Thành quả từ chuyển đổi số
Phát biểu tại sự kiện, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký VNBA cho biết, Chính phủ đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Vì vậy, hầu hết các NHTM đều xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ứng dụng trên môi trường điện tử, gia tăng trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ ngành ngân hàng đến người tiêu dùng, góp phần không nhỏ vào thành quả chuyển đổi số quốc gia nói chung và ngành ngân hàng nói riêng trên một số mặt.
Thứ nhất, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng cả về số lượng và giá trị đồng thời góp phần thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Cụ thể, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đã đạt 87%, vượt mục tiêu 80% vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt trung bình hàng năm đạt hơn 50%.
Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 7,83 tỷ giao dịch, với giá trị đạt 134,9 triệu tỷ đồng (tăng 58,23% về số lượng và 35,01% về giá trị); qua kênh Internet tăng 51,15% về số lượng và 33,94% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 55,54% về số lượng và 34,91% về giá trị, giao dịch qua QR Code tăng 106,91% về số lượng và 109,67% về giá trị; qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 7,00% về số lượng và 33,77% về giá trị; Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 31,60% về số lượng và 16,48% về giá trị.
![]() |
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký (VNBA) phát biểu tại sự kiện |
Thứ hai, thông qua chuyển đổi số, các ngân hàng cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ thiết thực, tăng tính trải nghiệm cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện thành công đề án 06 của chính phủ. Những công nghệ hiện đại như xác thực sinh trắc học, thanh toán một chạm qua mã QR đã được áp dụng.
Ngoài ra, công nghệ dữ liệu lớn (big data) và thực tế ảo (virtual reality) cũng được áp dụng trong hoạt động cho vay và cấp tín dụng cho cá nhân và doanh nghiệp, giúp kết nối thanh toán trực tuyến cho nhiều loại phí, thuế và dịch vụ. Bên cạnh đó, Các ngân hàng hiện đang tích cực ứng dụng AI trong 2 lĩnh vực chính, đó là quản trị và phân tích dữ liệu phục vụ cho công tác dự báo và điều hành kinh doanh và phát hiện những rủi ro gian lận và rửa tiền phục vụ công tác quản trị rủi ro và tuân thủ.
Thứ ba, đẩy mạnh khai thác, phát triển dịch vụ công trực tuyến, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia một cách có hiệu quả. Hơn 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trực tuyến, với gần 14,6 triệu tài khoản và 46,2 triệu hồ sơ nộp qua Cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến, tổng số tiền lên tới hơn 12,9 nghìn tỷ đồng.
Chuyển đổi số: áp lực từ nội tại
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán bên lề sự kiện, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, ngành ngân hàng luôn tự hào là một trong những ngành chuyển đổi số rất tốt tại Việt Nam bởi không nói chuyển đổi số trên lý thuyết ứng dụng rất nhiều trong việc phục vụ khách hàng hàng ngày. Bên cạnh đó, các ngân hàng phải cạnh tranh với các Fintech, ví điện tử… áp lực này cũng thúc đẩy ngành ngân hàng phải chuyển đổi số nhanh hơn nữa để kịp cạnh tranh trên thị trường
“Đáng chú ý, hiện tại chúng ta đều nghe nói về dữ liệu lớn, dữ liệu tập trung… và đây cũng là một áp lực để ngành ngân hàng làm sao tận dụng được cơ hội này giúp cho ứng dụng của ngân hàng không chỉ phù hợp với nhu cầu mà còn thông minh hơn, hấp dẫn hơn, tiện dụng hơn cho khách hàng để cạnh tranh trên thị trường”, ông Lân nói.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Praveen Venu, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Kinh doanh Tradepass cho biết, chuyển đổi số hiện là nhu cầu cấp thiết đối với tất cả các lĩnh vực. Riêng đối với ngành dịch vụ tài chính, quá trình chuyển đổi số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt tại Việt Nam. Tradepass đã ghi nhận sự quan tâm rất lớn từ các ngân hàng số, các nhà cung cấp công nghệ - những đơn vị mong muốn thể hiện năng lực và chuyên môn của mình trước các tổ chức tài chính tại Việt Nam.
