WB tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu

WB tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu

(ĐTCK) Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 2,4% so với mức 2,9% đưa ra hồi tháng 1/2016. Trong tháng 1/2016, WB cũng đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu tư mức 3,3% xuống còn 2,9%.

Động thái này dựa trên tốc độ tăng trưởng chậm tại các nền kinh tế phát triển, giá hàng hóa nguyên liệu vẫn giữ ở mức thấp, thương mại toàn cầu yếu và dòng vốn bị thuyên giảm.

Theo báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của WB, các nước mới nổi xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu và các nước đang phát triển đang phải vật lộn với tình trạng giá dầu và giá các mặt hàng nguyên liệu khác bị ghìm ở mức thấp. Riêng yếu tố này đã chiếm một nửa mức hạ dự báo. Các nền kinh tế này dự đoán chỉ tăng 0,4% năm nay, trong khi mức dự báo đưa ra hồi tháng 1/2016 là 1,2%.

“Mức tăng trưởng chậm này cho thấy các nước phải theo đuổi các chính sách nhằm tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống cho nhóm những người nghèo cùng cực. Tăng trưởng kinh tế vẫn là yếu tố quan trọng nhất giúp thực hiện giảm nghèo, vì vậy, chúng tôi rất quan ngại về tình trạng sụt giảm tăng trưởng mạnh tại các nước phát triển xuất khẩu nguyên liệu do giá hàng hóa nguyên liệu thấp”, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nói.

Các thị trường mới nổi nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu và các nước đang phát triển có khả năng đề kháng tốt hơn các nước xuất khẩu tuy rằng phải mất nhiều thời gian thì mới có thể khai thác được lợi ích của xu thế giá năng lượng và giá các hàng hóa khác đi xuống. Dự báo các nền kinh tế này sẽ đạt mức tăng trưởng 5,8% năm 2016, giảm nhẹ so với mức 5,9% năm 2015, nhờ vào giá năng lượng thấp và mức tăng trưởng nhẹ tại các nền kinh tế phát triển.

Trong các nền kinh tế mới nổi chính, Trung Quốc dự đoán sẽ tăng trưởng 6,7% năm 2016 so với mức 6,9% năm 2015. Ấn Độ dự kiến sẽ vẫn giữa mức 7,6%, còn Brazil và Nga dự kiến sẽ bị lún sâu hơn vào suy thoái so với mức dự báo hồi tháng 1/2016. Nam Phi dự báo tăng trưởng 0,6% năm 2016, thấp hơn 0,8 điểm phần trăm so với mức dự báo tháng 1/2016.

Báo cáo cho biết, tín dụng trong khu vực tư nhân sẽ tăng mạnh do lãi suất giữ ở mức thấp trong một thời kỳ dài và nhu cầu vốn tăng trong thời gian gần đây, và tình trạng đó sẽ gây nhiều rủi ro tiềm tàng cho một số nền kinh tế mới nổi và một số nước đang phát triển.

“Trong khi các nước phát triển đang cố gắng lấy đà thì hầu hết các nước Nam và Đông Á lại tăng trưởng rất vững và các nước nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu mới nổi khác trên thế giới cũng vậy. Tuy vậy, một diễn tiến cần chú ý là nợ tư nhân tăng nhanh tại một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Do lượng vốn đi vay tăng, nên cũng xuất hiện nhiều khoản nợ xấu và tỷ trọng nợ xấu trong tổng cho vay đã tăng gấp bốn lần”, ông Kaushik Basu, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Phó chủ tịch cao cấp của WB nói.

Trong bối cảnh tăng trưởng yếu nền kinh tế toàn cầu gặp phải nhiều rủi ro dễ thấy, trong đó phải kể đến xu thế tiếp tục đi xuống tại một số thị trường mới nổi chủ chốt, thay đổi đột ngột về tâm lý trên thị trường tài chính, đình trệ tại các nền kinh tế phát triển, tình trạng giá nguyên vật liệu thấp kéo dài hơn dự tính, rủi ro địa chính trị tại nhiều nơi trên thế giới và quan ngại về hiệu quả chính sách tiền tệ trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Báo cáo áp dụng một công cụ lượng hóa rủi ro đối với viễn cảnh toàn cầu và kết quả cho thấy rằng xu thế có vẻ kém lạc quan hơn dự báo đưa ra hồi tháng 1/2016.

“Viễn cảnh tăng trưởng ảm đạm tại các nền kinh tế mới nổi đang phát triển sẽ làm chậm lại, thậm chí đảo ngược thành quả đã đạt được trong việc bắt kịp với mức thu nhập tại các nền kinh tế phát triển. Tuy vậy, một số nền kinh tế mới nổi nhập khẩu nguyên vật liệu và đang phát triển vẫn duy trì mức tăng trưởng đều và thậm chí tăng tốc trong ba năm vừa qua”, ông Ayhan Kose, Trưởng nhóm báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu  nói.

Trong các khu vực, tăng trưởng của khu vực Đông Á Thái Bình Dương dự kiến sẽ giảm xuống mức 6,3% như trong năm 2016. Toàn khu vực, không kể Trung Quốc, sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2016, bằng với mức tăng trưởng năm 2015. Tăng trưởng tại các nước còn lại trong khu vực dự tính sẽ được hỗ trợ bởi tăng cường đầu tư tại các nền kinh tế lớn (Indonesia, Thái Lan) và tăng mạnh tiêu dùng bởi giá hàng hóa nguyên liệu thấp (Thái Lan, Philippine, Việt Nam).

Tin bài liên quan