Từ chuyện ở Metrople
Trong cuốn sách giải thích cặn kẽ xu hướng toàn cầu hóa có nhan đề “Chiếc Lexus và cây Ô liu”, nhà báo nổi tiếng Thomas L.Friedman mở đầu với trải nghiệm hài hước tại Khách sạn Metropole Hà Nội.
Ông kể, đầu năm 1995, ngồi ăn tối một mình tại khách sạn, thèm quýt tráng miệng. Ban ngày, loại trái cây này ông thấy người ta đứng bán từng thúng chất cao ngất, vàng óng, nhìn ngon mắt trên đường phố trung tâm. Trong sự ngạc nhiên của cây viết chuyên mục quốc tế của New York Times, người phục vụ của Khách sạn Metropole lễ phép: “Xin lỗi ông, hết quýt rồi”.
Friedman hơi bực: “Sao thế? Sáng nào tôi cũng thấy cả bàn đầy quýt trong bữa sáng, chắc trong bếp phải có chứ?”. “Xin lỗi. Hết rồi. Hay ông dùng dưa hấu?”, người phục vụ xoa dịu. “Thôi cũng được, cho tôi dưa hấu vậy”, Friedman miễn cưỡng. Người phục vụ đi xuống nhà bếp. Năm phút sau, anh quay lại với đĩa quýt trên tay. “Tôi đã tìm ra quýt, nhưng không có dưa hấu”, anh ta thông báo.
Khó ai biết câu chuyện được nhà báo từng được giải thưởng Pulitzer viết trong cuốn sách được in và bán hàng triệu bản có lý do khả năng hạn chế ngoại ngữ của người phục vụ, dịch vụ của khách sạn chưa tốt, hay hệ thống hậu cần nhà bếp hôm ấy trục trặc… Tuy nhiên, hai thập niên trước, rõ ràng sự sẵn sàng hội nhập của Việt Nam khá mờ nhạt.
Không chỉ câu chuyện dịch vụ của một khách sạn bậc nhất ở Hà Nội thời điểm đó, mà tìm đỏ mắt không ra một cao ốc văn phòng cho thuê tại đây.
Ở TP. HCM, thị trường năng động hơn, nhưng khi ấy, những cao ốc đầu tiên như Saigon Center, Sunwah mới đang được khởi công xây dựng, “lót ổ” cho sự xuất hiện của các tập đoàn đa quốc gia.
Về doanh nghiệp nội địa, 20 năm trước, những “người khổng lồ” hiện tại như Vinamilk, PV Gas… là những xí nghiệp bé xíu, các tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh Vingroup, Masan Group thậm chí còn chưa ra đời. TTCK Việt Nam 5 rưỡi năm sau đó mới đánh tiếng cồng khai trương, với hai doanh nghiệp tiên phong lên sàn, công khai, minh bạch tình hình hoạt động là REE và SAM.
Định lượng về con số, năm 1995, GDP của Việt Nam là 20,8 tỷ USD, tương đương khoảng 6 tuần sản xuất hiện nay. GDP bình quân đầu người đạt 289 USD, đứng thứ 10 khu vực, bằng 1/7 so với năm 2015.
… đến “hậu” WTO
Trong cuốn sách bán rất chạy của mình, Thomas L.Friedman chỉ ra sự hội nhập này về tư bản, công nghệ và thông tin xuyên qua biên giới quốc gia - hội tụ nông dân Trung Quốc, giới doanh nhân Indonesia, kỹ thuật viên ở thung lũng Silicon vào một “ngôi làng toàn cầu” chung, ẩn chứa những cơ hội và xung đột. Và câu chuyện về ASUSTeK gần đây là một ví dụ tiêu biểu về tận dụng nhận định này.
Năm 2014 - 2015, thị trường Việt Nam xuất hiện những chiếc smartphone giá rẻ, cấu hình mức trung bình khá, thương hiệu AsusZenfone do ASUSTeK, một công ty đến từ Đài Loan sản xuất. Ít người sử dụng quan tâm tìm hiểu sâu hơn về lịch sử thương hiệu mới mẻ này.
