Xa xứ ngày áp Tết

Xa xứ ngày áp Tết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nghĩ lại một năm đầy gian khó đã qua, nhiều người trong đó có tôi chợt thấy mình nhận ra nhiều điều và trân quý hơn từng phút giây mình đang có.

1. “Bốn năm trước, khi lặn lội vào Sài Gòn chỉ với một cái ba lô nhỏ trên vai… Lật ngửa bàn tay, thấy mình chẳng có gì ngoài những đường chỉ tay chằng chịt, rối rắm. Cái đêm mà mình nói với mẹ quyết định ra đi để kiếm đường ngẩng mặt lên, mình vẫn chưa hình dung ra mình của những ngày giáp Tết lại lo lắng thế này”, Trung, một cậu bạn học cấp ba với tôi bày tỏ nỗi niềm khi nhìn lại một năm đầy biến động.

Ngày tôi gặp Trung đã là cận Tết, nhìn cậu có vẻ ốm đi nhiều. Trước đó 4 tháng, khi TP.HCM đang tăng cường giãn cách, hai đứa cũng chỉ nhắn với nhau được vài ba câu. Cuộc trò chuyện của chúng tôi ngày ấy cũng chỉ xoay quanh vài vấn đề về công việc, sức khỏe. Trung nói cậu vừa bị mất việc vì công ty phá sản. Trung bảo: “Chắc mình sẽ về quê”.

“Về nhà rồi, ít ra cũng gia đình để nương tựa, chứ ở lại Sài Gòn lấy gì sống đây?”, Trung trả lời câu hỏi “về quê sẽ làm gì” của tôi bằng một câu hỏi.

Ba tháng TP.HCM giãn cách xã hội tăng cường và hai năm dịch bệnh đã khiến kế sinh nhai của Trung mất đi, cánh cửa về một giấc mơ “kiếm đường ngẩng mặt lên” của cậu cũng dần khép lại. Hết tiền, mất việc, dù chủ nhà trọ đã giảm tiền nhà, nhưng cậu vẫn chật vật với những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cùng tiền điện, nước...

Vấn đề là cậu không còn nguồn thu nhập nào. Hàng triệu người như Trung từ các nơi đổ về Sài Gòn mưu sinh và đóng góp một phần cho nền kinh tế, nhưng Covid đã khiến họ phải rời thành thị về nương tựa quê nhà, nơi cũng đang khó khăn vì dịch bệnh.

Một năm mất mát và nhiều âu lo lại càng khiến người ta trân quý hơn những giây phút quây quần. Chưa khi nào hành trình về nhà, sự sum họp đoàn viên lại có ý nghĩa đặc biệt với những người con xa quê đến thế.

Sau lần nhắn tin hôm đó, tôi không bao giờ nhắc đến vấn đề ấy nữa. Cậu cũng không về quê mà gắng gượng ở lại Sài Gòn kiếm sống. “Sài Gòn thực ra không phải là nơi mình muốn gắn bó, nhưng miền đất hứa này đã cho mình công việc, cho gia đình ở quê những bữa cơm no và cho mình một giấc mơ về một tương lai hạnh phúc. Trước khi bước chân đến đây, mình đã hạ quyết tâm sẽ cố gắng, cố gắng thật nhiều”.

Trung kể, giữa tháng 10/2021, khi TP.HCM dần ổn định trở lại, cậu tiếp tục lao vào làm việc, hết việc này đến việc khác, từ phục vụ quán ăn, chạy Grab, hay sửa chữa điện nước cậu cũng không ngại ngần, nếu có người cần. “Chỉ mong kiếm thật nhiều tiền để gửi về quê”. Những ngày bon chen đó, Trung dường như chẳng quan tâm Sài Gòn là gì, thành phố là gì, những người xung quanh là gì, với cậu, khoảng thời gian ấy chỉ muốn làm việc kiếm sống.

2. “Tết này ít tiền mang về rồi”, Trung nói. Tôi nhìn Trung, hai đứa cùng cười rồi nâng ly chúc mừng cho những tháng này đã qua. Có lẽ, cũng là dân tứ xứ đến Sài Gòn làm ăn, nên chúng tôi đã tìm được sự đồng cảm chỉ qua một câu nói.

Tôi để ý thấy Trung vài ba lần nói chuyện lại ngước ánh nhìn về chiếc xe của mình. Đó là một con xe Air Blade đời đầu, chắc cũng tầm 10 năm hơn. Trung bảo, năm nay cậu tự chạy xe máy về thay vì đi xe khách để “tiết kiệm được mớ tiền mua vài chiếc áo mới”.

