Xây dựng chi bộ vững mạnh - công việc vô cùng quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác Đảng ở các chi bộ cơ sở, coi chi bộ là tổ chức quyết định tới thành công hay thất bại của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, ở nông thôn, chi bộ nào chấp hành tốt các chính sách của Đảng; củng cố và phát triển tốt hợp tác xã nông nghiệp, đảng viên gương mẫu và được dân tin, dân phục, dân yêu..., thì đó là chi bộ tốt

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, ở nông thôn, chi bộ nào chấp hành tốt các chính sách của Đảng; củng cố và phát triển tốt hợp tác xã nông nghiệp, đảng viên gương mẫu và được dân tin, dân phục, dân yêu..., thì đó là chi bộ tốt

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao công tác xây dựng Đảng - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Người sớm bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đến vấn đề xây dựng chi bộ vững mạnh, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ, góp phần quan trọng giữ vững vị thế, uy tín của Đảng cầm quyền trong một nước dân chủ. Đây cũng là công tác luôn được Đảng quan tâm, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta”.

1. Là lãnh tụ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vị trí, vai trò của công tác xây dựng Đảng, bao gồm việc xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Tháng 4/1966, tại Hội nghị Tổng kết 3 năm xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở “bốn tốt”, Người khẳng định: “Đối với Đảng ta, xây dựng chi bộ cho tốt, cho vững mạnh là một việc vô cùng quan trọng”.

Sau khi Đảng ta giành được chính quyền, vấn đề xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền trở thành mối quan tâm sâu sắc. Người luôn lo lắng làm sao chống lại nguy cơ Đảng xa rời cuộc sống, xa rời quần chúng, rơi vào thoái hóa, biến chất. Người khẳng định, “đối với công tác xây dựng Đảng, cái gốc là chi bộ”, vai trò của chi bộ cực kỳ quan trọng, bởi công cuộc cách mạng do nhiều việc nhỏ, nhiều bộ phận xây dựng nên, không có những việc nhỏ, những bộ phận nhỏ cộng lại thì không thành việc lớn.

Trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Người dùng những cụm từ đầy sức nặng nói về chi bộ, đó là “tổ chức gốc rễ của Đảng”, “đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng”, “sợi dây chuyền để liên hệ Đảng và quần chúng”, “các chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh. Các chi ủy vững tức là chi bộ mạnh”. Người thường xuyên nhắc nhở phải chăm lo củng cố chi bộ giống như việc “muốn làm nhà cho tốt phải xây nền cho vững”.

Ngày 21/1/1960, dự Hội nghị Trung ương mở rộng chuẩn bị văn kiện cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác Đảng ở các chi bộ cơ sở, coi chi bộ là tổ chức quyết định tới thành công hay thất bại của Đảng.

Ngày 30/1/1961, nói chuyện tại Hội nghị Phổ biến nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba về kế hoạch Nhà nước năm 1961, Người chỉ rõ: “Thực tế cho thấy, chỗ nào chi bộ tốt, công việc trôi chảy; chỗ nào chi bộ yếu, công việc xộc xệch”. Chi bộ là động lực của mọi công việc.

Khi họp Bộ Chính trị về chống tham nhũng, lãng phí, ngày 20/1/1962, Người nhắc: “Các đồng chí phụ trách chi bộ phải làm cho đúng, phải làm cho chi bộ vững”. Trong cuộc vận động cán bộ ở Trung ương về xã tham gia cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật (tháng 4/1963), Người yêu cầu phải rất chú ý “một việc cực kỳ quan trọng” là “củng cố, phát triển chi bộ cho tốt”. Khi chi bộ tốt, mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, chi bộ kém thì công việc không trôi chảy.

2. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là cái gốc của công việc, nên trước từng chuyển biến mới của cách mạng, đảng viên trong chi bộ phải chuyển biến mạnh tư tưởng, tác phong, phải hăng hái, gương mẫu, bất kỳ ở địa vị nào, làm việc gì đều vì nhân dân, vì Tổ quốc thì mới xây dựng chi bộ xứng đáng là “hạt nhân vững chắc, lãnh đạo đồng bào thi đua yêu nước, cần kiệm xây dựng nước nhà”. Nếu đảng viên tốt, thì lúc thuận lợi cũng như khi gặp khó khăn đều biết phát huy thắng lợi, khắc phục trở ngại, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng.

Người yêu cầu đảng viên mỗi chi bộ trước hết phải có lòng tin tưởng: “Tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, tin tưởng vào sự cố gắng của bản thân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”.

Để củng cố tốt chi bộ và rèn luyện trở thành đảng viên tốt, một điều rất quan trọng nữa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi ở đảng viên là “phải thành khẩn tự phê bình tư tưởng và công tác của mình”, “vạch rõ các khuyết điểm và đề ra cách sửa chữa, không để khuyết điểm nhỏ chồng chất thành khuyết điểm to”.

Ngày 17/7/1958, họp Bộ Chính trị về vấn đề cải cách ruộng đất, Người nói: “Đảng ta, chi bộ ta cơ bản là tốt, nhưng họ đánh giá không đúng tình hình, nên đã không biết dựa vào chi bộ để tiến hành cải cách ruộng đất, đi đến đả kích nội bộ Đảng. Đó là một sai lầm quan trọng, nhưng Trung ương chậm biết. Đó là quan liêu nặng”. Người phê bình những chi bộ và bí thư không hoàn thành nhiệm vụ, để lại những tiếng xấu trong quần chúng nhân dân.

3. Nhằm tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về vai trò của chi bộ và đảng viên trong chi bộ, với ngòi bút là công cụ sắc bén, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài báo thể hiện tâm huyết đối với việc nâng cao đạo đức, tác phong làm việc của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ, đáp ứng các yêu cầu mới của cách mạng.

