Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại hội nghị.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngoài các đại biểu chuyên trách còn có 19 đại biểu không chuyên trách đăng ký tham dự hội nghị.
Liên quan đến Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, lúc đầu ý kiến khác nhau rất nhiều, sau khi Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Chính phủ thì các bên nghiên cứu tiếp thu rất nhanh, đến nay đã cơ bản thống nhất về những vấn đề lớn của dự thảo.
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Dự thảo Luật hiện nay gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư.
Thường trực Ủy ban Kinh tế xin tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), ông Thanh nêu rõ.
Một trong những vấn đề được đề cập tại báo cáo giải trình là chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (Điều 78).
Thảo luận tại kỳ họp thứ tư có ý kiến đề nghị nghiên cứu, lựa chọn phương án tối ưu quy định về việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật, Điều lệ và các nguyên tắc của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đề nghị quy định rõ việc chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên, tránh nguy cơ tổ chức, cá nhân tham gia có khả năng thay đổi địa vị pháp lý để thâu tóm chi phối, thậm chí là chiếm hữu vốn, quỹ, tài sản tích lũy không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Có ý kiến đề nghị nên giải quyết để các thành viên ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi không còn nhu cầu gắn bó hoặc các tổ chức kinh tế khác nếu có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tự nguyện xin tham gia thì có thể thực hiện theo quy định của Luật và để Điều lệ quy định về việc kết nạp thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Báo cáo tại phiên họp tháng 3/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc tham gia, rút ra, chuyển nhượng là quyền của các thành viên, nếu chỉ vì sợ việc này làm méo mó bản chất của hợp tác xã nên không cho chuyển nhượng thì có lẽ là cũng không ổn.
"Có thể vẫn cho phép nhưng phải đảm bảo nguyên tắc hoạt động quy định trong điều lệ là phải đúng tôn chỉ, bản chất của hợp tác xã. Nếu cả hai bên bán và mua đều đồng ý chuyển nhượng mà vẫn đảm bảo tôn chỉ đó, vẫn đảm bảo mục tiêu đó thì không có lý do gì ta lại không cho, sẽ làm hạn chế quyền tự do, tính linh hoạt cũng như nguyên tắc mở của Liên minh Hợp tác xã quốc tế. Chúng tôi đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép dự thảo ghi theo nguyên tắc chung, còn chi tiết thì sẽ quy định trong điều lệ", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu và chỉnh lý quy định tại Điều 78 theo hướngcho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và với các thành viên hiện hữu nhằm bảo đảm sự ổn định về cơ cấu thành viên và bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khi có nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp cũng như tạo điều kiện cho các thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn có thể chuyển đổi thành thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn với mức vốn góp tối đa của mỗi thành viên chính thức không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã.
Tổng phần vốn góp tối đa của tất cả thành viên liên kết góp vốn không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã.
Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các thành viên khác không nhận chuyển nhượng phần vốn góp và thành viên không còn nhu cầu là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì có thể xin ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chấm dứt tư cách thành viên, được trả lại phần vốn góp theo quy định của Luật này và Điều lệ.
Theo ông Thanh, Dự thảo Luật không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định như vậy phản ánh đúng bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội và tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hóa hợp tác xã”, hạn chế việc thâu tóm, chi phối hoạt động hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của một số tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối với một số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.
Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023).