Sự thực, ban đầu ASUSTeK là công ty sản xuất một số bảng mạch điện tử cho Hãng máy tính Dell của Mỹ. Sự hợp tác ấm nồng, một ngày lãnh đạo ASUSTeK bay qua Mỹ đề xuất với Dell chuyển giao hẳn khâu sản xuất bo mạch cho họ: “Giảm thêm 20% chi phí, các ông giữ nguyên doanh thu. Lợi nhuận tăng. Suy cho cùng, các ông mất gì đâu khi sản xuất bo mạch điện tử đâu có phải là năng lực lõi của Dell?”.
Mật rót vào tai, Dell đồng ý cái rụp. Hãng máy tính Mỹ dần dần nhả ra các công đoạn cho nhà thầu Đài Loan: lắp ráp, cung ứng thiết bị rồi cả thiết kế. Và thế rồi, một ngày đẹp trời, khi ấy đã làm chủ được công nghệ, ASUSTek gửi lời chào hấp dẫn đến Mỹ. Nhưng thông điệp lần này không phải là Dell, mà là hướng vào các siêu thị: “Hãy bán máy tính ASUSTeK. Chất lượng chẳng thua kém gì Dell, mà giá thấp hơn những 20%!”.
10 năm sau trải nghiệm “quả quýt” của Thomas L.Friedman ở Hà Nội, bộ mặt Việt Nam đã thay đổi đáng kể với những cao ốc, khách sạn, nhà máy, đường cao tốc mọc lên khắp nơi. Một trong các cột mốc đáng nhớ nhất trong những năm đầu của thiên niên kỷ mới là sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO năm 2006.
Sự hào hứng của nhà đầu tư nước ngoài và giới đầu tư trong nước đã tạo những kỷ lục: trên TTCK, VN-Index chạy lấy đà trong năm 2006 và đạt đỉnh 1.170,67 điểm vào ngày 12/3/2007; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2007 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 93% so với năm 2006; tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng 46,5%; dư nợ tín dụng tăng 54%..., đưa tốc độ tăng GDP năm 2007 đạt 8,5%, mức cao nhất của kinh tế Việt Nam trong hai thập niên qua.
Nhìn lại, chuyện Việt Nam gia nhập WTO ban đầu được đánh giá như một cơ hội đặc biệt để nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nội địa nói riêng cất cánh. Nhưng rồi kết quả cho thấy, hầu như chưa có doanh nghiệp đáp ứng được kỳ vọng, đó là tận dụng được cơ hội vươn xa, học hỏi về công nghệ, tri thức tham gia vào “ngôi làng toàn cầu” theo cách của ASUSTeK.
Trong khi đó, phép thử nghiệt ngã với cơ hội (tưởng như dễ) làm giàu từ địa ốc, chứng khoán, ngân hàng… bùng phát và kéo theo các hệ lụy ngổn ngang: lạm phát, nợ xấu ngân hàng, bong bóng rồi đóng băng địa ốc, chứng khoán lên cơn sốt rồi lao dốc..., trong đó một số hệ lụy đến tận hôm nay vẫn còn đang phải giải quyết.
Đáng chú ý, nền kinh tế chứng kiến sự trượt dài của một bộ phận doanh nghiệp, cả ở khu vực nhà nước và tư nhân như: Vinashin, Vinalines, Ocean Bank, Thiên Thanh. Số doanh nghiệp vươn lên, tận dụng chất xúc tác - nguồn tài chính, vốn đầu tư nước ngoài, khẳng định mình trong 10 năm qua mang diện mạo mới như Vinamilk, Vingroup, Masan… đếm trên đầu ngón tay và hầu hết sức bật đến từ người tiêu dùng trong nước, chứ chưa hẳn đến từ “ngôi làng chung toàn cầu”.
