Hoạt động của công ty Fintech tiềm ẩn rủi ro cho người sử dụng dịch vụ khi doanh nghiệp thiếu minh bạch

Hoạt động của công ty Fintech tiềm ẩn rủi ro cho người sử dụng dịch vụ khi doanh nghiệp thiếu minh bạch

Xác định rủi ro, lấp đầy “khoảng trống pháp lý”

(ĐTCK) Dịch vụ tài chính công nghệ (Fintech) là từ dùng để nói tới hoạt động kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ, hỗ trợ việc sử dụng dịch vụ tài chính của khách hàng hoặc việc xử lý giao dịch cho các định chế tài chính.

Thời gian qua, những tiến bộ trong công nghệ đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức giao dịch ngân hàng và hoạt động đầu tư. Thông qua các ứng dụng công nghệ, người dùng có thể tiếp cận, sử dụng các dịch vụ ngân hàng như thanh toán, chuyển tiền, vay tiền, gửi tiền... trên thiết bị điện tử mà không cần trực tiếp đến ngân hàng như phương thức giao dịch ngân hàng truyền thống.

Điều này giúp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, tài chính, gia tăng tiện ích cho người sử dụng dịch vụ, phù hợp với mục tiêu của chiến lược tài chính toàn diện.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện cấp phép cho trên 20 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (cung cấp các dịch vụ ví điện tử, thu hộ, chi hộ…).

Bên cạnh các doanh nghiệp Fintech trong lĩnh vực thanh toán, Việt Nam còn có những doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực fintech khác như: gọi vốn, dịch vụ cho vay trực tuyến, chuyển tiền, quản lý dữ liệu tài chính cá nhân… Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý hiện hành về Fintech còn nhiều “khoảng trống”, nhất là khuôn khổ pháp lý cho các dịch vụ tài chính công nghệ mới.

Thực trạng này ảnh hướng đến sự phát triển lành mạnh của các Fintech, cũng như hiệu quả của việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính và sự an toàn của hệ thống tài chính.

Rủi ro trong hoạt động của Fintech

Với sức mạnh công nghệ của mình, các Fintech đã đáp ứng hầu hết dịch vụ tài chính mà trước đây các ngân hàng “độc quyền” như gửi tiết kiệm, chuyển tiền, thanh toán, cho vay, quản lý tài chính cá nhân… Khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng với chi phí rẻ hơn, dễ dàng hơn.

Với những ưu điểm như vậy, các công ty Fintech có tiềm năng phát triển rất lớn và có thể chiếm lĩnh được thị phần lớn hơn, đặc biệt là ở các khu vực mạng lưới của hệ thống ngân hàng còn hạn chế hoặc các dịch vụ ngân hàng chưa thuận tiện.

Ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, hoạt động của các công ty Fintech còn chứa đựng nhiều rủi ro đối với hệ thống tài chính cũng như người sử dụng dịch vụ tài chính, cụ thể:

Đối với hệ thống tài chính, các công ty Fintech có thể cung cấp hầu hết các dịch vụ tài chính, ngân hàng từ nhận tiền gửi, cho vay đến thanh toán, chuyển tiền, quản lý thông tin...

Do đó, khi một công ty Fintech cung ứng các dịch vụ cho phép giữ tiền của người sử dụng dịch vụ (như thanh toán, chuyển tiền, nhận tiền gửi) bị đổ vỡ hoặc yếu kém thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lan truyền tới các tổ chức tài chính khác, cũng như ảnh hưởng tới sự an toàn, ổn định của cả hệ thống tài chính của một quốc gia. Về nguyên tắc, ngay cả khi không có sự đổ vỡ nào, một hệ thống tài chính đã bị suy yếu cũng có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Tương tự, các công ty Fintech cung ứng dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động ngân hàng thương mại cũng tiềm ẩn rủi ro trực tiếp đối với sự lành mạnh, an toàn của ngân hàng thương mại sử dụng dịch vụ. Do vậy, về bản chất, hoạt động của công ty Fintech luôn tìm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính.

Đối với người sử dụng dịch vụ tài chính: Việc bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính là cần thiết trong các thị trường tài chính vì tại đây, bên cung cấp các sản phẩm tài chính thường có vị thế tốt hơn so với người sử dụng các dịch vụ tài chính.

Hoạt động của các công ty Fintech có việc huy động vốn, quản lý tài khoản, giữ tiền của người sử dụng dịch vụ. Do đó, hoạt động này tiềm ẩn rủi ro cho người sử dụng dịch vụ khi công ty Fintech thiếu minh bạch hoặc sử dụng tiền của khách hàng vào mục đích khác.

Đồng thời, sự thuận tiện, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ do công ty Fintech cung cấp có thể khiến một số khách hàng sử dụng các dịch vụ khi họ không thực sự hiểu hết về các quyền và nghĩa vụ của bản thân để có thể giảm thiểu rủi ro cho mình khi sử dụng dịch vụ tài chính.

Một rủi ro khác có thể xảy ra cho người sử dụng dịch vụ tài chính là khi công ty Fintech không đủ khả năng tài chính để trả lại tiền đã nhận của khách hàng (tiền gửi hoặc tiền của khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền).

Yêu cầu quản lý chặt chẽ

Từ những rủi ro đối với người sử dụng dịch vụ, cũng như đối với hệ thống tài chính của quốc gia, có thể thấy hoạt động của công ty Fintech đòi hỏi phải có sự quản lý, điều tiết của cơ quan quản lý nhằm 2 mục đích:

Một là bảo đảm sự an toàn, ổn định của thị trường tài chính, hạn chế khả năng rủi ro trong hoạt động của các công ty Fintech đối với hệ thống tài chính và toàn bộ nền kinh tế.

