Xây dựng các sản phẩm tài chính xanh

Xây dựng các sản phẩm tài chính xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thúc đẩy tăng trưởng xanh là nhiệm vụ then chốt của quốc gia để kiến tạo một không gian phát triển bền vững.

“Là nền kinh tế có độ mở lớn với 16 hiệp định thương mại tự do kết nối với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, có thị trường gần 100 triệu người, lực lượng lao động trẻ, năng động, Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố về thể chế, hạ tầng, vị trí địa lý, ổn định chính trị, xã hội. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ tại hội nghị bàn tròn “Kết nối Việt Nam - Luxembourg xây dựng thị trường vốn xanh”, tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán Luxembourg đầu tháng 7 vừa qua.

Đây cũng là thông điệp đã được các nhà lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh nhiều lần trước cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế.

Với tinh thần sẵn sàng đóng góp tích cực, trách nhiệm vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam coi thúc đẩy tăng trưởng xanh là một nhiệm vụ then chốt của quốc gia để kiến tạo một không gian phát triển bền vững.

Định hướng thu hút đầu tư hiện nay của Việt Nam là ưu tiên các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, chú trọng việc thu hút các nguồn lực, khoa học công nghệ, kinh nghiệm xây dựng thể chế, quản lý để phát triển năng lượng sạch, kết cấu hạ tầng hiện đại, quản lý nguồn nước bền vững...

Hệ thống các sản phẩm tài chính xanh như trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh, cũng như các chính sách ưu đãi đối với tài chính xanh đang từng bước được hoàn thiện.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn xanh trong nước và quốc tế được thuận lợi, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, quy định về các sản phẩm tài chính xanh như trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh, cũng như các chính sách ưu đãi đối với tài chính xanh. Đặc biệt trong đó có chính sách ưu đãi đối với các chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh như được hưởng ưu đãi giảm về giá dịch vụ chứng khoán.

Tháng 11/2021, tất cả 197 quốc gia, trong đó có Việt Nam, tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã đạt được thỏa thuận lịch sử tại Hội nghị lần thứ 26 (COP26) thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow.

Theo đó, Việt Nam mặc dù là quốc gia đang phát triển, cần rất nhiều nguồn lực với chi phí thấp để đáp ứng ngay các nhu cầu phát triển, nhưng vẫn cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Điều này cho thấy trách nhiệm, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam vào phát triển xanh.

Cam kết tại COP26 của Việt Nam thúc đẩy nhu cầu về tài chính xanh tăng lên, là cơ hội lớn để phát triển thị trường tài chính xanh để đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng xanh. Việt Nam cũng như các nước khác cần nhiều nguồn lực hơn nữa để đạt được các cam kết về khí hậu theo COP26, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc phát triển một cách bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam. Các sở giao dịch chứng khoán của Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng các biện pháp để thực hiện hóa việc thu hút vốn đầu tư vào thị trường trái phiếu xanh Việt Nam.

Về các chính sách tài chính đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương thúc đẩy tăng trưởng xanh, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định của pháp luật, hướng đến bảo vệ môi trường, thể hiện thông qua 2 nhóm chính sách gồm: các chính sách nhằm hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường như thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa gây tác hại đến môi trường; các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu.

Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, chi ngân sách Nhà nước đã ưu tiên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm được bố trí đảm bảo đúng quy định, năm sau cao hơn năm trước về số tuyệt đối và đạt tỷ lệ khoảng 1,35% tổng chi ngân sách Nhà nước trong 1 năm, qua đó tạo nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường quốc gia.

Theo thống kê từ Bộ Tài chính, bình quân 5 năm trở lại đây, chi ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường đạt trên 21.000 tỷ đồng mỗi năm. Đối với chi đầu tư, ngân sách cho tăng trưởng xanh đã được lồng ghép trong các ưu tiên đầu tư ngành, lĩnh vực, địa phương và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Dự toán chi đầu tư cho sự nghiệp môi trường giai đoạn 2021 - 2025 được bố trí ở mức khoảng 23.500 tỷ đồng. Gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh, với 3 cấu phần là: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.

Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đã đạt được quy mô thị trường vốn phục vụ phát triển bền vững tăng nhanh so với khu vực. Tổng giá trị mảng xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gấp gần 5 lần so với năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định trong 3 năm liền. Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.

Bên cạnh đó, thị trường cổ phiếu xanh cũng đã có những bước phát triển ban đầu. Chỉ số Phát triển bền vững VNSI được đưa vào vận hành từ năm 2017 nhằm xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết và hỗ trợ nhà đầu tư xác định những doanh nghiệp có tính “xanh” để đầu tư.

Bộ Tài chính cũng đã xây dựng và hoàn thiện các quy định theo chức năng về tài chính bền vững, nâng cao các tiêu chuẩn về quản trị công ty và công bố thông tin gắn với các tiêu chí về môi trường - xã hội - quản trị công ty (ESG).

Chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách Nhà nước nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý cho ngân sách Nhà nước; cải thiện dư địa tài khóa; tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.

Đồng thời, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phát huy nội lực, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

(*) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Tin bài liên quan