Trong một báo cáo hôm thứ Năm (23/3), công ty nghiên cứu Wood Mackenzie cho biết, việc Trung Quốc mở cửa trở lại là “động lực thúc đẩy nhu cầu lớn nhất” để phục hồi nhu cầu dầu mỏ trong năm nay, và kỳ vọng quốc gia này sẽ chiếm khoảng 40% nhu cầu dầu phục hồi trên toàn cầu.
“Việc di chuyển trở lại bình thường ở Trung Quốc là động lực thúc đẩy nhu cầu lớn nhất, chiếm 1 triệu thùng/ngày trong mức tăng 2,6 triệu thùng/ngày trong năm nay”, báo cáo cho biết. Điều đó có nghĩa là 38,5% phục hồi nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đến từ Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Moscow mới đây đã khẳng định hợp tác kinh tế với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiều năm tới, trong đó có vấn đề an ninh năng lượng. Trong chuyến thăm Ả Rập Xê Út, ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định trên thị trường dầu mỏ.
“Trừ một cuộc suy thoái nghiêm trọng, chúng tôi dự báo giá dầu Brent sẽ tăng từ mức hiện tại lên mức trung bình 89,40 USD/thùng vào năm 2023”, báo cáo cho biết. Giá dầu Brent hiện đang giao dịch ở mức 76 USD/thùng.
Wood Mackenzie khá lạc quan về tăng trưởng toàn cầu trong năm nay bất chấp việc Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo về một con đường gập ghềnh phía trước.
Các nhà nghiên cứu cho biết trong báo cáo: “Chúng tôi không dự đoán một cuộc suy thoái toàn cầu trong năm nay, bất chấp những bất ổn gần đây trên thị trường tài chính toàn cầu sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng suy thoái kinh tế trên khắp các nền kinh tế phương Tây sẽ tiếp tục trong vài tháng trước khi đạt đến một bước ngoặt vào nửa cuối năm 2023”.
Trong kịch bản tăng trưởng cao, Wood Mackenzie kỳ vọng các quan chức Trung Quốc sẽ chuyển sang các biện pháp kích thích nền kinh tế bằng cách thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, điều mà họ dự báo sẽ nâng mức tăng trưởng xây dựng lên hơn 10% vào năm 2023.
Wood Mackenzie dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7% trong kịch bản đó.
Trong loạt công bố dữ liệu kinh tế mới nhất, Trung Quốc đã ghi nhận một khởi đầu khá im ắng trong năm hậu Covid, với sản lượng công nghiệp trong những tháng đầu năm thấp hơn kỳ vọng của thị trường.
Chính phủ Trung Quốc chỉ đặt mục tiêu thận trọng cho tăng trưởng GDP năm nay là “khoảng 5%”. Tuy nhiên, Wood Mackenzie cho biết, sự tăng trưởng GDP trong lịch sử của Trung Quốc có thành tích vượt xa dự báo của chính phủ. Cụ thể, trong 18 năm qua, có 12 năm có mức tăng trưởng vượt quá mục tiêu.
“Kịch bản của chúng tôi là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7% vào năm 2023 và 5,5% vào năm 2024”, báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Oxford Economics cho rằng, các biện pháp của chính phủ như tập trung vào việc kiềm chế các vấn đề nợ của chính quyền địa phương, hạn chế chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, kéo theo nhu cầu yếu, sẽ khiến kinh tế phục hồi chậm.