“Chúng tôi đang nghe nhiều người gợi ý rằng, omicron sẽ là biến thể cuối cùng và đại dịch sau đó sẽ kết thúc. Tuy nhiên, khả năng này là rất khó vì loại virus này đang lây lan với mức độ dữ dội trên khắp thế giới”, Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO cho biết.
Theo WHO, số ca nhiễm mới đã tăng 20% trên toàn cầu trong tuần qua với tổng số gần 19 triệu ca được báo cáo. Trong khi đó, bà Van Kerkhove lưu ý rằng, những ca lây nhiễm mới không được báo cáo sẽ khiến con số thực cao hơn nhiều.
Tiến sĩ Bruce Aylward, một quan chức cấp cao của WHO đã cảnh báo mức độ lây truyền cao sẽ tạo cơ hội cho virus nhân bản và đột biến nhiều hơn, làm tăng nguy cơ xuất hiện một biến thể mới.
“Chúng tôi không hiểu hết hậu quả của việc virus này hoạt động. Hầu hết những gì chúng tôi thấy cho đến nay ở các khu vực lây truyền không được kiểm soát, là chúng tôi đã phải trả giá cho các biến thể xuất hiện và những bất ổn mới mà chúng tôi phải quản lý”, ông cho biết.
Bà Van Kerkhove cho biết, bây giờ không phải là lúc để nới lỏng các biện pháp chăm sóc sức khỏe cộng đồng như hạn chế đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Bà kêu gọi các chính phủ tăng cường các biện pháp đó để kiểm soát virus tốt hơn và ngăn chặn làn sóng lây nhiễm trong tương lai khi các biến thể mới xuất hiện.
“Nếu không làm điều này ngay bây giờ, chúng ta sẽ chuyển sang cuộc khủng hoảng tiếp theo. Do đó, chúng ta cần phải chấm dứt cuộc khủng hoảng đang gặp phải. Điều này chúng ta có thể làm được ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, đừng từ bỏ khoa học. Đừng từ bỏ các chiến lược đang hoạt động giúp chúng ta và những người thân yêu của chúng ta được an toàn”, bà Van Kerkhove cho biết.
Bà Van Kerkhove đang kêu gọi các chính phủ đầu tư nhiều hơn vào các hệ thống giám sát để theo dõi virus khi nó đột biến.
“Đây sẽ không phải là biến thể cuối cùng”, bà nhấn mạnh.
Vào tháng 12, một nhóm các nhà khoa học Nam Phi đã công bố một nghiên cứu nhỏ cho thấy những người bị nhiễm biến thể omicron có thể được tăng cường khả năng bảo vệ miễn dịch chống lại biến thể delta.
Một nhóm nghiên cứu đang phát triển cũng đã phát hiện ra rằng, những người bị nhiễm biến thể omicron thường không bị bệnh như những người bị nhiễm biến thể delta.
Tuy nhiên, cố vấn y tế chính của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci vừa cho biết, vẫn còn quá sớm để dự đoán liệu biến thể omicron có đánh dấu làn sóng cuối cùng của đại dịch hay không.
“Tôi hy vọng khả năng đó, nhưng đó chỉ là trường hợp nếu chúng tôi không nhận ra một biến thể khác loại bỏ phản ứng miễn dịch của biến thể trước đó”, ông cho biết.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreysus cho biết, các ca nhiễm mới đang đạt đỉnh ở một số quốc gia và mang lại hy vọng rằng thời kỳ tồi tệ nhất của làn sóng lây nhiễm biến thể omicron đã qua. Tuy nhiên, ông Tedros cho biết, vẫn chưa có quốc gia nào thoát khỏi tình trạng nguy hiểm, đồng thời cảnh báo rằng, các hệ thống chăm sóc sức khỏe vẫn đang chịu áp lực từ làn sóng lây nhiễm chưa từng có.
WHO đã nhiều lần cảnh báo rằng việc phân phối vắc xin không đồng đều trên toàn thế giới đã dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp ở các nước đang phát triển, khiến một quần thể rộng lớn dễ bị tổn thương trước sự xuất hiện của các biến thể mới. WHO đã đặt mục tiêu mỗi quốc gia phải tiêm vắc xin cho 40% dân số vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, 92 quốc gia đã không đạt được mục tiêu đó.
“Đại dịch này chưa bao giờ kết thúc và với sự phát triển đáng kinh ngạc của biến thể omicron trên toàn cầu trong khi các biến thể mới luôn có khả năng xuất hiện, đó là lý do tại sao việc theo dõi và đánh giá vẫn rất quan trọng”, ông cho biết.