Nguồn vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch ngày càng mở rộng

Nguồn vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch ngày càng mở rộng

“Xanh hóa” tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Tại Việt Nam, các tổ chức tín dụng đang đẩy mạnh cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất - kinh doanh không gây tác động đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung…

Hướng tới mục tiêu “xanh”

Xu hướng tăng trưởng tín dụng xanh đang phát triển mạnh ở nhiều quốc gia nhằm hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Theo Ngân hàng Nhà nước, tại Việt Nam, hiện có 40 tổ chức tín dụng cấp vốn xanh với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân đạt hơn 20%/năm. Dư nợ tín dụng xanh hiện đạt hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm trên 4% tổng dư nợ nền kinh tế. Tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch hay các doanh nghiệp chú trọng tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) trong sản xuất - kinh doanh.

Tín dụng xanh thường có mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5-1%/năm so với lãi suất thông thường nhằm khuyến khích các doanh nghiệp vận hành theo hướng bảo vệ môi trường. Theo đó, để có được nguồn vốn giá rẻ, ổn định trong trung - dài hạn phục vụ cho vay lĩnh vực này, các ngân hàng đã đẩy mạnh huy động vốn quốc tế, tìm kiếm sự hợp tác từ các tổ chức tài chính lớn và uy tín trên thế giới. Đáng chú ý, trong số 12 lĩnh vực xanh Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).

Các chuyên gia dự báo, tốc độ tăng trưởng của tín dụng xanh sẽ còn bùng nổ trong những năm tới khi nguồn vốn dần ưu tiên cho các dự án xanh. Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) ước tính, đầu tư cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030, trong đó nguồn vốn tín dụng xanh đóng vai trò nền tảng. Vì thế, “xanh hóa” tín dụng là một trong những hành động được ưu tiên hàng đầu.

Ở Việt Nam, những năm gần đây, thị trường tín dụng xanh chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ khi hàng loạt ngân hàng tham gia vào “cuộc đua” đẩy mạnh dòng vốn xanh ra thị trường.

Đơn cử, tại ACB, để đẩy nhanh hơn nữa lộ trình đạt mục tiêu ESG, ngân hàng này dành 2.000 tỷ đồng cho tín dụng xanh với nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp có phương án sản xuất - kinh doanh có lợi cho môi trường và xã hội. Gói tín dụng này là giải pháp tài chính toàn diện mà ACB đưa ra, nhằm đồng hành cùng các doanh nghiệp tăng trưởng bền vững. Theo lãnh đạo ACB, việc tích hợp chiến lược phát triển bền vững vào các hoạt động kinh doanh còn là cách mà ngân hàng này đồng hành cùng khách hàng và đối tác phát triển bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển ngành ngân hàng gắn với nhiệm vụ phát triển tín dụng xanh.

Với OCB, ông Nguyễn Đình Tùng - Thành viên HĐQT Ngân hàng cho hay, OCB có chủ trương phát triển tín dụng xanh từ năm 2015 và đẩy mạnh hơn từ năm 2018 với sự đồng hành của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và IFC. Đáng chú ý, vào giữa năm 2021, hai tổ chức này vừa tăng hạn mức tài trợ cho OCB, cụ thể: ADB cấp hạn mức vay 25 triệu USD và hạn mức tài trợ thương mại 100 triệu USD, trong khi IFC cấp hạn mức vay 100 triệu USD và hạn mức tài trợ thương mại 60 triệu USD, cho thấy sự đánh giá cao của các tổ chức tài chính quốc tế đối với chương trình tín dụng xanh của OCB.

