Đóng Ten Ren, ổn định cho The Coffee House
Trao đổi với baodautu.vn, ông Phú đưa ra 3 phương án xử lý “xác” 23 cửa hàng Ten Ren Việt Nam sau khi công bố thông tin sẽ đóng cửa từ 15/8/2019. Cụ thể, thứ nhất, họ sẽ sang nhượng lại cho một đối tác khác, thứ hai là trả mặt bằng chủ nhà và cuối cùng là chuyển đổi thành cửa hàng The Coffee House.
“Chúng tôi cố gắng thực hiện theo phương án thứ nhất để giúp thu lại một phần chi phí cửa hàng đó và cũng đang thương lượng với đội ngũ vận hành Toocha để hợp tác thực hiện việc này”, ông Phú nói và cho biết, các cửa hàng Ten Ren có doanh thu tại đường Trần Cao Vân, đường Nguyễn Tri Phương và trung tâm thương mại Aeon, bình quân từ 700-800 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, các cửa hàng có doanh thu thấp nhất tại đường Hồng Hà, Tôn Thất Tùng dao động từ 200-300 triệu đồng/tháng.
Đội ngũ lãnh đạo Trà cà phê Việt Nam đưa ra quyết định đóng cửa Ten Ren Việt Nam bởi nhận thấy, mô hình kinh doanh hiện tại chưa phù hợp với nhu cầu khách hàng cũng như kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Lý giải thêm về điều này, ông Võ Duy Phú khẳng định, họ muốn đóng chuỗi Ten Ren để ổn định kinh doanh, tập trung vào chuỗi kinh doanh cốt lõi hiện có là The Coffee House.
Cùng với đó, đơn vị này đánh giá, nhu cầu người tiêu dùng với trà sữa đang giảm dần, thị trường cũng thiếu các sản phẩm chủ đạo, hấp dẫn tiêu dùng trong từng thời điểm. Nếu năm 2017, trà sữa Macchiato là thức uống được nhiều người lựa chọn nhất, thì đến năm 2018 là sữa tươi trân châu đường đen. Dù vậy, đã hết nửa năm 2019 nhưng chưa có sản phẩm nào có thể “góp phần kéo tăng nhu cầu thị trường”.
Năm 2018 là quãng thời gian cho đội ngũ thuộc Công ty cổ phần TMDV Trà cà phê Việt Nam (đơn vị vận hành chuỗi The Coffee House) thử nghiệm và tìm ra mô hình kinh doanh hiệu quả cho Ten Ren - thương hiệu trà Đài Loan mà họ nhận nhượng quyền về Việt Nam từ 2017. Dù vậy, mọi kế hoạch không đạt như kỳ vọng và kết quả cuối cùng được đưa ra, bằng việc công bố sẽ đóng cửa chuỗi 23 cửa hàng Ten Ren từ tháng 8/2019.
Năm 2017, Trà cà phê Việt Nam cho biết sẽ chi khoảng 100 tỷ đồng nhằm mở 30-40 cửa hàng tại TP.HCM đến cuối năm 2018 và vận hành 400 cửa hàng đến 2022. Kế hoạch này không thể thực hiện.
Thêm vào đó, trong 5 năm đầu, tính từ 2018, Ten Ren Việt Nam còn kỳ vọng vào kinh doanh trà sữa với quy mô thị trường gần 300 triệu USD và tăng trưởng đều đặn 20%/năm. Nhưng, lựa chọn mô hình chuẩn riêng cho chuỗi giữa take-away hay ngồi lại sẽ được đội ngũ vận hành đưa ra vào cuối năm 2018. Khi đó, Nguyễn Hải Ninh (nhà sáng lập The Coffee House) còn nói: “Dù có nhiều nhận định về sự thoái trào của thị trường trà - trà sữa, nhưng đối với chúng tôi, cuộc chơi chỉ mới bắt đầu”….
Còn đến nay, đội ngũ vận hành này nhận ra, họ cần cải thiện rất nhiều về mô hình kinh doanh và thực đơn cho Ten Ren. Đây là các bài học có thể áp dụng cho The Coffee House.
“Thời điểm này, chúng tôi chưa xác định được mô hình phù hợp cho trà sữa. Khi thị trường bình ổn lại thì quay lại cũng chưa muộn”, ông Võ Duy Phú chia sẻ.
Cửa hàng trà sữa không chỉ bán trà sữa
Trong khi Ten Ren dự kiến ngừng kinh doanh tại Việt Nam, đại diện nhận nhượng quyền thương hiệu Gong Cha vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch mở rộng chuỗi. Hiện thương hiệu này có 41 cửa hàng tại Việt Nam và sẽ mở thêm 5 cửa hàng đến cuối 2019, dù nhu cầu tiêu thụ trà sữa được dự báo không tăng trưởng mạnh nhưng họ vẫn tiếp tục mở rộng để chiếm thị phần.