Xem chừng Trung chưa thể yên tâm với sức vóc của con ngựa sắt khi lần đầu chạy xa đến vậy. Vừa trò chuyện với tôi, Trung vừa liên tục đăng bài hỏi trên các Group phượt cách chạy xe đường dài an toàn, xử lý như thế nào nếu xe hỏng dọc đường, nghỉ ngơi, dừng chân ăn uống ở đâu… và nhiều sự cố khác có thể gặp phải khi chọn cách chạy xe máy về quê.

Tôi mặc kệ cậu ấy tìm kiếm “nhà tư vấn”, không gian của hai đứa bắt đầu rơi vào tĩnh lặng. Lúc ấy đã là 11h khuya. Tôi cũng rơi vào trạng thái chông chênh, thấy buồn nhưng không biết buồn điều gì.

Chẳng hiểu tại sao, cứ vào những ngày cuối năm tôi lại thấy buồn buồn, đặc biệt là từ 20 tháng chạp, ngày mà ai cũng háo hức chờ đến phút giây sum họp. Phố ngoài kia những ngày cuối năm đã bắt đầu tưng bừng, hối hả. Cuối năm ai cũng thấy mình bận rộn, vội vã hơn. Ai cũng mong chờ một năm mới tốt đẹp, an yên. Tôi cũng tự hỏi lòng, mình đã làm được gì và chưa làm được gì trọn vẹn trong một năm đầy biến động đi qua.

Cảnh hai quê, dù là nơi ở phố thị hiện thời, hay quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, đâu đâu cũng là nhà. Nhưng Tết đến, tâm hồn luôn hướng về quê, nơi có đàn trâu nhem nhuốc bùn đất đi về mỗi khi chiều rụng xuống. Tuổi thơ chôn chặt nơi quê nhà, mọi thứ đẹp đẽ tinh khôi, một tâm hồn không sân si lục lọi vẫn còn nơi đó. Mỗi khi nhớ về, hương đất chốn quê lại thoang thoảng, mấp mé dâng lên vùng đầu nặng nợ gánh cơm.

Có lẽ, những người như Trung, chưa khi nào hành trình về nhà, sự sum họp đoàn viên lại có ý nghĩa đặc biệt đến như vậy trong mùa Tết năm nay, khi chỉ một chữ “về” cất lên đã gói trọn tất cả tâm tư của bao con người tha phương cầu thực. Một năm làm ăn thất bát, một năm mất mát và nhiều âu lo lại càng khiến người ta trân quý hơn những giây phút quây quần.

Năm Tân Sửu dần khép lại, các kế hoạch của năm còn dang dở. “Nhưng không sao, mình sẽ làm lại. Sẽ là một hành trình mới, kế hoạch mới. Mình tin và mong những điều tốt đẹp vẫn còn phía trước, mọi chuyện tự khắc sẽ được an bài”, Trung mỉm cười.

3. Cuối năm rồi đấy. Tôi chạy lướt qua Ga Sài Gòn, có ai ngờ rằng, cũng chính trên con đường này, chỉ năm ngoái thôi, người xe vẫn nhộn nhịp, phố phường vẫn tất bật khi bà con í ới nhau về ăn Tết. Vậy mà giờ đây, mọi thứ ở khu vực này đã khác hẳn. Chưa bao giờ tôi sợ sự tĩnh lặng của Sài Gòn đến thế.

Năm qua, từ mà chúng ta nghe nhiều nhất là “mất”. Chúng ta ngày nào cũng như đang đi trên một sợi dây, vừa run, vừa lo, vừa sợ ngã. Chỉ khi ở lằn ranh sinh - tử mới thấy được ý nghĩa của cuộc sống và cảm thấy được sống bình an đã là hạnh phúc lớn nhất của con người.

Cũng giống như Trung, từ khi nhìn thấy sự nghiệt ngã của cuộc đời, cậu từ từ học cách “cứu lấy mình” và rút ra được chân lý rằng, được sống đã được coi là một may mắn lớn nhất!

Năm qua với tôi cũng không có gì nổi bật, nhưng thật lòng mà nói, đôi khi mình thấy cảm ơn một năm gian khó đã qua, vì nhờ có những khó khăn đó, tôi nhận ra nhiều điều và trân quý hơn từng phút giây mình đang sống.

Tin bài liên quan