Xây dựng chính sách năng lượng hài hòa tại các nước GMS

Xây dựng chính sách năng lượng hài hòa tại các nước GMS

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năng lượng là một lĩnh vực quan trọng, gắn kết mật thiết với quá trình hợp tác và phát triển của các ngành, lĩnh vực khác nhau trong tiểu vùng sông Mekong.

Sáng ngày 15/3, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Trường chính sách công - Đại học Tokyo tổ chức Diễn đàn nghiên cứu “Tăng cường hợp tác Việt Nam - Nhật Bản nhằm phát triển năng lượng bền vững ở tiểu vùng sông Mekong mở rộng giai đoạn hậu Covid-19”.

Diễn đàn là cơ hội để cùng nhau nhìn lại bối cảnh tác động tới hợp tác phát triển năng lượng tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS); nhìn nhận lại một số vấn đề gây ảnh hưởng tới việc xây dựng chính sách năng lượng bền vững trong tiểu vùng. Từ đó, khuyến nghị một số chính sách để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản và gia tăng đóng góp vào phát triển năng lượng bền vững ở tiểu vùng.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Nguyễn Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết: “Việt Nam cũng cần nhìn nhận tầm quan trọng của việc phát triển năng lượng một cách bền vững ở khu vực GMS và thường xuyên chủ động trao đổi với các quốc gia thành viên. Trong quá trình đó, chúng tôi đánh giá cao sự tham gia hỗ trợ tích cực của các đối tác ở cả trong và ngoài khu vực GMS”.

Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mekong mở rộng được khởi xướng từ năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các nước thành viên của GMS gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Mianma, Thái Lan, Trung Quốc (Vân Nam và Khu tự trị Quảng Tây).

Đây là vùng giàu tài nguyên và nguồn nhân lực, môi trường hoang sơ và nhiều di sản văn hóa và cũng là khu vực kinh tế năng động khi GDP liên tục đạt tăng trưởng dương cho đến năm 2019, dù bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19.

Đồng thời, nhu cầu năng lượng đòi hỏi phải huy động và đảm bảo tất cả các nguồn năng lượng có thể. Trong đó, riêng Việt Nam được dự báo năng lượng sẽ tăng 8%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

Dù đều được dự báo sẽ cần thêm năng lượng trong thập niên tới, song các nước ở khu vực GMS sẽ khó có thể phát triển bền vững và hiệu quả nếu chỉ xây dựng chính sách năng lượng một cách độc lập, không hài hòa với nhau.

Toàn cảnh Diễn đàn (Ảnh: Quỳnh Lê)

Toàn cảnh Diễn đàn (Ảnh: Quỳnh Lê)

Nhận thấy tầm quan trọng của chính sách năng lượng và ý nghĩa đối với phát triển bền vững trong GMS, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp CIEM nhấn mạnh, tăng cường sản xuất điện vẫn là yếu tố cần thiết đối với tăng trưởng kinh tế trong GMS.

Tuy nhiên, hợp tác và điều phối chính sách năng lượng cũng rất cần thiết như đạt được sự nhất trí về tầm quan trọng của an ninh năng lượng đối với GMS và từng quốc gia thành viên; kết nối cơ sở hạ tầng là chìa khoá cho xuất nhập điện và giảm tác động tiêu cực đến môi trường (ví dụ như nhà máy thuỷ điện và đa dạng sinh học dọc sông Mekong).

Trước thực tế đó, CIEM đưa ra một số khuyến nghị cho chính sách năng lượng bền vững ở GMS. Trước hết, cần đảm bảo cơ cấu năng lượng cân bằng hơn như thuỷ điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu năng lượng ở mức độ hợp lý từ các quốc gia thừa năng lượng đến các quốc gia thiếu hụt năng lượng, thay vì các quốc gia đang cố gắng tự cung tự cấp năng lượng.

Tiếp theo, cần thúc đẩy thảo luận thực chất hơn về năng lượng và phát triển bền vững với các nước GMS và nâng cao năng lực đánh giá tác động môi trường của các dự án năng lượng gần hoặc dọc sông Mekong.

Theo Viện trưởng CIEM, bà Nguyễn Hồng Minh, trong lĩnh vực năng lượng, Nhật Bản có nhiều dư địa để gia tăng hợp tác với các nước GMS. Bên cạnh việc tham gia các dự án năng lượng phù hợp, Nhật Bản còn có nhiều kinh nghiệm trong việc theo dõi đánh giá tác động cũng như việc xây dựng các kế hoạch, biện pháp xử lý các rủi ro liên quan đến các dự án này.

Để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, CIEM cho rằng cần thiết lập các ví dụ điển hình thông qua các nhà máy điện bền vững hoặc các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng. Đồng thời, hai nước cần đối thoại nhiều hơn, chia sẻ kinh nghiệm về chính sách năng lượng bền vững giữa các nước GMS. Đặc biệt là nâng cao năng lực cho chính sách năng lượng bền vững và quan hệ hợp tác liên quan giữa các nước GMS.

Tin bài liên quan