Một góc đô thị Cẩm Phả đã được đầu tư chỉnh trang hoàn thiện.

Một góc đô thị Cẩm Phả đã được đầu tư chỉnh trang hoàn thiện.

Xây dựng Cẩm Phả thành thành phố công nghiệp - dịch vụ bền vững

(ĐTCK) Xác định mục tiêu cụ thể là xây dựng Cẩm Phả trở thành thành phố công nghiệp - dịch vụ bền vững vào năm 2020, hàng loạt dự hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị đã được thực hiện, dòng vốn đầu tư vào địa phương cũng không ngừng tăng trong thời gian qua, tạo nguồn lực lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

“Xanh hóa” Cẩm Phả

Theo Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội Cẩm Phả, đến năm 2020, địa phương này sẽ trở thành đô thị phát triển công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại, bền vững; là đô thị điển hình trong việc thực hiện cụ thể hóa chuyển đổi theo phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Và đến năm 2030, Cẩm Phả sẽ trở thành thành phố công nghiệp - dịch vụ xanh và hiện đại, đi đầu toàn tỉnh về khai thác than, sản xuất điện, dịch vụ cảng biển trở thành trung tâm chính cho các ngành công nghiệp chế tạo - xuất khẩu tiên tiến, hậu cần kho vận, cảng biển và thương mại, du lịch sinh thái, tâm linh và nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, trong những năm qua Cẩm Phả đều dành nguồn vốn đầu tư công lớn để thực hiện các dự án mang tính động lực với số vốn tăng dần qua hàng năm. Như năm 2011, tổng vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước của Cẩm Phả là 352,747 tỷ đồng, thì năm 2018 là 964,56 tỷ đồng. Song song với công tác đầu tư xây dựng cơ bản thì việc chỉnh trang đô thị cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Ông Nguyễn Hồng Dương, Chủ tịch UBND TP. Cẩm Phả cho biết, cũng nằm trong lộ trình chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”, Thành phố đã chấm dứt hoạt động mỏ đá của Công ty TNHH Thu Hiền, phường Quang Hanh và đề nghị UBND tỉnh không gia hạn đối với mỏ đá Hương Phong và mỏ đá của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Ngân Sơn.

Cẩm Phả cũng đã làm việc với Tổng công ty Đông Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) về việc triển khai Đề án đảm bảo môi trường ngành than; thống nhất với Tập đoàn TKV thực hiện phương án di dời khu vực sàng 2 của Công ty cổ phần Than Cọc Sáu - Vinacomin tại phường Cẩm Phú. Triển khai lập quy hoạch khu vực đổ các chất thải rắn, vật liệu xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Xây dựng Cẩm Phả thành thành phố công nghiệp - dịch vụ bền vững ảnh 1

Đô thị Cẩm Phả ngày càng xanh, văn minh và  hiện đại.

Còn trong năm 2019 này, Cẩm Phả tiếp tục dành gần 1.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách để khởi công mới 20 dự án. Trong đó, các dự án phát triển hạ tầng đô thị chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư công năm 2019. Trong đó, một số dự án trọng điểm như: Nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang tuyến phố trung tâm TP Cẩm Phả với quy mô đường thiết kế 6 làn xe, dải phân cách trồng cây xanh, đèn chiếu sáng, điểm đỗ xe tĩnh, vỉa hè được lát đá granite...; hạ tầng kết nối Quốc lộ 18 vào khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh; đường vào Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh...

Cuối tháng 4/2019, Cụm Công nghiệp Cẩm Thịnh (giai đoạn I) đã được khánh thành và đưa vào hoạt động, với mục tiêu di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu dân cư. Đến nay, đã có 250 trên tổng số 381 cơ sở đăng ký vào hoạt động tại cụm công nghiệp Cẩm Thịnh, đạt khoảng 70% diện tích. Thành phố đang tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật Dự án Khu công nghiệp Cẩm Phả tại phường Mông Dương với diện tích quy hoạch khoảng 400 ha, góp phần phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

“Xác định bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ cấp bách, lâu dài và trọng tâm của địa phương, Cẩm Phả sẽ tiếp tục quan tâm triển khai các dự án trong lĩnh vực này”, ông Dương khẳng định. Được biết, Thành phố đang kêu gọi thu hút đầu tư dự án hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, trong đó ưu tiên thực hiện khu vực lõi từ phường Cẩm Thạch đến phường Cẩm Đông.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ xây dựng hệ thống mương thoát nước chính, như hệ thống thoát nước khu 1A từ đường nội thị ra mương Khe Sím, tuyến mương từ hạ lưu cống qua Quốc lộ 18A đến cống 12 cửa Nhà máy nhiệt điện Mông Dương, hệ thống thoát nước và bảo vệ vai đường Quốc lộ 18A đoạn từ Công ty TNHH 790 ra cảng Khe Dây (giai đoạn 2).

