WHO: Đại dịch Covid-19 có thể được kiểm soát vào năm tới "nếu chúng ta thực sự may mắn"

WHO: Đại dịch Covid-19 có thể được kiểm soát vào năm tới "nếu chúng ta thực sự may mắn"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Hai (19/7), các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, thế giới có thể kiểm soát Covid-19 vào năm tới "nếu chúng ta thực sự may mắn".

Ngay cả khi biến thể delta nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu, các quan chức WHO vẫn lạc quan rằng, các nhà lãnh đạo thế giới có thể kiểm soát được đại dịch vào năm tới.

“Tôi muốn nói rằng đại dịch sẽ kết thúc vào năm nay nhưng tôi thực sự không nghĩ vậy. Nếu chúng ta thực sự may mắn, chúng ta sẽ kiểm soát được nó vào năm tới”, Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình cấp cứu sức khỏe của WHO cho biết.

Tiến sĩ Mike Ryan cho biết đại dịch có thể kết thúc sớm hơn nếu các quốc gia đảm bảo vắc xin được phân phối công bằng cho các quốc gia nghèo hơn, thực hiện giãn cách xã hội và tài trợ đầy đủ cho các bệnh viện.

Ông cho biết, các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao có thể chứng kiến ​​đại dịch kết thúc sớm hơn, đồng thời chỉ trích các nhà lãnh đạo thế giới vì đã không chia sẻ kho dự trữ vắc xin của họ nhiều nhất có thể cho các quốc gia nghèo hơn.

Trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove cho biết, nhiều nơi trên thế giới vẫn đang gia tăng số ca mắc bệnh. "Trong 7 ngày qua, đã có 11,5% số ca mắc mới và tăng 1% số ca tử vong trên toàn cầu”, bà cho biết.

Trong tuần trước, nhiều khu vực trên thế giới ghi nhận số ca mắc mới tăng. Châu Âu tăng gần 21%, Đông Nam Á tăng 16,5%, khu vực Tây Thái Bình Dương tăng khoảng 30% và khu vực Đông Địa Trung Hải ghi nhận mức tăng 15%.

Số ca tử vong do Covid-19 cũng đã tăng lên ở bốn trong số sáu khu vực trong 7 ngày qua. Tây Thái Bình Dương có số người tử vong tăng 10%, Đông Nam Á tăng 12%, Đông Địa Trung Hải tăng 4% và khu vực châu Phi vẫn đang hứng chịu mức tăng đột biến gần đây.

Các biến thể mới có thể gây ra tăng đột biến trong các trường hợp đột phá vẫn là một khả năng. “Biến thể delta sẽ không phải là biến thể cuối cùng mà bạn nghe thấy chúng tôi nói đến”, bà Van Kerkhove cho biết.

Nếu tốc độ tiêm chủng chậm chạp, trong khi nhiều nước mở cửa kinh tế, nới lỏng đi lại thì nguy cơ xuất hiện một biến thể nguy hiểm hơn càng cao. Các quan chức của WHO cho rằng, việc đi lại quốc tế chỉ nên thực hiện nếu thực sự cần thiết.

“Mọi thứ bạn làm trong một đại dịch đều làm tăng hoặc giảm rủi ro, vì vậy chúng ta nên giảm thiểu rủi ro”, Tiến sĩ Mike Ryan cho biết.

Tin bài liên quan