Với CPI bình quân 8 tháng chỉ tăng 2,58%, áp lực kiểm soát lạm phát năm nay đã vơi bớt
Tổng cục Thống kê cho biết, việc giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7/2022 đã làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước, dù giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, phí dịch vụ giáo dục vẫn tăng.
Đây là mức tăng thấp nhất của tháng Tám trong vòng 5 năm trở lại đây. Tháng 8/2018, CPI tăng 0,45% và đây là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tháng 8/2020, CPI cũng tăng rất thấp và mức tăng là 0,07%.
Tuy vậy, so với tháng 12/2021, CPI tháng Tám vẫn tăng 3,6% và so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,89%.
So với cuối năm trước, thì CPI tháng 8/2022 cao nhất trong vòng 5 năm qua, song mức tăng 3,6% cũng không phải quá cao.
Với CPI tháng Tám tăng nhẹ, bình quân 8 tháng, CPI tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này ở mức trung bình trong vòng 5 năm qua, bởi bình quân 8 tháng năm 2018, CPI tăng 3,52%. Con số này của các năm từ 2019 trở lại đây lần lượt là 2,57%; 3,96%; 1,79% và 2,58%.
Mức tăng CPI 8 tháng ở mức 2,58% đã khiến cho áp lực lạm phát năm nay không còn đáng lo ngại như cách đây ít tháng.
Nhiều khả năng, lạm phát của Việt Nam năm 2022 vẫn xoay quanh ngưỡng 4%, như dự báo của nhiều tổ chức quốc tế trong thời gian gần đây.
Quay trở lại với diễn biến giá cả hàng hóa thị trường, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 02 nhóm hàng giảm giá.
Trong đó, nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,05% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm. Điểm đáng chú ý trong nhóm hàng này, là nhóm thực phẩm tăng khá nhanh, 1,33%.
Nguyên nhân chủ yếu nằm ở giá thịt lợn. Tháng 8/2022, giá thịt lợn tăng 4,95% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm. Giá thịt lợn chính là một trong những yếu tố tác động khá mạnh đến giá cả thị trường trong nước. Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã có những động thái để kiểm soát giá thịt lợn trên thị trường.
Ngoài nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, các nhóm hàng khác tăng giá trong tháng Tám là đồ uống và thuốc lá - tăng 0,27%; nhóm May mặc, mũ nón, giày dép (+0,18%); Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,26%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,21%)…
Trong khi đó, giá dịch vụ giáo dục tăng 1,51% so với tháng trước, do trong tháng 8/2022 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2022-2023 đối với các trường mầm non, trường trung cấp, cao đẳng và đại học.
Bên cạnh đó, chuẩn bị vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng.
Trong tháng Tám, nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch tăng +0,43%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%.
Ngược lại, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 8/2022 giảm 5,51% so với tháng trước, làm CPI chung giảm 0,53 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 01/8/2022, 11/8/2022 và 22/8/2022, làm cho giá xăng giảm 14,52% so với tháng trước; giá dầu diezen giảm 12,9%.
Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 8/2022 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,06% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 8 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,58%), và điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng, chỉ số giá vàng giảm 0,9% so với tháng trước; tăng 5,87% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 6,5%.
Còn chỉ số đô la Mỹ tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 0,37%.