“Dựa trên đơn của các đơn vị, đối tác giao hàng thì Gong Cha Việt Nam chiếm gần 50% số đơn hàng của họ. Thị trường trà sữa không phải thoái trào mà nhiều đơn vị theo xu hướng bầy đàn nên nhảy vào đầu tư mà không biết, Gong Cha có mấy nghìn cửa hàng trên thế giới khi mở rộng đều có lý do và sự chuẩn bị kỹ càng. Chúng tôi có bộ phận nghiên cứu sản phẩm cho chuỗi trên toàn cầu, nên thường có thức uống mới bổ sung vào menu không chỉ trà sữa”, đại diện Gong Cha cho biết.
Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng chọn sản phẩm thành phần tự nhiên, có lợi cho sức khoẻ. Đây là xu hướng khiến các thương hiệu trà sữa phải thường xuyên bổ sung các thức uống khác vào menu ngoài trà sữa. Ông Trần Phan Tế, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nước giải khát Lai Phú cho biết, cùng với trà sữa, sản phẩm nước trái cây đóng chai đang có tốc độ tăng trưởng nhanh trong ngành hàng nước giải khát, với khoảng 15%/năm. Chính vì vậy, cũng thu hút nhiều đối thủ lớn với sản phẩm Adew của Lai Phú trong ngành nước giải khát như Twister (Pepsico), Teppy (Coca Cola),…
Trà sữa mang về chưa đến 50% doanh thu của Meet Fresh bởi theo định hướng của thương hiệu này cả ở thị trường Đài Loan lẫn nước ngoài đều tập trung vào các món tráng miệng và đồ ngọt.
GongCha cho biết, thức uống của hàng này đang chiếm gần 50% trong đơn hàng của đối tác giao nhận (Ảnh: Lê Toàn)
Công ty TNHH Food Fan do bà Lê Bích Ngọc làm giám đốc là đơn vị nhượng quyền thương hiệu này về Việt Nam từ 2015, và cửa hàng đầu tiên được mở tại con đường trà sữa TP.HCM tại Ngô Đức Kế, quận 1. Sau 4 năm, hiện Food Fan vận hành 11 cửa hàng trong đó, 6 cửa hàng tại TP.HCM, Hà Nội 3 cửa hàng và Bình Dương, Đà Nẵng mỗi tỉnh thành một cửa hàng.
“Met Fresh sẽ tiếp tục được mở rộng, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc vì nhu cầu uống trà sữa tại đây xuất hiện muộn hơn khoảng 1 năm so với TP.HCM. Trong khi trào lưu thức uống này đang dần thoái trào tại TP.HCM, thì khu vực Hà Nội cùng các tỉnh lân cận sẽ vẫn phát triển, không chỉ với trà sữa mà còn với các món tráng miệng của Đài Loan”, bà Bích Ngọc chia sẻ và cho biết, kinh doanh trà sữa là mảng mà bất cứ đơn vị trong hay ngoài nước đều có thể tham gia vào. Tuy nhiên, cần nhìn nhận, thức uống theo xu hướng này có vòng đời chỉ từ 2-4 năm sẽ dần bước vào giai đoạn thoái trào, đặc biệt, người tiêu dùng ngày càng chú trọng sức khoẻ cũng như ưa chuộng các loại thức uống có thành phần tự nhiên.
Bà Ngọc còn cho rằng, dù thị trường đang có những dấu hiệu của ngưỡng bão hoà, tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia mà bà từng tìm hiểu về ngành trà sữa như Đài Loan hay Thái Lan thì có thể, trong thời gian tới, thị trường vẫn sẽ chứng kiến nhiều sự thay đổi. Một số thương hiệu sẽ đóng cửa như Ten Ren nhưng vẫn sẽ có các “tay chơi” khác gia nhập vào.
“Tôi từng dự một hội chợ nhượng quyền ở Đài Loan thì nhận thấy, sản phẩm trà sữa Đài Loan nhượng quyền nhiều nhất. Thành công trong kinh doanh trà sữa thời gian qua như bước mở đường cho các nhãn hiệu Đài Loan khác, bởi người Việt Nam muốn kinh doanh nhượng quyền các món ăn/thức uống thường sẽ hướng tới các thương hiệu của quốc gia này”, bà Bích Ngọc nói và cũng cho biết, đơn vị này đang thực hiện kế hoạch nhận nhượng quyền từ các nhãn hiệu khác. Tuy nhiên, cần cân nhắc thêm bởi lấy ví dụ từ trà sữa, thị trường sẽ thoái trào sau 2-3 năm mở rộng, mà Ten Ren- một thương hiệu trà/ trà sữa nổi tiếng của Đài Loan đã không có khởi đầu tốt đẹp tại Việt Nam.