Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4 năm 2022 của Ngân hàng Thế giới cho biết, vốn FDI đăng ký đạt 3,9 tỷ USD trong tháng 3/2022, tăng 35,2% so với tháng trước, nhưng thấp hơn 15,2% so với một năm trước.
Vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do có một dự án điện khí hóa lỏng quy mô lớn trị giá 3,1 tỷ USD được cấp phép trong tháng 3/2021. Số lượng dự án FDI đăng ký mới trong tháng 3 tăng 28,7% (so cùng kỳ năm trước).
Theo Ngân hàng Thế giới, đây là diễn biến đầy hứa hẹn, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Hai phần ba tổng số vốn đăng ký là đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh mới của các doanh nghiệp mới, bao gồm một dự án nhà máy sản xuất đồ chơi trị giá 1,3 tỷ USD. Hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) tiếp tục phục hồi sau khi giảm vào năm 2020 và 2021, với giá trị trong tháng 3 tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm trước, ghi dấu chuỗi 6 tháng tăng trưởng liên tiếp.
Theo lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài trong khi đầu tư vào bất động sản cho thấy dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ sau khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ đầu đại dịch. Đầu tư vào bất động sản đạt 1,2 tỷ USD trong tháng 3, và 2,7 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm, vượt qua tổng vốn đăng ký vào lĩnh vực này trong cả năm 2021. Tỷ lệ giải ngân các dự án FDI đã được phê duyệt tăng 8,7% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 3, tháng tăng thứ 4 liên tiếp khi những hạn chế sau đợt phong tỏa liên quan đến COVID-19 nới lỏng.
Điểm đáng chú ý trong Báo cáo của Ngân hàng Thế giới là tín dụng đối với nền kinh tế trong tháng 3 ước tăng trưởng khoảng 15,9% (so cùng kỳ năm trước), tốc độ cao nhất kể từ tháng 1/2018, thể hiện nhu cầu tín dụng mạnh mẽ để tài trợ cho sự phục hồi các hoạt động kinh tế. Sau khi tăng lên trong tháng 2 do thiếu thanh khoản, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm về quanh mức 2,08% vào cuối tháng 3.
Tuy nhiên, mức lãi suất này vẫn cao hơn 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, cho thấy điều kiện tài chính đang thắt chặt trên thị trường trong nước. Thực tế, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tổng tiền gửi tăng từ 88% trong tháng 12/2021 lên khoảng 89,5% trong tháng 3, mức cao thứ hai trong hai năm qua. Tuy nhiên, lãi suất qua đêm liên ngân hàng vẫn thấp hơn lãi suất chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước, hiện đang ở mức 2,5%.
Cân đối ngân sách nhà nước ghi nhận bội thu 600 triệu USD trong tháng 3. Thu ngân sách tăng 16,9% (so cùng kỳ năm trước) nhờ các hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ, trong khi chi ngân sách giảm 8,6% (so cùng kỳ năm trước) do giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn. Trong quý I/2022, Chính phủ đã thu được một phần ba tổng dự toán thu và chi 19,7% tổng dự toán chi, dẫn đến bội thu 4,8 tỷ USD. Giải ngân đầu tư công chỉ đạt 11,7% dự toán được Quốc hội phê duyệt, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Thu ngân sách đạt kết quả vững chắc phản ánh thu từ dầu thô tăng 83,6% (so cùng kỳ năm trước), thuế trừ dầu thô tăng 7,1% (so cùng kỳ năm trước) và thu ngoài thuế tăng 38,3% (so cùng kỳ năm trước). Đặc biệt, thu từ thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng 11,2% (so cùng kỳ năm trước), tương đương tốc độ tăng trước đại dịch nhờ nhu cầu trong nước đang phục hồi.
Kho bạc Nhà nước phát hành trái phiếu chính phủ bằng nội tệ với tổng giá trị tương đương 386 triệu USD trong tháng 3, nâng tổng giá trị trái phiếu phát hành lên khoảng 1,8 tỷ USD trong quý I, tương đương 10,3% kế hoạch. Toàn bộ trái phiếu đã phát hành đều có kỳ hạn dài (10 năm trở lên). Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm trên thị trường sơ cấp tăng nhẹ lên 2,20% vào cuối tháng 3 từ mức 2,08% vào cuối năm 2021.
Trên thị trường thứ cấp, lợi suất trái phiếu chính phủ có kỳ hạn từ 7 năm trở xuống đã tăng 80-115 điểm cơ bản tính từ đầu tháng 02, cho thấy điều kiện tài chính trong nước đang thắt chặt, phù hợp với xu hướng tăng mặt bằng lãi suất tiền gửi và lãi suất liên ngân hàng.
Theo Ngân hàng Thế giới, giá tiêu dùng và giá sản xuất tăng đặt ra yêu cầu cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước vì lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế. Mặc dù giá tiêu dùng tăng chậm trong năm 2021 một phần do tổng cầu yếu, nhưng sự gia tăng giá hàng hóa trung gian và giá sản xuất trong 3 quý gần đây có thể ảnh hưởng đến các quyết định sản xuất và làm tăng giá tiêu dùng, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm.
Trong ngắn hạn, Ngân hàng Thế giới cho rằng, cần có biện pháp can thiệp chính sách có mục tiêu để loại bỏ tác động của giá cả tăng đối với người dân, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương. Chính sách tạm giảm thuế đối với xăng dầu mới được các cấp có thẩm quyền ban hành là một chính sách trong ngắn hạn như vậy mặc dù quyết định chọn giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có thể không phản ánh đúng mục tiêu về môi trường của các cấp có thẩm quyền.
Trong trung hạn, các biện pháp khác bao gồm một hệ thống đảm bảo xã hội có mục tiêu, hiệu quả và có khả năng ứng phó tốt hơn, giúp xây dựng khả năng chống chịu trong nền kinh tế. Nếu tình trạng giá cả tăng kéo dài thì nên cho phép nền kinh tế điều chỉnh và thích nghi với thay đổi giá cả. Các cấp có thẩm quyền cũng nên cân nhắc có những cải cách mang tính cấu trúc để giúp nâng cao năng suất của nền kinh tế và tăng tổng cung.
"Các biện pháp có thể áp dụng bao gồm giảm thuế đối với các hoạt động đầu tư cho sản xuất và đổi mới sáng tạo, giảm rào cản trong môi trường kinh doanh, giảm chi phí logistics, và đầu tư vào giáo dục và đào tạo kỹ thuật cho lực lượng lao động", Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhận định.