Kinh tế khu vực EAP với những tin tốt
Khởi động buổi công bố Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương (East Asia and Pacific-EAP) định kỳ 6 tháng sáng nay (2/10), ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực EAP của WB cho biết: "Hầu hết các nền kinh tế trong EAP đã hồi phục”. Trong đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam nổi bật nhất. Tiếp theo là Indonesia, Campuchia, Malaysia, Lào, Philippines… đã tăng trưởng cao hơn so với trước đại dịch. Tuy nhiên, vẫn còn Tonga, Vanuatu, Samoa, Myanmar… vẫn chưa hồi phục.
“Việt Nam là một trong những 'người hùng' của quá trình phục hồi kinh tế khu vực EAP”, ông Aaditya Mattoo nhấn mạnh và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 là 4,7%, thấp hơn so với bình thường rất nhiều do nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Trong khi, bối cảnh hiện nay, lĩnh vực này đang gặp những hạn chế, cùng với đó là lực cầu nội địa ở mức vừa phải. Dự kiến GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng lên mức 5,5% vào năm 2024, nhưng Việt Nam cần phải thực hiện nhiều cải cách hơn. Mặc dù vốn là quốc gia đã thực hiện những cải cách trong nhiều năm trước, nhưng lại không lớn trong những năm gần đây.
“Kinh tế Việt Nam đã hưởng lợi nhiều từ các cuộc cải cách đã được thực hiện, nhưng sẽ còn đạt được những tiến bộ nếu cải cách hơn lĩnh vực đầu tư công, cơ chế phối kết hợp quản lý đầu tư công, đồng thời, tiếp tục cải cách khu vực dịch vụ. Không chỉ tăng năng suất trong lĩnh vực dịch vụ, mà còn các ngành khác của nền kinh tế”, ông Aaditya Mattoo cho biết.
Cũng theo chuyên gia WB, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc trong năm 2023 đã ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực. Dù tăng trưởng trong khu vực vẫn cao hơn mức tăng trưởng dự kiến ở các nền kinh tế mới nổi và nền kinh tế phát triển (EMDE) khác, nhưng đang chậm lại so với các dự đoán trước đó.
Cụ thể, khu vực EAP được dự đoán sẽ tăng trưởng 5,0% vào năm 2023, thấp hơn khoảng 0,1 điểm phần trăm so với dự kiến vào tháng 4 năm 2023. Tăng trưởng ở Trung Quốc được dự đoán là 5,1% vào năm 2023, cao hơn mức 3,0% vào năm 2022. Tuy nhiên, tăng trưởng khu vực EAP không bao gồm Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm xuống còn 4,6% vào năm 2023 từ mức 5,8% vào năm 2022 và giảm so với mức 4,9% dự kiến vào tháng 4 năm 2023. Các nền kinh tế Thái Bình Dương dự kiến sẽ tiếp tục phát triển vào năm 2023, với mức tăng trưởng trung bình dự kiến là 5,2% vào năm 2023. Khu vực EAP được dự đoán sẽ tăng trưởng 4,5% vào năm 2024.
Tăng trưởng ở Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm xuống còn 4,4% vào năm 2024, do sự phục hồi sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại và đối mặt với những vấn đề như nợ tăng cao và sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản, cũng như các yếu tố cấu trúc dài hạn đè nặng lên sự tăng trưởng. Tăng trưởng ở các khu vực còn lại trong khu vực dự kiến sẽ tăng lên tới 4,7% vào năm 2024, do các điều kiện tài chính toàn cầu nới lỏng và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu bù đắp cho tác động của việc tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc.
“Mặc dù giảm dự báo trong năm 2023 nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi dần dần; các điều kiện tài chính sẽ tốt dần lên”, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực EAP của WB nói.
Quan ngại và cơ hội
Ông Aaditya Mattoo đề cập đến 3 quan ngại sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của khu vực EAP đó là:
Thứ nhất, tinh thần tiết kiệm trong khu vực EAP đang ngày càng cao;
Thứ hai, động lực tăng trưởng của Trung Quốc đang giảm tốc. “Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trong khu vực EAP. Theo tính toán của WB, tăng trưởng của Trung Quốc giảm 1% thì các quốc gia trong khu vực EAP giảm 0,3%”.
