Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Đinh Tùng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Đinh Tùng.

Xây dựng chuỗi cà phê bền vững, không gây mất rừng theo quy định của EU

0:00 / 0:00
0:00
Là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, Việt Nam đang tích cực xây dựng chuỗi sản xuất cà phê không gây mất rừng để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường châu Âu.

Cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Quy định này được thông qua bởi Nghị viện châu Âu vào ngày 16/5/2023, hướng tới mục tiêu giảm tình trạng phá rừng và suy thoái rừng, phát thải khí nhà kính và tình trạng suy giảm đa dạng sinh học trên toàn cầu.

Theo Quy định EUDR, 100% một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đặc biệt là cà phê khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám. Quy định áp dụng với sản phẩm sản xuất trong địa bàn châu Âu cũng như các sản phẩm nhập khẩu, không có trường hợp miễn trừ.

EUDR chính thức có hiệu lực vào tháng 12/2024; đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thời hạn này được lùi xuống tháng 6/2025.

Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Tổ chức IDH, tổ chức Hội nghị “Sản xuất và cung ứng cà phê không gây mất rừng theo quy định của Liên minh Châu Âu”, để đề xuất giải pháp hỗ trợ ngành đáp ứng các quy định mới trong thời hạn chuẩn bị 18-24 tháng do EU đặt ra. Bên cạnh đó, Khung Kế hoạch hành động cấp quốc gia của ngành cà phê nhằm đáp ứng EUDR cũng được trình bày lần đầu tiên trước trước các đại diện quan trọng của ngành cà phê Việt Nam và các cơ quan quốc tế liên quan.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR) khi có hiệu lực dự kiến từ tháng 12/2024 sẽ tác động trực tiếp đến các tác nhân trong các chuỗi cung ứng ngành hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su và cà phê. Các chuỗi cung ứng ngành hàng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng EUDR, đặc biệt trong các vấn đề về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc, hệ thống giám sát, phản hồi chống phá rừng”.

“Bộ NN&PTNT coi việc tuân thủ Quy định này không chỉ là để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vào thị trường EU, mà xem đây là cơ hội để đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh”.

Về phần mình, bà Florika Fink-Hooijer, Tổng vụ Môi trường châu Âu cho biết, những năm gần đây rất nhiều vấn đề liên quan đến suy thoái và mất rừng diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Điều này đòi hỏi loài người cần nhận thức được tác động của việc suy thoái và mất rừng, từ đó có những hành động bảo tồn rừng và thiên nhiên, duy trì cho các thế hệ tương lai, giúp rừng vẫn là nguồn cung cấp mặt hàng quan trọng cho con người.

"Chúng tôi rất mừng khi Việt Nam là đối tác đã chia sẻ, ủng hộ xây dựng quy định mới để triển khai quy định, cũng như có nhiều chính sách bảo tồn đa dạng sinh học, cam kết tại COP26 về giảm phát thải khí nhà kính, thỏa thuận xanh…", bà Florika Fink-Hooijer khẳng định.

“EU cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững. Thông qua việc kết hợp sức mạnh của cả hai bên, EU và Việt Nam cùng hướng đến mục tiêu giải quyết các thách thức về môi trường một cách hiệu quả hơn, đóng góp vào sự thịnh vượng của nhân dân Việt Nam cũng như bảo tồn di sản tự nhiên độc đáo của đất nước này”.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê ra thị trường thế giới trong năm 2022 với kim ngạch thu về hơn 4 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 32% về trị giá so với năm 2021. Đây là khối lượng xuất khẩu cao nhất của ngành cà phê trong 4 năm qua và giá trị kim ngạch cao nhất từ trước tới nay.

Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm khoảng 39% khối lượng xuất khẩu. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2022 đạt 689.049 tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 25,8% về lượng và tăng 45,4% về trị giá so với năm 2021.

Các chuyên gia đánh giá EUDR sẽ mang lại cả những thách thức và cơ hội cho ngành cà phê ở Việt Nam khi quy định bắt đầu có hiệu lực trong năm 2024. Đây là cơ hội để ngành cà phê trong nước cải thiện quản trị, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao danh tiếng của ngành trên trường quốc tế, mở ra triển vọng thị trường mới.

Tuy nhiên, việc tuân thủ tiêu chuẩn bền vững do EUDR đặt ra đòi hỏi các nhà sản xuất cà phê Việt Nam có thể sẽ phải gia tăng mức đầu tư để thực hiện các phương pháp sản xuất bền vững bền vững, xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất trong đó thách thức lớn là thực hiện định vị các trang trại sản xuất, quản lý dữ liệu vườn trồng và nông hộ, cũng như thực hiện các hoạt động giám sát và giảm thiểu rủi ro trong những khu vực được gán nhãn rủi ro cao. Điều này có khả năng dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổ chức IDH, UBND 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng cùng Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam (VICOFA), Công ty Koninklijke Douwe Egberts BV (KDE) (Hà Lan) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác.

Bản ghi nhớ hợp tác nhằm hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất không gây phá rừng, suy thoái rừng, sản xuất bền vững kết hợp với các mục tiêu bảo tồn tài nguyên và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương, xây dựng chuỗi cung ứng cà phê quy mô lớn, bền vững, không gây phá rừng và suy thoái rừng, đáp ứng với các yêu cầu của thị trường và Liên minh châu Âu trong giai đoạn 2023-2030.

Quan hệ hợp tác dự định có hiệu lực trong 7,5 năm, bắt đầu vào 01/07/2023 và kết thúc vào 31/12/2030.

Tin bài liên quan