![]() |
Ông Praveen Venu, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Kinh doanh Tradepass |
Cũng theo ông Praveen Venu, mỗi năm, sự kiện đều phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng, đặc biệt, năm nay, đã thu hút được hơn 500 đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực dịch vụ tài chính từ hầu hết các ngân hàng lớn trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, sự kiện không chỉ nhận được sự quan tâm từ phía đại biểu, mà còn từ rất nhiều nhà cung cấp công nghệ - những đơn vị tin tưởng và sẵn sàng đồng hành cùng một chủ đề tầm vóc vào đúng thời điểm hiện tại cho thấy, tác động của ngân hàng số tại Việt Nam là vô cùng to lớn.
“Các chủ đề liên quan đến công nghệ thế hệ mới như ngân hàng số, AI trong ngân hàng, an ninh mạng trong lĩnh vực tài chính, cũng như trải nghiệm khách hàng đang nhận được sự quan tâm rất lớn. Đây cũng là những chủ đề nổi bật và được thảo luận trong hai ngày của sự kiện”, ông Praveen Venu chia sẻ.
Năm định hướng lớn
Để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng theo xu hướng đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Cơ quan quản lý đã và đang triển khai nhiều chủ trương, chính sách quan trọng. Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng theo Quyết định 810 đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 50% hoạt động nghiệp vụ ngân hàng sẽ được số hóa hoàn toàn, đồng thời 70% giao dịch khách hàng được thực hiện trên các kênh số. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị nhấn mạnh đột phá về thể chế, về thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong các ngành, lĩnh vực.
Do đó, trong thời gian tới, ông Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung vào 5 định hướng lớn.
Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Xây dựng và cập nhật các quy định hỗ trợ chuyển đổi số ngân hàng theo Quyết định 810 về chuyển đổi số ngân hàng, QĐ 1364 ngày 05/03/2025 của Thống đốc NHNN về Kế hoạch ngành ngân hàng triển khai Nghị quyết 57 NQ/TW của Bộ Chính trị, đáng lưu ý là các chính sách, quy định về triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, thúc đẩy ngân hàng mở (open banking), tăng cường triển khai công nghệ, phân tích dữ liệu trong các hoạt động nghiệp vụ, cung ứng dịch vụ ngân hàng, triển khai mở rộng xác thực sinh trắc học.
![]() |
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước |
Thứ hai, đầu tư hạ tầng công nghệ. Nâng cấp các hệ thống thanh toán quốc gia, hệ thống thông tin tín dụng và các nền tảng dữ liệu liên ngành, đảm bảo vận hành liên tục, an toàn và hiệu quả.
Thứ ba, tăng cường an ninh mạng. Thúc đẩy hoặc triển khai các giải pháp phòng ngừa gian lận tài chính với nền tảng toàn ngành, giám sát rủi ro thời gian thực, ứng dụng AI trong phát hiện gian lận và tuân thủ các quy định mới về an ninh mạng như Thông tư 50 của Ngân hàng Nhà nước về an toàn, bảo mật trong cung cấp dịch vụ trực tuyến ngành ngân hàng.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực số ngành ngân hàng. Đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số cho cán bộ ngành ngân hàng, đồng thời phối hợp với các cơ sở giáo dục để xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng và thích ứng với kỷ nguyên số.
Thứ năm, thúc đẩy tài chính toàn diện. Tận dụng công nghệ, kênh số để phổ cập kiến thức, kỹ năng tài chính số, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng - tài chính cho các cộng đồng chưa được phục vụ đầy đủ, góp phần thực hiện tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam về tài chính toàn diện và phát triển kinh tế bền vững.
Sự kiện sẽ diễn ra trong hai ngày 14 - 15/4. Hội nghị lần này sẽ ra mắt Giải thưởng WFIS, nhằm vinh danh và ghi nhận những đơn vị xuất sắc nhất trong lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Việt Nam.