Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang tại cuộc họp báo Chính phủ chiều tối 3/8.
Cước vận tải chậm giảm, lãnh đạo ngành GTVT chỉ đạo rà soát
Phát biểu trên được Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 diễn ra vào chiều tối 3/8, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc giá xăng dầu đã giảm 4 lần liên tiếp nhưng cước vận tải vẫn đứng im.
Theo ông Sang, một trong những yếu tố cấu thành nên giá vận tải là giá nhiên liệu. Khi giá nhiên liệu tăng thì sẽ làm cho giá cước vận tải tăng để bù đắp chi phí. Đó là điều dễ hiểu.
Cụ thể, ông Sang thông tin, thời gian qua, khi giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải ở một số lĩnh vực của ngành giao thông đã tăng. Trong lĩnh vực đường bộ, có khoảng 80-90% doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định kê khai điều chỉnh giá tăng từ 10-15%; vận tải hàng hoá tăng 17%. Chỉ có hoạt động vận tải trong đô thị không tăng giá do có trợ giá.
Với đường sắt, tỷ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chiếm 21-30%. Tuy nhiên trong thời gian qua, hoạt động vận tải hành khách của đường sắt đang nằm trong chương trình cạnh tranh nên giá vận tải hành khách cũng không tăng, chỉ có giá dịch vụ vận tải hàng hoá bằng đường sắt là tăng từ 3-5%.
Với hàng hải, so với thời điểm cao nhất thì giá vận tải đường hàng hải đã giảm 20%. Mặc dù thời gian qua, hàng hải là ngành có tỷ lệ cấu thành giá từ xăng dầu rất lớn nhưng các hãng tàu cũng không có thông báo tăng giá.
"Như vậy chỉ có một số loại cước vận tải, trong đó có đường bộ, đường thủy là tăng giá", ông Sang cho hay.
Ở chiều ngược lại, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận, thời gian đầu giá xăng dầu giảm nhưng giảm không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm. Bộ GTVT đã có nhiều văn chỉ đạo cho các đơn vị đề nghị khẩn trương triển khai, rà soát, kê khai để giảm giá.
Phải nói là khi giá xăng dầu tăng thì giá vận tải tăng nhưng thường khi giá xăng dầu giảm sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang
Tăng cường các biện pháp điều hành giá xăng dầu
Trước đó, ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 679 về việc tăng cường các biện pháp quản lý điều hành giá.
Ngay sau đó, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu các tổng cục, cục phối hợp chặt chẽ với các Sở GTVT địa phương để làm việc với các đơn vị. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục cũng đã triển khai tăng cường công tác kiểm tra hướng dẫn các Sở GTVT để triển khai các quy định về kê khai niêm yết và Công điện 679 của Thủ tướng Chính phủ.
"Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới khi giá xăng dầu giảm ổn định thì giá vận tải cũng sẽ giảm theo giá xăng dầu", Thứ trưởng Sang nói.
Cước vận tải đường bộ không giảm dù xăng, dầu đã giảm 4 lần liên tiếp (ảnh minh hoạ) |
Liên quan đến điều hành giá xăng dầu, chiều 3/8, Bộ Tài chính thông tin, trong tháng 7/2022, giá xăng dầu có 3 đợt điều chỉnh giảm, trong đó kỳ điều hành ngày 11/7 và 21/7 giá giảm mạnh do tiếp tục điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường và giá xăng dầu thế giới giảm.
Tiếp đó, tại kỳ điều chỉnh ngày 1/8, giá xăng dầu giảm lần thứ tư liên tiếp, trong đó giá xăng E5 RON 92 giảm 450 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 470 đồng/lít.
Tính đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 20 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 7 lần giảm. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đã xuống quanh mức 24.500-25.500 đồng/lít, tương đương mức giá vào đầu năm.
Bộ Tài chính cũng nhận định, mặc dù giá xăng dầu trong nước giảm mạnh nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn có biến động tăng do nhiều yếu tố tác động đan xen như tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ, một số mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng trong một thời gian dài nên chưa thể giảm giá ngay hoặc cần độ trễ sau khi giá xăng dầu giảm....
"Để tránh việc lợi dụng xu hướng tăng giá xăng dầu từ đầu năm hoặc cố tình kết cấu thêm những khoản chi phí ngoài giá để tăng giá bất hợp lý, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logicstic để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời...", Bộ Tài chính cho hay
Về vấn đề có tiếp tục giảm thuế để điều hành giá xăng dầu hay không, cơ quan này thông tin, ngày 28/7 đã báo cáo Thủ tướng xin chủ trương về phương án thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.
"Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng văn bản theo đúng trình tự, thủ tục quy định", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Giá bán lẻ xăng dầu mới nhất (tại kỳ điều chỉnh ngày 1/8/2022)
- Xăng E5RON92: không cao hơn 24.629 đồng/lít
- Xăng RON95-III: không cao hơn 25.608 đồng/lít
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 23.908 đồng/lít
- Dầu hỏa: không cao hơn 24.533 đồng/lít
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 16.548 đồng/kg
(Theo Liên bộ Công Thương - Tài chính)