Việc xác thực người dùng giúp hạn chế những tiêu cực đang xảy ra tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: Đức Thanh

Việc xác thực người dùng giúp hạn chế những tiêu cực đang xảy ra tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: Đức Thanh

Xác thực người dùng mạng xã hội: Công cụ chống lừa đảo và hạn chế tiêu cực

0:00 / 0:00
0:00
Việc xác thực người dùng trên mạng xã hội được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ người dùng trước vấn nạn lừa đảo và hạn chế được nhiều tiêu cực khác.

Mạng xã hội trở thành phương tiện lừa đảo

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay ở Việt Nam có hơn 100 triệu tài khoản mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook, Zalo, Youtube, Instagram, Tiktok… Cùng với sự phát triển đó, tình trạng lừa đảo trực tuyến thông qua các tài khoản mạng xã hội ngày càng gia tăng.

Số liệu từ Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam cho thấy, năm 2023 ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng. Khoảng 91% vụ lừa đảo liên quan đến tài chính, trong đó 73% người dùng bị lừa qua hình thức tin nhắn, cuộc gọi khi dùng mạng xã hội, điện thoại di động.

Cùng với đó là các tác động tiêu cực từ mạng xã hội như quảng cáo, mua bán hàng giả qua mạng xã hội, livestream các nội dung xuyên tạc, chửi bới, xúc phạm người khác. Việc dùng mạng xã hội lan truyền các tin giả, tin sai sự thật cũng là vấn đề gây nhức nhối, tác động xấu đến xã hội.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, điểm a, khoản 2, Điều 26, Luật An ninh mạng quy định, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm “xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số” và “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”.

Tuy nhiên, do chưa có quy định hướng dẫn Luật An ninh mạng về nội dung này, nên các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội trong và ngoài nước chưa thể triển khai quy định này.

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc xác thực người dùng trên mạng xã hội thường được thực hiện qua 3 hình thức gồm email, số điện thoại hoặc giấy tờ tùy thân (như căn cước công dân). Trong đó, số điện thoại được đánh giá là phương án phù hợp ở Việt Nam, trong bối cảnh người dùng có xu hướng chuyển từ máy tính sang thiết bị di động nhiều hơn. Sau quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao năm ngoái, hàng chục triệu sim rác và sim không chính chủ cũng đã được xử lý.

Ngoài ra, đa số mạng xã hội trong và ngoài nước đều đã yêu cầu người dùng xác thực thông qua số điện thoại. Thống kê cho thấy, các mạng xã hội trong nước đã thực hiện xác thực bằng email (30%), số điện thoại (30%), còn 40% cho người dùng chọn một trong hai hình thức email hoặc số điện thoại.

Ví dụ, Facebook yêu cầu người dùng xác thực qua email hoặc số điện thoại dùng WhatsApp; YouTube và Google không yêu cầu danh tính khi lập tài khoản, nhưng người dùng cũng cần nhập số điện thoại để xác minh, bảo mật hai lớp; TikTok xác thực qua số điện thoại hoặc email, tùy theo quá trình đăng ký của người dùng…

Bảo vệ người dùng

Theo ước tính, với các dịch vụ số phổ biến như hành chính công, tài chính, mạng xã hội, email, có khoảng 80 triệu người dùng Việt Nam, tương đương 800 triệu tài khoản cần định danh trên mạng.

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung vào các giải pháp quản lý xác thực người dùng và rà soát thông tin trên không gian mạng. Theo đó, Bộ đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

Ông Trần Quang Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Bộ sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp quản lý xác thực người dùng và rà soát thông tin trên không gian mạng. Cơ quan quản lý yêu cầu xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại nhằm hạn chế tội phạm mạng, tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong việc giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dùng.

Theo đánh giá của ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS), việc Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP, trong đó bổ sung quy định xác thực tài khoản mạng xã hội của người dùng bằng số điện thoại, có ý nghĩa quan trọng.

Hiện số điện thoại của người dùng đã được xác thực, liên kết với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy, việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại sẽ giúp cơ quan chức năng xác định rõ được ai là ai trên không gian mạng. Thậm chí, trong một số vụ việc, có thể giúp cơ quan chức năng điều tra, truy vết, đấu tranh, từ đó có thể thu hồi được dòng tiền cho các nạn nhân đã bị lừa đảo.

Còn ông Trương Đức Lượng, Chủ tịch Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC) cho biết, việc xác thực người dùng mạng xã hội bản chất là một kỹ thuật cần thiết bởi mạng xã hội là một thế giới ảo được tạo ra bởi các công ty công nghệ. Giao tiếp trên mạng xã hội cũng giống ngoài đời thực, nên việc xác định danh tính trên mạng xã hội cũng rất cần thiết để việc giao tiếp đúng người, không bị lợi dụng để lừa đảo hoặc ứng xử kém văn minh.

“Hiện mạng xã hội cho phép đăng ký dễ dàng, hệ quả là người dùng sử dụng vô trách nhiệm. Việc định danh sẽ hạn chế được các tiêu cực”, ông Lượng nói.

Ở góc độ nhà mạng, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Phó chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia cho rằng, vai trò của các nhà mạng trong cuộc chiến chống lừa đảo rất quan trọng. Với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ số, nhà mạng cần tuân thủ các quy định pháp luật, phát triển và sử dụng các công cụ, giải pháp phòng chống lừa đảo. Nhà mạng còn phải đảm bảo vai trò thứ 3 là phát triển và cung cấp các dịch vụ phòng chống lừa đảo.

Theo ông Thái, các doanh nghiệp và nhà mạng cần phối hợp, chung tay triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như định danh/xác thực người dùng; cung cấp các dịch vụ viễn thông theo định danh; phát triển công cụ bảo vệ chủ động và sử dụng năng lực viễn thông, công nghệ số để tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết về các hình thức lừa đảo, sử dụng không gian mạng an toàn.

Có thể thấy, tiến trình định danh người dùng trên mạng xã hội đang đến gần. Điều đó đồng nghĩa hàng chục triệu tài khoản ảo sẽ “bay màu”, lượng tài khoản giảm xuống, hạn chế được nạn lừa đảo trực tuyến và các tiêu cực khác.

Tin bài liên quan