Theo đó, trung tâm mới về tình báo, dữ liệu, giám sát và phân tích đại dịch và dịch bệnh sẽ có trụ sở tại Berlin, thủ đô nước Đức, nhưng sẽ có sự hợp tác toàn cầu của các quốc gia và đối tác trên toàn thế giới.
WHO cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư (5/5) rằng trung tâm này dự kiến sẽ chính thức mở cửa vào cuối năm nay và được xem là một cách để tạo ra mạng lưới dữ liệu toàn cầu rộng lớn “để dự đoán, ngăn chặn, phát hiện và chuẩn bị đối phó với các nguy cơ đại dịch và dịch bệnh trên toàn thế giới”.
Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết rằng “một trong những bài học của Covid-19 là thế giới cần có một bước tiến đáng kể trong phân tích dữ liệu để giúp các nhà lãnh đạo đưa ra các quyết định về sức khỏe cộng đồng”.
“Điều này đòi hỏi phải khai thác tiềm năng của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, kết hợp các nguồn dữ liệu đa dạng và cộng tác trên nhiều lĩnh vực. Dữ liệu tốt hơn và phân tích tốt hơn sẽ dẫn đến các quyết định tốt hơn”, ông lưu ý tại một cuộc họp báo thông báo về việc thành lập trung tâm.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết rằng đại dịch Covid-19 hiện tại “đã dạy chúng ta rằng chúng ta chỉ có thể cùng nhau chống lại đại dịch và dịch bệnh. Trung tâm WHO mới sẽ là một nền tảng toàn cầu để ngăn chặn đại dịch, tập hợp các tổ chức chính phủ, học thuật và khu vực tư nhân khác nhau”.
Thủ tướng Đức hoan nghênh quyết định của WHO về việc đặt trung tâm ở Berlin mặc dù WHO khẳng định rằng trung tâm này sẽ là sự hợp tác toàn cầu của các quốc gia thành viên của WHO và các tổ chức khu vực công và tư nhân, học viện và mạng lưới đối tác quốc tế.
Tiến sĩ Michael Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Cấp cứu Y tế của WHO cho biết, việc tìm nguồn tài trợ cho trung tâm vẫn đang tiếp tục mặc dù chi phí khởi động đã được Đức đài thọ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Jens Spahn nhận xét rằng thế giới cần phải “xác định các nguy cơ đại dịch và dịch bệnh càng nhanh càng tốt, dù chúng xảy ra ở đâu trên thế giới. Vì mục tiêu đó, chúng ta cần tăng cường hệ thống giám sát cảnh báo sớm toàn cầu với việc cải thiện việc thu thập dữ liệu liên quan đến sức khỏe và phân tích rủi ro liên ngành”.
Đại dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2019 và cho đến nay đã có hơn 154 triệu trường hợp lây nhiễm được báo cáo trên toàn thế giới.
Nguồn gốc của đại dịch vẫn chưa rõ ràng và các nhà báo cũng có nhiều câu hỏi trong hôm thứ Tư (5/5) về việc làm thế nào và liệu WHO có thể đảm bảo rằng dữ liệu sẽ được chia sẻ công khai với trung tâm này hay không khi tiếp tục suy đoán về sự bùng phát ban đầu của Covid-19 và liệu Trung Quốc có trì hoãn cảnh báo hay không phần còn lại của thế giới với sự hiện diện của virus mới.
Đầu năm nay, các chuyên gia toàn cầu do WHO và một nhóm quan chức Trung Quốc tập hợp đã điều tra nguồn gốc của virus nhưng không đưa ra kết luận cụ thể nào.
WHO cho rằng “rất có thể” virus này bắt nguồn từ động vật trước khi lây sang người và bác bỏ giả thuyết rằng căn bệnh này có thể đã bị rò rỉ bởi một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu đề xuất nghiên cứu sâu hơn trong mọi lĩnh vực ngoại trừ giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm.