Xăng RON95 giảm về 21.317 đồng/lít từ 15 giờ hôm nay (22/8)

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi giảm 535 đồng, giá xăng RON 95 quay đầu về mức 21.317 đồng/lít từ 15 giờ hôm nay (22/8), trong khi xăng E5 RON92 và các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh giảm quanh mức 423 - 489 đồng/lít, kg.
Giá bán lẻ xăng dầu đồng loạt giảm từ 423-535 đồng/lít, kg từ 15 giờ chiều 22/8.

Giá bán lẻ xăng dầu đồng loạt giảm từ 423-535 đồng/lít, kg từ 15 giờ chiều 22/8.

Giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu đồng loạt giảm từ 15 giờ chiều nay, 22/8/2024.

Theo công bố của liên bộ Công thương - Tài chính, E5RON92 và RON95 giảm lần lượt 458 và 535 đồng/lít, các mặt hàng dầu giảm từ 423 - 489 đồng/lít, kg.

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ không trích lập cũng không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút.

Mặt bằng giá mới như sau: Xăng E5RON92 về 20.424 đồng/lít; xăng RON 95 về 21.317 đồng/lít; dầu điêzen 18.776 đồng/lít; dầu hoả 19.149 đồng/lít, dầu madút 180CST 3.5S là 15.756 đồng/kg.

Theo Bộ Công thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 15/8/2024 - 21/8/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: thông tin về việc đàm phán ngừng bắn tại khu vực Trung Đông; dự trữ dầu thô của Mỹ giảm xuống; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng cắt giảm lãi suất trong thời gian tới; sự suy yếu của nền kinh tế ảnh hưởng tới nhu cầu dầu thô của Trung Quốc; xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina vẫn tiếp diễn…

Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua biến động tăng, giảm đan xen nhưng xu hướng giảm là chủ yếu.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 15/8/2024 và kỳ điều hành ngày 22/8/2024 là: 84,164 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 2,57%); 88,456 USD/thùng xăng RON95 (giảm 2,68%); 90,978 USD/thùng dầu hỏa (giảm 2,20%); 90,490 USD/thùng dầu điêzen 0,05S ( giảm 2,39%); 453,718 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 3,31%).

Liên quan đến những đề xuất của doanh nghiệp và chất vấn của đại biểu quốc hội về bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, chiều ngày 21/8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nói: "Về nguyên tắc, Bộ cũng đồng tình là trong tương lai phải xem xét bỏ Quỹ để bảo đảm tính thị trường, tuy nhiên, theo dự thảo kinh doanh xăng dầu được Bộ trình Chính phủ xem xét để quyết định trong một số ngày tới, trong ngắn hạn vẫn phải giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vì Nhà nước cần phải có chế tài, cơ chế để điều chỉnh bình ổn mặt hàng chiến lược này".

Tin bài liên quan