Hoạt động quản lý, điều tiết của cơ quan quản lý đối với hoạt động của các công ty Fintech nhằm đảm bảo sự lành mạnh trong hoạt động kinh doanh của công ty Fintech, phát hiện kịp thời các trường hợp có nguy cơ đổ vỡ và đưa ra biện pháp xử lý phù hợp tránh nguy cơ đổ vỡ của công ty, cũng như nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của cả hệ thống tài chính.

Xác định rủi ro, lấp đầy “khoảng trống pháp lý” ảnh 2

Đồng thời, từ khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng, việc giám sát an toàn của cơ quan quản lý đối với hoạt động kinh doanh của công ty Fintech là yêu cầu cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các rủi ro tiềm ẩn phát sinh từ các dịch vụ tài chính, ngân hàng do công ty Fintech cung cấp.

Hai là đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực về các dịch vụ tài chính do công ty Fintech cung cấp trên thị trường tài chính. Dưới góc độ bảo vệ người tiêu dùng, việc quản lý thị trường là cần thiết để bảo đảm các công ty Fintech tuân thủ các chuẩn mực của dịch vụ tài chính, đảm bảo cho người tiêu dùng được sử dụng các dịch vụ an toàn, hiệu quả. Hoạt động quản lý này cho phép cơ quan quản lý phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.

Nhận diện và tìm giải pháp quản lý rủi ro

Với những tiện ích mà công ty Fintech mang lại, cũng như những rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống tài chính và người sử dụng dịch vụ, việc xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các công ty Fintech là cần thiết, nhằm một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các công ty Fintech, đồng thời, đảm bảo bảo vệ sự an toàn của hệ thống tài chính, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Về nguyên tắc, việc xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về Fintech cần dựa trên nguyên tắc nhận diện được các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của các công ty Fintech và đưa ra được quy định, biện pháp để quản lý hiệu quả các rủi ro đó. Theo đó, cơ quan quản lý cần tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, xác định rõ thẩm quyền quản lý đối với hoạt động của công ty Fintech: Khuôn khổ pháp lý về Fintech cần xác định thẩm quyền quản lý đối với các dịch vụ Fintech phù hợp với phạm vi quản lý nhà nước của các bộ, ngành liên quan. Ví dụ, việc cung ứng các dịch vụ của các công ty Fintech trong lĩnh vực ngân hàng như nhận tiền gửi, thanh toán, chuyển tiền… sẽ thuộc trách nhiệm quản lý của NHNN.

Xác định rủi ro, lấp đầy “khoảng trống pháp lý” ảnh 3

Thứ hai, về biện pháp quản lý. Khuôn khổ pháp lý về Fintech cần quy định rõ biện pháp quản lý sẽ được áp dụng trên cơ sở xác định mức độ rủi ro tiềm ẩn của từng dịch vụ Fintech, chi phí và lợi ích của từng biện pháp quản lý.

Đối với nhóm dịch vụ có rủi ro cao đối với sự an toàn của hệ thống (như dịch vụ nhận tiền gửi, thanh toán, chuyển tiền, cho vay), thì biện pháp quản lý có thể là điều kiện kinh doanh và cấp phép.

Đối với nhóm dịch vụ có mức độ rủi ro thấp hơn, biện pháp quản lý có thể là đưa ra các yêu cầu nghiệp vụ, các giới hạn, hạn chế để bảo đảm an toàn, mà không yêu cầu phải xin phép trước khi thực hiện. Đồng thời, đối với các dịch vụ cần cấp phép, pháp luật cần quy định rõ trình tự, thủ tục cấp phép đối với hoạt động của công ty Fintech nhằm đảm bảo tính minh bạch, giảm thiểu chi phí tuân thủ. 

Thứ ba, xác định rõ phạm vi cung ứng dịch vụ của công ty Fintech: Nhằm hạn chế được các rủi ro có thể xảy ra, pháp luật cần xác định được phạm vi, giới hạn một công ty Fintech được cung ứng dịch vụ, sản phẩm trên thị trường phụ thuộc vào khả năng tài chính cũng như năng lực của từng công ty Fintech.

Việc xác định phạm vi cung ứng dịch vụ của các công ty Fintech cần bảo đảm yêu cầu tạo lập khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển năng động của doanh nghiệp, song bảo đảm cho phép cơ quan quản lý kiểm soát, hạn chế được các rủi ro tiềm ẩn cho sự an toàn của hệ thống tài chính và bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.

Thứ tư, xây dựng, hoàn thiện các quy định về quản lý rủi ro đối với hoạt động của các công ty Fintech: Hiện tại, các quy định của pháp luật về quản lý rủi ro đối với hoạt động của các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán đã ban hành. Tuy nhiên, đối với các hoạt động khác (như huy động vốn, cho vay...) vẫn còn chưa có quy định cụ thể về quản lý rủi ro. Đây là “khoảng trống pháp lý” cần được các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng và ban hành kịp thời.

Đồng thời, các quy định về quản lý rủi ro cần đảm bảo cho các công ty Fintech có khả năng tài chính, nhân lực và công nghệ để có thể hoạt động an toàn, hiệu quả và ứng phó được các tình huống rủi ro có thể xảy ra trên thực tế.

Thứ năm, xây dựng cơ chế giám sát, thanh tra hoạt động của các công ty Fintech và các biện pháp xử lý vi phạm: Hoạt động của công ty Fintech cần có sự kiểm tra, giám sát, thanh tra chặt chẽ từ phía các cơ quan quản lý nhằm phát hiện sớm những rủi ro, gian lận trong hoạt động của công ty Fintech gây bất lợi đến người sử dụng dịch vụ, cũng như có các biện pháp khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo an toàn hệ thống tài chính.

Tin bài liên quan