Kỳ vọng nâng cao tính giám sát
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoàng, nhà đầu tư có thâm niên trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho biết, trước khi xảy ra vụ Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát, nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán đã mua trái phiếu doanh nghiệp ở thị trường sơ cấp, sau đó chẻ lô nhỏ hơn, giảm kỳ hạn, thay đổi lãi suất thực tế… rồi bán lại cho các khách hàng của mình, tất nhiên, có lúc cam kết mua lại, có lúc không.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân sẵn sàng tham gia giao dịch này, bởi điểm mấu chốt là có cam kết mua lại trái phiếu từ phía ngân hàng hay công ty chứng khoán.
Theo ông Hoàng, lâu nay, các ngân hàng, công ty chứng khoán đã làm khá tốt việc tạo thanh khoản cho sản phẩm trái phiếu và đây cũng chính là cách để các tổ chức này phân tán bớt rủi ro. Thị trường giao dịch thứ cấp trái phiếu riêng lẻ đã được hình thành, mà không chờ vào một trung tâm thứ cấp chuyên nghiệp do cơ quan quản lý xây dựng nên.
“Qua một số vụ việc đổ vỡ, thị trường trái phiếu thứ cấp gần như đóng băng, chỉ còn thị trường sơ cấp. Nhà đầu tư mất niềm tin, cũng chính là ở thị trường thứ cấp. Cơ quản quản lý, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HNX cần sớm lập sàn thứ cấp cho trái phiếu doanh nghiệp, để nhà đầu tư có thêm kênh giao dịch”, ông Hoàng bày tỏ.
Ông cũng kỳ vọng, tới đây, khi đi vào vận hành, sàn giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp sẽ tạo lập cơ sở dữ liệu để nhà đầu tư có đủ thông tin cho từng lô chào mua/bán, nhất là thông tin về các cam kết tuân thủ mà bên bán đưa ra, đồng thời có biện pháp, chế tài xử lý khi một bên vi phạm cam kết tuân thủ này.
Nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp cũng đặt kỳ vọng vào sự giám sát của cơ quan quản lý. Theo đó, khi có giao dịch thứ cấp được hình thành, cả hai bên giao dịch đều phải tuân thủ các thỏa thuận và HNX lẫn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ giám sát việc tuân thủ đó. Khi một bên vi phạm cam kết, phải có chế tài xử lý, tránh rủi ro lan rộng và nhà đầu tư mất niềm tin như hiện nay.
Nhà đầu tư Trần Ngọc Nam chia sẻ câu chuyện, anh từng mua trái phiếu doanh nghiệp từ một công ty chứng khoán với kỳ hạn ngắn, có cam kết mua lại từ công ty đó và may mắn là đến hạn mua lại, mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Tuy vậy, nhiều người bạn vẫn bị kẹt do công ty chứng khoán phá cam kết, nói không có tiền mua lại và đẩy nghĩa vụ cho tổ chức phát hành.
“Vấn đề là bạn tôi thay vì nhận tiền ngay, thì nay phải chờ thiện chí của doanh nghiệp phát hành (mua lại trước hạn) hoặc chờ đến khi đáo hạn, còn công ty chứng khoán kia thì vẫn từ chối, trong khi nguồn tiền để cho các hoạt động khác như cho vay margin vẫn còn dư giả”, anh Nam nói.
Theo anh Nam, với trung tâm giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp sắp hình thành, cơ quan quản lý cần xây dựng bộ quy trình giám sát và bộ quy tắc chế tài khi một bên nào đó vi phạm. Cơ quan quản lý có khả năng can thiệp nhanh để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Đưa thị trường trái phiếu riêng lẻ vào khuôn khổ
Cơ cấu thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang có sự mất cân đối, khi trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tỷ trọng áp đảo về số lượng thương vụ và giá trị so với trái phiếu phát hành đại chúng và trái phiếu phát hành ra quốc tế.
Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì đang diễn ra tại các thị trường trái phiếu phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc, có đến hơn 95% khối lượng trái phiếu phát hành qua kênh đại chúng.
Việc thiếu vắng các thương vụ phát hành trái phiếu ra công chúng với điều kiện phát hành chặt chẽ, trong khi phát hành riêng lẻ “trăm hoa đua nở” trong vài năm trở lại đây chính là rủi ro lớn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Lý giải về tình trạng này, tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho biết, Việt Nam đã có sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành đại chúng từ lâu nhưng luôn thiếu vắng hàng mới và sự tạo lập của các đầu phân phối lớn, khiến gần như không có giao dịch.
Các thủ tục phát hành đại chúng hiện nay quá rườm rà, mất rất nhiều thời gian, khiến doanh nghiệp không kịp tiến độ dòng tiền cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và đây là một trong những lý do khiến doanh nghiệp kém mặn mà với kênh phát hành này.
Theo ông, đây thực sự là một điều đáng tiếc, bởi việc giao dịch trái phiếu phát hành đại chúng không cần đòi hỏi tiêu chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp như phát hành riêng lẻ. Về lâu dài, cần khuyến khích, tạo cơ chế cho các doanh nghiệp phát hành đại chúng, điều này sẽ giúp thị trường trái phiếu minh bạch, sôi động hơn, tiếp cận đông đảo nhà đầu tư hơn.
Trở lại với câu chuyện xây sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ, vị lãnh đạo công ty chứng khoán nhìn nhận, sẽ còn nhiều vấn đề cần thảo luận như trái phiếu nào được phép giao dịch, có bao nhiêu thành viên sẵn sàng tham gia làm nhà phân phối cho thị trường, quy định về nhà đầu tư được phép tham gia..., “tuy nhiên, động thái dám làm đã là một bước tiến, cứ làm rồi cải tiến dần”.
Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, theo quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp phải đăng ký giao dịch trái phiếu đã phát hành trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán và trái phiếu riêng lẻ phải được đăng ký, lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thông qua thành viên lưu ký trước khi giao dịch.
Cũng theo Nghị định 65/2022, trong thời hạn 9 tháng kể từ khi Nghị định có hiệu lực thi hành, hệ thống đăng ký, lưu ký trái phiếu tại VSD và hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại sở giao dịch chứng khoán chính thức vận hành, nghĩa là sẽ rơi vào tháng 6/2023.
Để triển khai các quy định của Nghị định, VSD đang phối hợp cùng các bên liên quan là HNX, thành viên lưu ký và ngân hàng thanh toán (sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lựa chọn ngân hàng này) tiến hành xây dựng hệ thống giao dịch đăng ký, lưu ký và thanh toán trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đang tiến hành rà soát các nội dung liên quan đến dự thảo Thông tư hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước để cơ quan quản lý xem xét ban hành.
“Đến nay, công tác chuẩn bị cho việc triển khai hoạt động đăng ký, lưu ký và thanh toán trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại VSD diễn ra theo đúng kế hoạch đề ra”, đại diện VSD cho biết.
Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, theo chia sẻ của bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, cơ quan này đã xây dựng thông tư và đang thẩm định ở Bộ Tài chính, sắp ban hành trong thời gian tới. Hệ thống giao dịch và thanh toán đều đang được chuẩn bị, nếu suôn sẻ, hệ thống có thể vận hành vào khoảng giữa năm 2023.