Quy mô tín dụng xanh tại OCB có xu hướng tăng dần những năm gần đây và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng quy mô dư nợ tín dụng toàn Ngân hàng, khi tính đến cuối năm 2021 đạt 7,8% trên tổng dư nợ và tiếp tục tăng lên tối thiểu 8% trong 3 năm tiếp theo, trong đó ưu tiên cấp tín dụng vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và các dự án thân thiện với môi trường…

Còn ông Nguyễn Đăng Thanh, Phó tổng giám đốc HDBank thông tin, từ năm 2018, HDBank đã gia tăng nguồn lực cho chuyển đổi xanh bằng việc thúc đẩy các chương trình nâng cao nhận thức phát thải khí nhà kính với nhân viên, người lao động tại Ngân hàng. HDBank là ngân hàng tiên phong ban hành chính sách cấp tín dụng xanh với 11.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Tìm kiếm nguồn vốn xanh

Tăng trưởng tín dụng xanh và phát triển bền vững đã và đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế của Việt Nam những năm gần đây. Trong đó, ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng, góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Thành viên HĐQT OCB

Ông Phạm Trung Kiên - Phó trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Nam cho biết, từ năm 2016, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng và không hạn chế nguồn vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng. Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Ngân hàng đạt trên 25.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, dư nợ đạt 12.000 tỷ đồng với hơn 43.000 khách hàng. Tính đến ngày 31/12/2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt 28.277 tỷ đồng, với 42.883 khách hàng còn dư nợ.

Đại diện Agribank cũng cho hay, trong thời gian tới, bên cạnh tiếp tục thúc đẩy tín dụng xanh, Agribank sẽ chủ động tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn xanh quốc tế thông qua các bộ, ngành đầu mối hoặc các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, quỹ tín thác tín dụng xanh... để tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho các dự án xanh.

Mới đây, Nam A Bank đã hợp tác với Công ty Quản lý quỹ ResponsAbility (Thụy Sỹ) để thúc đẩy phát triển bền vững và tín dụng xanh tại Việt Nam. Ngoài ra, ngân hàng này đang tập trung tìm kiếm các nguồn vốn phù hợp khác để phục vụ cho các lĩnh vực xanh.

Trước đó, năm 2019, Nam A Bank là ngân hàng trong nước đầu tiên ký kết hợp tác với Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu (Global Climate Partnership Funds - GCPF) triển khai chương trình tín dụng xanh, dành nguồn vốn ưu đãi tài trợ cho các nhu cầu tiêu dùng, phương án sản xuất - kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội.

Ước tính, đến cuối năm 2023, dư nợ tín dụng xanh của Nam A Bank đạt 154 tỷ đồng, tương đương hơn 35% tổng nguồn vốn do quỹ GCPF cấp. Mới nhất, quỹ này tiếp tục chấp thuận tài trợ gói tín dụng xanh quy mô hơn 183 tỷ đồng, nâng tổng số tiền hạch toán vào dư nợ tín dụng xanh của Nam A Bank lên hơn 360 tỷ đồng. Theo đó, dư nợ tín dụng xanh của Nam A Bank sẽ đạt 77% nguồn vốn của GCPF.

Ông Nguyễn Đăng Thanh cho biết, tín chỉ carbon là yếu tố quan trọng trong kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, nên cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý để vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 như định hướng của Chính phủ tại Nghị định 06/2022, từ đó thúc đẩy các ngân hàng đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia thị trường này.

Ông Nguyễn Đình Tùng nhìn nhận, tăng trưởng tín dụng xanh và phát triển bền vững đã và đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế của Việt Nam những năm gần đây. Trong đó, ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng, góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh. Vì thế, trong thời gian tới, OCB sẽ tiếp tục triển khai các chính sách thực hiện mục tiêu tín dụng xanh, tăng cường tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế và đối tác, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình Công trình xanh và thích ứng biến đổi khí hậu của IFC thông tin, tổ chức này vừa cho một tập đoàn bất động sản ở Việt Nam vay 44 triệu USD để thúc đẩy công trình xanh. Theo bà Diệp, chứng chỉ công trình xanh do IFC phát hành có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều nguồn vốn vay xanh khác, chứ không riêng IFC. Ngoài cho vay trực tiếp, IFC còn phát hành trái phiếu liên kết bền vững. Các cơ hội tài chính xanh quốc tế cũng đang tiếp cận thị trường Việt Nam. Theo đó, các sản phẩm tài chính xanh còn giúp các ngân hàng tiếp cận nhiều nguồn vốn ưu đãi.

Tin bài liên quan