Xác định 2 kịch bản kinh tế cho Việt Nam 5 năm tới

(ĐTCK) 2 kịch bản dự báo kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới. Theo kịch bản thứ nhất với mô hình tăng trưởng được chuyển đổi chậm, không liên tục; không tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập quốc tế; quản trị Nhà nước chưa được cải thiện đáng kể. Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 6,5%; lạm phát 6,7%; tốc độ tăng đầu tư cho sản xuất (vốn đầu tư/GDP) 13,14%....
Xác định 2 kịch bản kinh tế cho Việt Nam 5 năm tới

Hội thảo khoa học với chủ đề “Kinh tế Việt Nam đến năm 2025: cơ hội và thách thức” do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 10/10.

Mục đích Hội thảo nhằm báo cáo những kết quả nghiên cứu, phân tích và dự báo do Trung tâm và các đơn vị đối tác thực hiện, đồng thời tạo cơ hội để các nhà khoa học, quản lý và đại diện doanh nghiệp cùng trao đổi để đóng góp cho Chính phủ những giải pháp hữu hiệu nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2014-2025. 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những kết quả tích cực đã đạt được của nền kinh tế trong thời gian qua. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, đã đến lúc kinh tế Việt Nam cần có những thay đổi cơ bản phù hợp với yêu cầu phát triển mới và đón nhận thêm những cơ hội mà hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng mang lại.

Theo ông Dũng, trong giai đoạn 2014 - 2020, Việt Nam tiếp tục thức hiện mục tiêu tổng quát của nền kinh tế Việt Nam đã đề ra, trong đó chú trọng duy trì và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mạnh mẽ tốc độ tăng trưởng kinh tế tạo đà cho phát triển vững nền kinh tế trong dài hạn.

Dự báo về tình hình kinh tế thế giới trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế thế giới vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Phân tích rõ hơn, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch UB Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng 3 trục kinh tế quan trọng của thế giới là Mỹ, EU và Trung Quốc sẽ có những diễn biến phức tạp.

Theo ông Ngoạn, kinh tế thế giới giai đoạn từ nay tới năm 2025 được đánh giá sáng sủa hơn nhưng còn nhiều bất trắc khó lường, càng nhìn xa càng khó lường về cả an ninh, chính trị, kinh tế. Nhiều học giả theo học thuyết chu kỳ cho rằng giai đoạn phát triển của kinh tế Mỹ có lẽ không kéo dài quá 2018, sau đó là giai đoạn suy thoái. Hai yếu tố chủ chốt được xác định còn tiếp tục làm giảm tăng trưởng là tỷ lệ thất nghiệp còn cao, tốc độ phát triển GDP không đạt mức kỳ vọng.

Còn nền kinh tế khu vực EU liên tục 2 năm qua tăng trưởng thấp hơn nhiều so với dự báo, chứng tỏ EU nói chung còn nhiều khó khăn, giải pháp nào cho EU vẫn còn quan điểm khác nhau, nhiều người đề nghị ECB nối định lượng hỗ trợ tín dụng, hấp thụ vốn của EU thấp, chủ tịch ECB cho rằng vấn đề ở cơ cấu kinh tế, nên yêu cầu các chính phủ đẩy mạnh cơ cấu, điều này cho thấy họ vẫn còn lúng túng. Thị trường lao động đã vấp phải từ năm 90, đã tìm giải pháp nhưng chưa tìm được. nếu không cẩn thận có thể rơi vào trì trệ như Nhật 2 thập kỷ qua.

Ở châu Á, nền kinh tế lớn nhất Trung Quốc đã tới bão hòa chưa, tích tụ, bất cập đã ở mức lớn để cản trở không vẫn là câu hỏi để ngỏ. Tuy nhiên, theo tôi Trung Quốc không còn điều kiện tăng trưởng như trước, do đó khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng 9% nữa mà chỉ duy trì ở mức7-8%, do đó sẽ ảnh hưởng nhất định tới kinh tế toàn cầu trong dài hạn”, ông Ngoạn phân tích.

Về kinh tế Việt Nam, cũng theo ông Ngoạn cho rằng tại thời điểm hiện nay nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu phục hồi, nhưng tốc độ còn chậm. Trong thời gian  không thể tăng trưởng bằng mở rộng đầu tư do thực tế cũng không còn dư địa để mở rộng dầu tư, vì vậy thay đổi mô hình tăng trưởng không thể theo mô hình đầu tư rộng và dàn trải.

“Vậy để tăng trưởng không còn cách nào khác là tăng năng suất lao động vì sẽ phải giảm quy mô đầu tư từ 40% GDP xuống 30% GDP. Bù vào tăng trưởng phải tăng năng suất lao động, giảm đầu tư ¼, năng suất phải có mức độ để bù vào mức ¼ đó. Năng suất lao động chỉ góp có 10% vào GDP, thay đổi năng suất lao động phải lớn mới bù đắp được”, ông Ngoạn phân tích và cho rằng thời gian tới cách thức tăng trưởng, tăng nhiều hay ít, nhanh hay chậm sẽ là vấn đề đặt ra để tạo được động lực đổi mới cho kinh tế Việt Nam.

Trong giai đoạn tới 2020 định hướng tới 2025, theo ông Ngoạn, Chính phủ Việt Nam tiếp tục giữ vững mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng trưởng ở mức độ hợp lý, phù hợp với tình hình cụ thể ở trong nước và thế giới. Từ đó, tạo sự chủ động tiến tới ổn định vững chắc vào năm 2020.

Cũng tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Văn Thành, NCIF đã đưa ra 2 kịch bản dự báo kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới. Theo kịch bản thứ nhất với mô hình tăng trưởng được chuyển đổi chậm, không liên tục; không tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập quốc tế; quản trị Nhà nước chưa được cải thiện đáng kể. Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 6,5%; lạm phát 6,7%; tốc độ tăng đầu tư cho sản xuất (vốn đầu tư/GDP) 13,14%.

Theo kịch bản thứ hai, chuyển đổi mô hình tăng trưởng được thực hiện liên tục theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và lợi thế so sánh của nền kinh tế; tận dụng được lợi thể từ các hiệp định FTA song phương và đa phương; quản trị Nhà nước có nhiều tiến bộ. Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 7,1%; lạm phát 7,21%; tốc độ tăng đầu tư cho sản xuất (vốn đầu tư/GDP) 15,30%.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng kế hoạch 5 năm tới có ý nghĩa quan trọng. Để thực hiện những mục tiêu trên, Thứ trưởng cũng đã nhấn mạnh đến các nhóm giải pháp lớn như: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; nâng cao cao suất chất lượng và hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; tiếp tục phát triển đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại ngành sản xuất, dịch vụ cho phù hợp với nhu cầu tăng trưởng; thúc đẩy lại cơ cấu doanh nghiệp, tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm trên trường quốc tế.

Tin bài liên quan