Thứ ba, kinh tế thế giới đang có những biến động. Ví dụ như kinh tế Hoa Kỳ thay đổi cũng ảnh hưởng đến kinh tế khu vực EAP.
Tuy nhiên, ông Aaditya Mattoo cũng cho biết, cơ hội để tăng trưởng trở lại với trọng tâm đặc biệt là phát triển dịch vụ và công nghệ.
Nhìn về trung và dài hạn, việc phát triển dịch vụ sẽ là trọng tâm trong sự phát triển chung của EAP. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Đông Á trong những thập kỷ gần đây thường được coi là do khu vực sản xuất thúc đẩy. Tuy nhiên, dịch vụ đang đóng vai trò ngày càng tăng, là động lực chính cho tăng trưởng toàn nền kinh tế và tạo việc làm nhưng thường bị đánh giá thấp.
Theo ông Aaditya Mattoo, năng suất trong một số dịch vụ như kinh doanh, tài chính và truyền thông… cao hơn trong sản xuất. Mặc dù hầu hết các công việc dịch vụ trong khu vực EAP vẫn thuộc các dịch vụ đòi hỏi kỹ năng thấp và năng suất thấp như bán lẻ và vận tải truyền thống nhưng những năm gần đây đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng năng suất lao động tổng hợp đã cao hơn đóng góp của ngành sản xuất ở tất cả các nền kinh tế lớn trong khu vực.
Dịch vụ hiện đại là đại diện cho yếu tố năng động nhất của thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đông Á. Ở hầu hết các nước, trong giai đoạn 2012-2019, tốc độ tăng trưởng FDI vào lĩnh vực dịch vụ đã vượt tốc độ tăng trưởng FDI vào lĩnh vực sản xuất tới 5 lần. “Do sử dụng kỹ năng nhiều hơn nên phụ nữ chiếm số lượng đông hơn nam giới và tỷ lệ này sẽ tăng nhanh hơn theo mức độ phát triển”, ông Aaditya Mattoo nói.
Đối với câu chuyện công nghệ, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực EAP của WB cho rằng, những thay đổi trong chính sách công nghệ và dịch vụ đã định hình và sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của dịch vụ cũng như sự đóng góp của chúng cho sự phát triển. Việc cải cách các chính sách hạn chế sự gia nhập và cạnh tranh trong các lĩnh vực dịch vụ cũng đang dẫn đến sự thay đổi cơ cấu giữa và trong các ngành.
“Kết quả là sự đổi mới đã làm tăng quy mô, khả năng thương mại và tăng năng suất cao hơn trong các lĩnh vực dịch vụ cũng như trong các lĩnh vực sản xuất sử dụng các dịch vụ này và tăng nhu cầu về các kỹ năng phức tạp bổ sung cho các công nghệ mới”, ông Aaditya Mattoo nói.
Bằng chứng tại EAP và các quốc gia khác xác nhận rằng việc giảm bớt các rào cản cạnh tranh trong dịch vụ sẽ thúc đẩy tăng trưởng năng suất cao hơn trong các lĩnh vực dịch vụ cũng như trong các lĩnh vực sản xuất sử dụng các dịch vụ này. Ví dụ, phân tích doanh nghiệp mới ở Việt Nam cho thấy việc giảm bớt các hạn chế đối với các lĩnh vực vận tải, tài chính và kinh doanh trong giai đoạn 2008–2016 có liên quan đến mức tăng giá trị gia tăng bình quân hàng năm là 2,9% trên mỗi lao động trong các lĩnh vực này. Hơn nữa, tự do hóa dịch vụ đi kèm với việc năng suất lao động của các doanh nghiệp sản xuất sử dụng đầu vào dịch vụ tăng 3,1%, mang lại lợi ích đáng kể nhất cho các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ.
“Tuy nhiên, các công việc mới được tạo ra trong các dịch vụ kỹ thuật số có thể đòi hỏi những kỹ năng cao hơn so với những công việc trong các dịch vụ truyền thống. Sự kỳ vọng về mức năng suất và tăng trưởng cao hơn có thể gắn liền chặt chẽ hơn với những công việc có kỹ năng cao hơn nên việc trang bị cho người lao động những kỹ năng liên quan phải được ưu tiên”, ông Aaditya Mattoo nói.