Cơ hội mới
Nhưng nhìn lui luôn dễ hơn nhìn tới. Năm 2016, Việt Nam đứng trước cơ hội phát triển mới, tham gia sâu hơn vào “ngôi làng toàn cầu”, khi nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hoàn tất đàm phán, dự kiến các nước sẽ chính thức ký kết trong quý I/2016 và có hiệu lực 2 năm sau đó. Việt Nam được xem là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất với tư cách là một trong các quốc gia kém phát triển nhất trong một hiệp định mà phần lớn các nước phát triển tham gia, bao gồm hai trong số các đối tác lớn nhất (Mỹ, Nhật Bản) và hầu như chưa có các đối thủ xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp.
Tuy nhiên, lần này, sự lạc quan trên TTCK diễn ra vừa phải, không khí “tiệc tùng” trên sàn chứng khoán không diễn ra trên diện rộng khi TPP hay các hiệp định thương mại tự do không phải là “cây đũa thần” mang lại sự tăng trưởng Thánh Gióng theo kiểu ASUSTeK.
Chẳng hạn, nhìn sâu hơn vào bảng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây, ngoài lĩnh vực nông nghiệp và dệt may, phần còn lại trong Top 10 đều do các doanh nghiệp FDI thống lĩnh (điện thoại và linh kiện; máy tính, linh kiện điện tử; máy móc, thiết bị, phụ tùng; đồ gỗ…). Nói cách khác, bài học cũ, dù phải trả học phí đắt cũng có mặt tích cực khi giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhìn nhận cơ hội mới một cách thực tế hơn.
“Chúng tôi đã tìm được một số địa chỉ đầu tư và tiếp tục săn tìm các công ty tiềm năng trong lĩnh vực logictics”, ông Vũ Quang Thịnh, Tổng giám đốc Vietnam Holding, một trong các quỹ đầu tư nước ngoài có quy mô trung bình, hoạt động hiệu quả nhất ở Việt Nam trong khoảng hai năm trở lại đây chia sẻ.
Theo lập luận của ông Thịnh, tham gia các hiệp định thương mại, chưa biết khối doanh nghiệp nội địa hay FDI tận dụng được cơ hội tốt hơn, nhưng chắc chắn lượng nhập khẩu nguyên liệu đến và xuất khẩu hàng hóa đi sẽ tăng.
“Bất kể kịch bản thế nào thì các công ty logictics sẽ tăng trưởng”, ông Thịnh nói.
Các nhà nghiên cứu, học giả quốc tế chỉ ra lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là du lịch, nông nghiệp. Năm qua, khối kinh tế tư nhân đã có nhiều bước dịch chuyển đáng chú ý: sau khi lấn sân sang bán lẻ, thương mại điện tử, Tập đoàn Vingroup hình thành nhánh kinh doanh mới -VinEco (sản xuất sản phẩm nông nghiệp), với 2.000 tỷ đồng “vốn mồi”; Masan Group thực hiện thêm các thương vụ M&A tầm cỡ để đặt chân vào thị trường cung cấp chất đạm; doanh nhân Nguyễn Duy Hưng ra mắt The Pan Group với tham vọng khép kín chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp…
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup khiêm tốn nói: “Tôi nghĩ, những gì Vingroup làm được còn quá ít, quá nhỏ bé. So với quy mô nền kinh tế của mình cũng vẫn nhỏ bé, chưa nói gì đến so với thế giới. Còn quá nhiều việc phải làm”. Trong khi đó, Masan Group khá kín tiếng, nhưng vẫn đang hành động. The Pan Group dù không ồn ào, nhưng thể hiện tham vọng vươn xa ở sân chơi toàn cầu qua slogan: “Born to feed the world - Khát vọng nuôi dưỡng thế giới”.
Lịch sử hội nhập chưa lâu của Việt Nam gợi mở cho một số công ty tư nhân nòng cốt tiên phong một “chiến lược nghiêng”, tận dụng lợi thế so sánh của Việt Nam với phần còn lại của “ngôi làng thế giới” để viết tiếp câu chuyện “Chiếc Lexus và Cây Ô liu”? Cùng chờ nhé!