Tạo động lực từ dòng vốn đầu tư

Việc triển khai các dự án hạ tầng đô thị từng bước hướng tới đô thị thông minh, xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp, thực hiện chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, trong thời gian qua, đã giúp Cẩm Phả đón nhận dòng vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư lớn.  

Trong đó, phải kể đến các dự án như: Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh do Tập đoàn Sun Group đầu tư; Khu dịch vụ thương mại, công cộng và nhà ở tại phường Cẩm Bình do Tập đoàn Vingroup đầu tư; Dự án Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh; Dự án khu dịch vụ du lịch và đô thị sinh thái Cửa Ông; Dự án sản xuất giống, nuôi thương phẩm và sản xuất thức ăn cho tôm công nghệ cao tại xã Cộng Hòa đang triển khai đầu tư.

Một số dự án khác cũng đang được các nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện như: Dự án Khu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cao cấp theo mô hình làng Nhật tại phường Quang Hanh của Tập đoàn Sun Group; dự án Khu đô thị du lịch ven biển tại phường Quang Hanh của Tập đoàn Vingroup; dự án Khu đô thị phía Bắc phường Cẩm Phú do Công ty TNG Holdings; Trung tâm thương mại và Siêu thị Cẩm Phả của Tập đoàn Big C; Tổ hợp khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, sân golf và vui chơi giải trí Hà Loan, xã Cộng Hòa, TP. Cẩm Phả của Tập đoàn FLC, Dự án khu đô thị Vũng Đục của Tập đoàn FLC…

Thực hiện chủ đề công tác năm 2019 "Nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ”, Cẩm Phả đang tập trung xây dựng Đề án phát triển du lịch TP. Cẩm Phả đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Cụ thể hơn, Thành phố đang tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư lớn như Sungroup, Vingroup, FLC…nghiên cứu đầu tư phát triển các loại hình du lịch vịnh Bái Tử Long, nhất là du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng trên biển; đầu tư các bãi tắm gắn với khu vực kinh doanh dịch vụ, các loại hình trò chơi, giải trí trên biển. Thu hút nhà đầu tư thực hiện dự án cảng Vũng Đục với công suất khoảng 0,5 triệu lượt khách/năm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách...

Chú trọng phát triển du lịch sinh thái tại hai xã Cộng Hòa, Cẩm Hải bằng cách lập quy hoạch, kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư điểm dừng chân trên Quốc lộ 18 tại hai xã này.

Những dự án nêu trên cho thấy sự khởi sắc trong hoạt động thu hút đầu tư của Cẩm Phả. Thu hút được dòng vốn lớn ngoài ngân sách chính là nguồn lực quan trọng giúp Thành phố hiện thực hóa các quy hoạch và chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng bền vững.

Một trong những yếu tố giúp Cẩm Phả trở thành tâm điểm mới hút dòng vốn đầu tư còn là nhờ chính sự chuyển đổi trong nội tại của bộ máy quản lý hành chính. Nếu năm 2016, khi lần đầu tiên có Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI Quảng Ninh), Cẩm Phả xếp ở vị trí gần cuối bảng - xếp thứ 11/14 địa phương, thì liên tiếp 2 năm sau đó là 2017 và 2018, Cẩm Phả đã vươn lên dẫn đầu DDCI cấp địa phương. Đây là kết quả đánh giá toàn diện nhất, ghi nhận những tiến bộ vượt bậc của chính quyền địa phương nhằm tạo ra một môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, hiệu quả và là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Có thể thấy, kể từ khi Quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng TP. Cẩm Phả theo hướng chuyển đổi mô hình phát triền, xanh hóa được phê duyệt tháng 3/2015, đô thị Cẩm Phả đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Không gian đô thị cũng được mở rộng về hướng Bắc, Đông Bắc và hướng ra biển. Song song với đô thị trung tâm hiện hữu đang được chỉnh trang thì một trung tâm hành chính mở rộng ra hướng trung tâm du lịch ở vịnh Bái Tử Long đang dần hình thành nhờ chính các dự án đang và sẽ triển khai tại Cẩm Phả.

Và cũng do sự phát triển nhanh nên hiện Cẩm Phả đang phải thực hiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050 để phù hợp hơn với xu thế phát triển bền vững.      

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan