Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 6/10, giá xăng E5 RON 92 tăng 675 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 577 đồng/lít, dầu diesel tăng 485 đồng/lít.
Đáng chú ý, tại kỳ điều chỉnh này, liên Bộ Tài chính – Công thương đã quyết định ngừng trích lập Quỹ Bình ổn đối với các mặt hàng xăng dầu.
Đồng thời, việc chi sử dụng Quỹ Bình ổn được đưa ra ở mức cao nhất cho mặt hàng xăng E5 RON92 với 1.563 đồng/lít; xăng RON95: 700 đồng/lít; dầu diesel: 400 đồng/lít; dầu hỏa:
300 đồng/lít. Mặc dù vậy, sau khi chi sử dụng Quỹ bình ổn, tính ra giá xăng dầu sau khi điều chỉnh vẫn tăng khá mạnh so với thời điểm đầu năm, cao hơn từ 2.000 – 2.700 đồng/lít, đặc biệt mặt hàng dầu mazut 180CST 3.5S tăng tới 3.582 đồng/kg.
Trước đợt điều chỉnh được đánh giá là khá mạnh này, liên Bộ Tài chính - Công thương đã có 3 đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào tháng 5 và tháng 10/2018.
Cùng với đợt điều chỉnh này, lo ngại về nguy cơ gia tăng lạm phát là hoàn toàn có cơ sở, khi giá xăng vốn là yếu tố đầu vào của toàn bộ hàng hóa dịch vụ và dự báo của các cơ quan hữu quan cho thấy giá xăng dầu trong thời gian tới chưa có dấu hiệu giảm.
Theo đánh giá của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm.
Vào cuối tháng 9 đầu tháng 10, giá dầu Brent Biển Bắc dao động ở mức 72,49 – 73 USD/thùng và vẫn trong xu hướng tăng, cao hơn 28% so với mức bình quân 52,5 USD/thùng trong 9 tháng năm 2017.
Giá xăng dầu cũng tăng rất mạnh tại thị trường giao dịch đầu mối Singapore với mức tăng cao nhất lên tới 38,08% đối với mặt hàng dầu.
Mức thuế, phí của Việt Nam quá cao giờ lại thêm thuế của mặt hàng quan trọng như xăng dầu tăng tuyệt đối. Dù giá thế giới tăng giảm, mức thuế vẫn không hề ảnh hưởng khiến giá xăng dầu sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới ở mức cao, ảnh hưởng tới đầu vào chung của sản xuất
- Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Thị trường trong nước cũng bị chi phối mạnh bởi xu thế này. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm tới nay, tại thị trường trong nước đã có tổng cộng 8 lượt tăng, 3 đợt giảm giá xăng dầu.
Trong bối cảnh này, Tổng cục Thống kê khuyến cáo, tuy thách thức lạm phát gia tăng chưa thực sự hiện hữu, nhưng với xu hướng giá xăng dầu thế giới ở mức cao và diễn biến phức tạp từ nay tới cuối năm, nguy cơ xăng dầu tăng giá có thể tác động tới CPI làm tăng lạm phát là hoàn toàn có khả năng, do đó, Chính phủ rất cần theo dõi sát sao để có giải pháp điều hành kịp thời.
Cũng liên quan đến giá xăng dầu, mối lo ngại giá xăng dầu tăng mạnh khiến thị trường giá cả biến động còn xuất phát từ chủ trường tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Theo đó, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng lên mức kịch trần từ 2.000 - 4.000 đồng/lít.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cảnh báo, việc tăng thuế dù chưa thực thi ngay, song cũng gây tâm lý sức ép gia tăng lên giá cả thị trường, tăng chi phí sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới, từ đó gia tăng nguy cơ lạm phát.
“Tăng giá xăng sẽ khiến sắt thép tăng, rồi gián tiếp tác động đến giá nhà, tương tự là nhiều mặt hàng quan trọng khác. Hiện nay thì chưa có tác động gì lớn, song dự kiến sau khoảng 3 tháng, quá trình cân đối liên ngành này sẽ tác động đầy đủ”, ông Doanh nhận định.
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, những năm vừa qua, Việt Nam kiểm soát được lạm phát cũng một phần nhờ giá xăng dầu giảm xuống.
“Mức thuế, phí của Việt Nam quá cao lại giờ lại thêm thuế của mặt hàng quan trọng như xăng dầu tăng tuyệt đối. Dù giá thế giới tăng giảm, mức thuế vẫn không hề ảnh hưởng khiến giá xăng dầu sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới ở mức cao, ảnh hưởng tới đầu vào chung của sản xuất.
Bên cạnh đó, việc quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu thể hiện chính sách điều hành không ổn định, dễ gây tâm lý lo lắng cho nhà đầu tư và người tiêu dùng, ảnh hưởng tới thị trường”, ông Long khuyến cáo.