diện rất nhiều nội dung mới về tổ chức chính quyền Thủ đô, các quy định về thẩm quyền đầu tư, ưu đãi, thu hút đầu tư, cơ chế đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD), về phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển y tế; về an sinh xã hội.
Đồng thời, đối với những nội dung đã quy định trong Luật Thủ đô năm 2012, Dự thảo cũng được sửa đổi, bổ sung toàn diện, như các quy định về tài chính - ngân sách, quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị, phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, xử lý vi phạm hành chính, nâng cấp một chương riêng về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô...
Các quy định được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô đối với hoạt động quản lý điều hành các mặt của đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đặc biệt, bổ sung nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô nhằm giúp Luật giữ được hiệu lực áp dụng trong trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau có quy định khác với Luật Thủ đô.
Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo xây dựng Dự thảo, Luật Thủ đô (sửa đổi) là một đạo luật đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô, có nhiều cơ chế đặc thù, đột phá, có phạm vi tác động rộng, khác biệt với nhiều luật và văn bản dưới luật hiện hành, tác động đến thẩm quyền của nhiều cơ quan Trung ương. Dự thảo có một số vấn đề mới, đột phá, có nội dung phức tạp, khó về kỹ thuật lập pháp. Chính vì vậy, việc xây dựng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhiều ý kiến khác nhau cả về quan điểm và việc đưa thành những điều luật cụ thể.
Chẳng hạn, một số bộ, ngành Trung ương có ý kiến đề nghị xem xét lại việc giao quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Thành phố trong lĩnh vực đầu tư.
Cụ thể, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công của Quốc hội đối với các dự án sử dụng đất trồng lúa trên 500 ha, đất rừng sản xuất trên 1.000 ha, dự án từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án sử dụng ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài giao TP. Hà Nội làm chủ đầu tư; dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước kết hợp với nguồn vốn ngoài ngân sách. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư tư nhân của Thủ tướng Chính phủ: dự án đầu tư có kinh doanh đặt cược, casino; dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Quy định khác cũng còn ý kiến nhiều chiều là giao Thành phố được “quyết định biên chế cán bộ, công chức; số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm do cơ quan có thẩm quyền quy định, quy mô dân số, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng cân đối ngân sách của TP. Hà Nội”.
Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, có ý kiến đề nghị không quy định nội dung trên, do vấn đề quản lý biên chế hành chính là nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và đang được quản lý chặt chẽ theo các quy định của Đảng.
Không nên “bó cứng”, phân quyền phải rõ trách nhiệm
Phát triển Thủ đô là trách nhiệm của cả nước
Phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Hà Nội, mà còn là trách nhiệm của cả nước. Ở đây không phải là xin - cho cơ chế đặc biệt gì cho Hà Nội, mà là trách nhiệm của cả nước trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Phải xác định tư duy, quan điểm như vậy để Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan, bộ, ngành của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đều phải tập trung công sức, trí tuệ hoàn thiện dự luật này. Các quy định của Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Việc sửa toàn diện Luật Thủ đô theo hướng phân quyền mạnh mẽ nhận được sự đồng tình cao của cả Chủ tịch Quốc hội và các ý kiến tại cuộc họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng bày tỏ ủng hộ việc trao thẩm quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP. Hà Nội được quyết định tổ chức bộ máy của mình, để đảm bảo sự ổn định lâu dài, đảm bảo sự phân quyền.
Tất nhiên, theo ông Tùng, phân quyền, nhưng có giới hạn quyền, như khống chế tổng biên chế hay tổng chi thường xuyên là bao nhiêu để kiểm soát.
Cùng tán thành chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo cho Thành phố trong quá trình phát triển, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trọng tâm phải là phân quyền, tức là giao quyền của Quốc hội, của Chính phủ cho Hà Nội và không chỉ cho Hà Nội, mà còn cho cả các đơn vị của Hà Nội.
Ông Định cũng đồng tình quan điểm rằng, song song với phân quyền, giao quyền, phải quy định rõ trách nhiệm tương ứng với thẩm quyền được giao của Hà Nội và cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố, nhằm đảm bảo kỷ luật, kỷ cương.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Dự thảo phải thể chế hóa được các quan điểm mới nhất, trực tiếp nhất liên quan đến Thủ đô Hà Nội, như Nghị quyết số 15-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế; trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp, an ninh, an toàn, văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh và bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước cùng phát triển.
Trong đề nghị bổ sung Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chính phủ đề xuất 9 nhóm chính sách về tổ chức chính quyền, chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển, liên kết, phát triển Vùng Thủ đô…
Lưu ý Dự thảo phải cụ thể hóa được các nhóm chính sách trên, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, không nên quá cứng nhắc. Trên cơ sở thực tiễn, những nội dung đã chín, đã rõ, thì có thể đề xuất bổ sung vào Dự thảo, không nhất thiết “bó cứng” trong 9 nhóm chính sách này để pháp luật thực sự phản ánh đúng, trúng thực tiễn cuộc sống.
Theo ông Vương Đình Huệ, sửa Luật Thủ đô là cơ hội rất lớn tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên một tầm mới, vị thế mới của cả nước, khu vực và cả thế giới.
“Phát triển Thủ đô không phải là trách nhiệm của riêng Hà Nội, mà là trách nhiệm của cả nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Hà Nội trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Luật Thủ đô cần tạo cơ sở pháp lý cho Thủ đô tháo gỡ được những khó khăn, điểm nghẽn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay. Trước hết, đó là các cơ chế, chính sách về tài chính, đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi Thủ đô, cải tạo chung cư cũ, giải quyết các dự án tồn đọng…
Theo lộ trình dự kiến, vào phiên họp tháng 9/2023, Ủy ban Thường vụ sẽ cho ý kiến Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Sau đó, Dự thảo sẽ được chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024).