Các bài viết ký bút danh Chiến sĩ, T.L, đăng báo Nhân dân như: “Đảng mạnh là do chi bộ mạnh, chi bộ mạnh là do đảng viên hăng hái tham gia và gương mẫu”, “Một chi bộ tốt ở nông thôn”, “Cần học những kinh nghiệm tốt”, “Nông dân ta ngày càng no ấm”, “Chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt”, “Đời sống nông thôn ngày càng tiến bộ” và loạt bài dưới tiêu đề “Chi bộ tốt, chi bộ kém” biểu dương chi bộ, đảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ, nêu gương trước quần chúng; phê bình khuyết điểm, sai trái mà chi bộ, đảng viên yếu kém mắc phải…

Trong các bài báo về chi bộ, tác giả nêu rõ, nhân dân ta rất tốt, nếu chi bộ khéo lãnh đạo và đảng viên hăng hái xung phong làm gương thì khó khăn gì cũng vượt qua, công việc gì cũng làm tốt. Đó là bài học từ các xã: Kim An (Hà Đông), Đại Phong, Xuân Lai, Quảng Hải (Thanh Hóa), các hợp tác xã (HTX) như HTX Thống nhất ở miền núi Phú Thọ và HTX Diễn Hải chốn nước mặn đồng chua, nơi sơn cùng thủy tận của đất Nghệ An vươn lên có cuộc sống ngày càng no ấm, tiên tiến, từ đói đến no, từ nghèo đến giàu. Theo tác giả, ở nông thôn “chi bộ nào chấp hành tốt các chính sách của Đảng; đi đúng đường lối quần chúng; củng cố và phát triển tốt hợp tác xã nông nghiệp, không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân, đảng viên gương mẫu và được dân tin, dân phục, dân yêu”, thì đó là chi bộ tốt.

Ngược lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình chi bộ kém, đảng viên không gương mẫu, nội bộ thiếu đoàn kết, xa rời quần chúng, thậm chí có nơi, có lúc còn làm trái đường lối của Đảng. Trong những chi bộ ấy có cả cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo quan liêu... Người yêu cầu Đảng phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc những cán bộ mắc sai lầm, nhắc nhở các chi bộ nghiêm khắc tự phê bình, quyết tâm sửa chữa.

Trong loạt bài “Chi bộ tốt và chi bộ kém”, tác giả phê bình đích danh Bí thư Đảng ủy xã Nam Lợi (Nam Định) đã tham ô, lãng phí, gây ảnh hưởng xấu cho các cán bộ, đảng viên khác; Người nghiêm khắc nhắc nhở xã Đại Tân (Hà Bắc) từ xã khá, nhưng do chi bộ kém, nhiều cán bộ, đảng viên nêu gương xấu, làm sai chính sách của Đảng, Nhà nước, xâm phạm đến lợi ích của xã viên, khiến HTX thoái bộ. Ở những chi bộ kém, đảng viên không một lòng một dạ phục vụ nhân dân, không lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, một số đảng viên mang nặng những thói xấu như tham ô, ích kỷ, đã không làm kiểu mẫu tốt, lại nêu gương xấu.

4. Nếu công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây hết sức gian khổ, ác liệt, thì nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay cũng cực kỳ phức tạp.

Để xây dựng chi bộ vững mạnh, tránh “bệnh hình thức” trong sinh hoạt giữa thời buổi kinh tế thị trường sôi động đòi hỏi rất nhiều tâm sức. Một số đảng viên lười học nghị quyết, không còn muốn tự phê bình và phê bình đồng chí, không phát biểu ý kiến cá nhân, không quan tâm đến từng công việc cụ thể của tập thể, tâm lý “không động chạm”, “muốn yên thân” khá phổ biến. Thực trạng này khiến một bộ phận lãnh đạo có dấu hiệu làm sai nhưng không được kịp thời ngăn chặn và phần nào tính chiến đấu trong sinh hoạt bị giảm sút.

Trong những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, tạo được một số chuyển biến tích cực về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng để chăm lo, giữ gìn tổ chức gốc rễ của Đảng, giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng.

Tuy vậy, muốn “giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, quan trọng nhất vẫn ở người đảng viên. Nếu mỗi đảng viên trong chi bộ thực sự suy ngẫm lại bản thân đã nỗ lực, đã làm gì xứng đáng với lời thề trước Đảng, từ đó có những sửa đổi, dù nhỏ, nhưng bền bỉ, lâu dài để dần thay đổi về chất, thì Đảng ta, chính đảng vinh quang do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập sẽ ngày càng sâu rễ, bền gốc, vững vàng trong sự nghiệp lãnh đạo nhân dân gặt hái những mùa xuân hạnh phúc.

Tháng 4/1966, tại Hội nghị Tổng kết 3 năm xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở “bốn tốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Đảng viên gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ quần chúng, nội bộ thật sự đoàn kết, chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, lãnh đạo tốt sản xuất và chiến đấu, một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đối với Đảng thì phải củng cố tốt và phát triển tốt”.

Người chỉ rõ, đảng viên phải giải thích cho mọi người hiểu thấu chính sách của Đảng, khuyến khích mọi người có ý kiến để thực hiện, “tuyệt đối không được lạm quyền, mệnh lệnh. Phải nhớ rằng: chi bộ là một tổ chức lãnh đạo chính trị, chứ không phải là một tổ chức hành chính”, “chỉ có làm đầy đủ những công việc ấy, thì Đảng mới liên hệ chặt chẽ với quần chúng”.

(*) Phòng Hành chính, Tổng hợp (Ban Quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Tin bài liên quan